Xã hội hóa công tác duy tu gần 3000 km quốc lộ từ Ninh Thuận trở vào phía Nam |
Cục Quản lý Đường bộ IV vừa mời hàng trăm doanh nghiệp đến để thông báo công khai kế hoạch đấu thầu quản lý, bảo dưỡng thường xuyên các tuyến QL do Cục QLĐB IV quản lý năm 2015. Đây là một chủ trương mới nhằm xã hội hóa công tác quản lý bảo trì đường bộ, tạo bước đột phá đổi mới toàn diện công tác quản lý bảo trì theo Quyết định 538 của Bộ trưởng Đinh La Thăng.
Minh bạch là điểm nhấn
Theo đó toàn bộ 2.886 km đường QL (trừ 595km đã bàn giao cho nhà đầu tư BOT, BT) trên 26 tuyến QL với 947 cầu do Cục QLĐB IV quản lý sẽ cho đấu thầu công khai minh bạch để các nhà thầu quan tâm tham gia.
Phó Cục trưởng Cục QLĐB IV Nguyễn Văn Thành cho biết: Phương pháp tính giá là tính đúng khối lượng thực trạng tuyến đường về chiều rộng, loại kết cấu, khối lượng rãnh, hệ thống an toàn, vùng miền, năm đưa vào sử dụng. Chỉ bố trí kinh phí tập trung cho các công việc thoát nước mặt đường, khơi thông cống rãnh, cắt cỏ, phát cây, vệ sinh mặt đường, sơn cột biển báo… mà không bố trí kinh phí sửa chữa mặt đường, vá láng ổ gà, sình lún.
Về lương, chế độ chính sách và giá vật liệu, ca máy được thực tính theo chế độ giá vật liệu của từng vùng miền địa phương mà những đoạn tuyến đi qua.
Như vậy về định mức vẫn dùng cách tính theo quy định bảo dưỡng thường xuyên (3409) nhưng một số định mức sẽ chiết giảm tần suất, khối lượng. Ví dụ về đếm xe là 1 quý/1 lần/ trạm cho những đoạn tuyến ngắn dưới 30km. Không tổ chức đếm hoặc bỏ hẳn đếm xe với các đoạn tuyến không quan trọng (như đường tuần tra biên giới…). Kiểm tra định kỳ, khẩn cấp, cập nhật số liệu cầu đường và tình hình bão lũ chỉ tính 50% so với quy định (7 lần/ năm so với 14 lần / năm).
Ông Nguyễn Thuận Phương – Cục trưởng Cục QLĐB IV khẳng định, tính minh bạch được thực thi để tất cả các nhà thầu trong và ngoài ngành có năng lực đều có cơ hội để tham gia nộp hồ sơ đấu thầu công khai, tuy nhiên với một số gói thầu như gói “lập hồ sơ mời thầu và đánh giá hồ sơ dự thầu” sẽ chỉ định thầu để tiết kiệm thời gian chỉ trong vòng 60 ngày.
Như vậy trong năm 2015, Cục QLĐB IV sẽ đấu thầu công khai 15 gói thầu, trong đó có 13 gói chỉ đấu thầu quản lý sửa chữa thường xuyên, còn 2 gói đấu thầu lai ghép cả sửa chữa thường xuyên và định kỳ, thời gian thực hiện là 36 tháng từ 2015 – 2018.
Ông Vũ Xuân Lai – Vụ phó Vụ Quản lý bảo trì đường bộ (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, sở dĩ có gói thầu "lai ghép" nhằm để loại trừ trường hợp nhà thầu làm gói sửa chữa định kỳ hết bảo hành thì hư hỏng, nhà thầu sửa chữa thường xuyên “ôm” vào thì thiệt hại.
Nhà thầu vẫn băn khoăn giá thấp
Theo ông Lai, tính toán của Cục QLĐB IV đưa ra để các nhà thầu tham khảo gần với quy định 3904, nhà thầu khéo thu xếp, tổ chức thi công tốt, cơ giới hóa công việc như cắt cỏ, vét rãnh thì có lời.
Phóng viên Giao thông đã phỏng vấn nhiều lãnh đạo đơn vị duy tu có kinh nghiệm về đơn giá định mức, đa phần đều cho rằng cần thời gian tính toán thêm mới khẳng định được có lợi nhuận hay không.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2013 Cục QLĐB IV, thí điểm đấu thầu một gói sửa chữa thường xuyên dài 125km trên QL1A thuộc tỉnh Bạc Liêu với thời gian là 3 năm (2014 - 2017), giá trúng thầu là 33,611 tỷ đồng, tính ra suất bình quân 89,6 triệu đồng/km/năm. Đến năm 2014, Cục QLĐB IV tiếp tục triển khai đấu thầu 3 tuyến QL 28, QL30, QL Nam sông Hậu với giá gói thầu chỉ bằng 50% của gói QL1A nói trên cùng các tiêu chí nghiệm thu thanh toán giữ nguyên. Kết quả là không lựa chọn được nhà thầu vì tất cả các nhà thầu tham gia bỏ giá cao hơn từ 1,5 -3 lần giá gói thầu được duyệt.
Nhiều doanh nghiệp băn khoăn về gói thầu lai ghép chỉ phát huy chút lợi thế ban đầu, năm thứ 2,3 thì sửa chữa thường xuyên gặp khó khăn vì phải gánh thêm hư hỏng của sửa chữa định kỳ. Nếu đầu tư thiết bị hiện đại đồng bộ, sau 3 năm không trúng thầu nữa thì chỉ có phá sản. Trước những băn khoăn về giá trần hơi thấp, Ông Vũ Xuân Lai giải thích, lai ghép nhằm bù trừ cho nhau, tuy nhiên chưa thể nói là quy định hoàn hảo, Tổng Cục ĐBVN sẽ tiếp tục nghiên cứu chỉnh sửa.
Theo giải thích của ông Vũ Xuân Lai, ngành đường bộ muốn làm cho tốt như mong muốn phải cần đến 13 – 14 nghìn tỷ đồng, tuy nhiên hiện Quỹ Bảo trì đường bộ chỉ bố trí được khoảng 6 nghìn tỷ đồng thì phải “liệu cơm gắp mắm”. Nếu trong thời gian tới, được bố trí thêm thì có thể đàm phán, thương thảo lại hợp đồng.
Mức chào giá mới từ Cục QLĐB IV để bảo dưỡng đường 2 làn xe hiện nay là 23 triệu đồng/km/năm (đồng bằng) và 25 triệu đồng/km/năm (miền núi) tính từ lề đường hắt ra đang là bài toán đau đầu các nhà thầu tham gia đấu thầu năm nay.
Nhiều doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu dù giá thấp để có việc tạm thời nuôi công nhân nhưng về lâu dài chưa chắc đã đủ bù chi phí nên còn ngần ngại. Một giám đốc doanh nghiệp chia sẻ với phóng viên, giá duy tu bảo dưỡng như thế này mà giữ cách làm cũ thì khó tạo được đột phá, đổi mới gì. Vấn đề bây giờ là doanh nghiệp cũng phải tìm tòi đổi mới hướng làm thì mới có thể có việc và phát triển trong bối cảnh mới.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện