Ông Nguyễn Trung Sỹ - Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đảm bảo ATGT giữa đường bộ và đường sắt đã được triển khai từ năm 2008, chia làm 2 giai đoạn, hiện đã triển khai xong giai đoạn 1 với tổng kinh phí gần 360 tỷ đồng. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan rà soát, kiểm tra hiện trường phần khối lượng dự kiến triển khai giai đoạn 2 của Dự án và xác định khối lượng thực sự cần thiết phải tiếp tục đầu tư.
Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng đường bộ Nguyễn Trung Sỹ báo cáo tại cuộc họp
“Trong tháng 4/2015, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức rà soát so với Đề án đã được phê duyệt còn lại 91,5km, sau khi rà soát còn 66,28km cần phải thực hiện. Giữa Đề án được phê duyệt so với sự rà soát chênh lệch nhau khoảng 25km không cần thiết làm, vì các lý do cái đã được thực hiện bằng các dự án khác, cái thì dự án được điều chuyển, dịch chuyển các tuyến đường, có những đoạn tuyến đường được đổi từ đường của địa phương sang hệ thống đường khác, một số đã được đầu tư theo dự án đầu tư xây dựng cơ bản khác nên đã giảm đi 25km” - ông Sỹ cho biết.
Ông Nguyễn Duy Lâm - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư cho biết Dự án có tổng chiều dài 283,8km rào tôn lượn sóng tại các đoạn đường sắt song song liền kề với một số tuyến quốc lộ, với tổng mức đầu tư 881 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2, Bộ GTVT đã giao Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thành lập Đoàn công tác rà soát lại tình hình triển khai nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, sau khi rà soát lại có 91,5km cần tiếp tục triển khai theo Dự án đầu tư đã được phê duyệt.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, trong 91,5km cần tiếp tục triển khai thì có 23km cần phải triển khai ngay, nằm ở các khu vực miền núi có địa hình núi cao, nhiều đèo dốc, trong khi các tuyến giao thông đi trong khu vực này thường có mặt đường hẹp, bán kính đường cong nằm nhò, độ dốc dọc lớn nên tại các khu vực miền núi (đặc biệt là khu vực phía Bắc) xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản của nhân dân như vụ tai nạn tại Sapa - Lào Cai ngày 1/9/2014. Vì vậy, việc triển khai xây dựng hệ thống ATGT tại 23km này là rất cần thiết và cấp bách.
Trong 91,5km cần tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đảm bảo
ATGT giữa đường bộ và đường sắt thì có 23km cần phải triển khai ngay
Ông Bùi Khắc Điệp - Phó Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông cho rằng cần phải đảm bảo đúng mục tiêu của Dự án, rà soát tất cả khối lượng tại các vị trí đường bộ song song liền kề với đường sắt. Sau khi rà soát, sẽ tiến hành triển khai đầu tư các vị trí ưu tiên trước, nếu còn vốn dư có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét đầu tư các hạng mục khác theo đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
Nhấn mạnh đến tính cần thiết và cấp bách của Dự án, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các đơn vị liên quan việc triển khai Dự án phải đảm bảo mục tiêu bảo đảm ATGT tại các vị trí đường bộ song song liền kề với đường sắt, Dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nên phải đầu tư những đoạn có hiệu quả, những đoạn tuyến tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
Thứ trưởng yêu cầu Vụ ATGT, Vụ KCHTGT, Tổng cục Đường bộ VN, Cục Đường sắt VN, Tổng công ty Đường sắt VN rà soát, lựa chọn vị trí tăng cường hộ lan, phải căn cứ từng vị trí để thiết kế phù hợp, thống nhất làm một tầng, tăng chiều dài, ứng dụng công nghệ mới.
Về nguồn vốn, Thứ trưởng thống nhất sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ còn dư và trong danh mục đã được phê duyệt để đầu tư xây dựng các công trình, dự án cấp bách, bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư của Dự án và không vượt mức vốn đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Dự án đầu tư xây dựng hệ thống đảm bảo ATGT giữa đường bộ và đường sắt được Bộ GTVT phê duyệt tháng 10/2008, quy mô xây dựng 283,8km rào tôn lượn sóng tại các đoạn đường sắt song song liền kề với một số tuyến quốc lộ, tổng mức đầu tư 881 tỷ đồng sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 đã hoàn thành đầu tư 95,6km; giai đoạn 2 triển khai thực hiện đầu tư 135,6 km, kinh phí 408,6 tỷ đồng. Tổng giá trị giải ngân Dự án đến nay là 359,5 tỷ đồng, còn lại 521,5 tỷ đồng.
Bộ GTVT cũng đã rà soát các vị trí có khả năng gây mất an toàn giao thông cao tại các khu vực miền núi và thống kê trước mắt cần thiết phải bổ sung xây dựng mới khoảng 514km tôn lượn sóng, 38km tôn lượn sóng thiết kế chịu lực đặc biệt và sửa chữa tăng cường khoảng 123,3km, tổng kinh phí khoảng 768 tỷ đồng.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện