2/9, lao lắp các phiến dầm đầu tiên
Trời miền Nam những ngày tháng 6 nắng gay gắt. Những cơn mưa đầu mùa đã xuất hiện nhưng không làm dịu được cái nóng hầm hập trên công trường thi công cầu Cổ Chiên. Gần 300 cán bộ, kỹ sư, công nhân thay nhau thi công 3 ca liên tục ngày đêm.
Tại trụ P26 chúng tôi gặp kỹ sư Hoàng Tiến Hữu đang chỉ huy công nhân lắp đặt hệ đà giáo thép hình để đúc xà mũ. Chất giọng lơ lớ vùng đất Quảng Nam, anh Hữu nói về tiến độ thi công bằng câu ví von: “Những trụ bê tông đã nhô lên khỏi mặt nước, bên trên là xà mũ đã đúc chẳng khác những cây nấm mọc sau mưa”.
Theo hướng chỉ tay của anh Hữu, tôi nhìn từ bờ phía Trà Vinh do Công ty CP Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc thực hiện và đếm đã có 15 trụ nhịp dẫn đã đúc xong bệ, thân trụ và đang tiến hành đổ xà mũ. Phía bờ Bến Tre có 8 trụ do CIENCO1 thực hiện cũng đã nhô lên khỏi mặt nước. Anh Tuấn Anh - Chỉ huy trưởng nhà thầu Tuấn Lộc cho biết, đến 2/9 sẽ tiến hành lao lắp các phiến dầm đầu tiên của nhịp dẫn.
Với 4 trụ chính đúc hẫng ở giữa sông có độ sâu khoan cọc nhồi trên 90m, riêng trụ P16 có độ sâu đến 113m. Theo Chỉ huy trưởng Tuấn Anh trong 4 trụ chính, các trụ P13, P14, P15 cũng đã khoan 16/20 cọc. Tại trụ P16 đã hoàn thành cọc khoan nhồi, khoảng 20 công nhân đang hì hục đập đầu cọc để chuẩn bị đúc bệ trụ trong vài ngày tới.
Chú trọng an toàn, chất lượng
Để phục vụ thi công, hơn 20 sà lan từ 800 - 1.800 tấn được huy động, 12 cần cẩu từ 50 - 120 tấn đứng trên các sà lan. Hai trạm trộn công suất 90m3/h được lắp đặt trên hệ nổi là sà lan 1.800 tấn để cơ động. Với 4 trụ chính đúc hẫng, mỗi trụ cao 32m, đã có 4 cầu tháp cao 47m sẵn sàng. Bốn bộ xe đúc để đúc hẫng cũng đang được thử tải chuẩn bị đưa vào công trường.
Dùng ống vách thép đảm bảo an toàn khi thi công trụ cầu Cổ Chiên |
Kỹ sư Phạm Đức Hoạt cho biết, sông Cổ Chiên có chiều rộng khá lớn, lên đến gần 1,6km, mực nước tại công trường có điểm sâu trên 20m, những lúc nước lên xuống tạo dòng chảy mạnh. Chính vì vậy tất cả công nhân khi ra công trường phải mặc đầy đủ thiết bị bảo hộ lao động, đặc biệt là áo phao.
Để thi công bệ trụ, nhà thầu đã sử dụng hệ ván khuôn thùng chụp nặng đến 280 tấn. Dựng 12 ống vách lên cao xung quanh trụ, sau đó lắp đặt hệ ván khuôn thùng chụp ở trên cao, rồi dùng 12 trạm kích thông tâm, mỗi trạm có sức nâng 60 tấn để hạ thùng chụp xuống. “Tất cả các bước đều được thực hiện một cách nhịp nhàng để không có sự cố xảy ra”- anh Hoạt cho biết.
Để đúc thân trụ có chiều cao lớn từ 8-20m trên sông, thay vì sử dụng hệ đà giáo ghép hình nhìn mỏng manh và tốn thời gian lắp đặt, tháo dỡ cũng như đòi hỏi diện tích mặt bằng lớn, đơn vị thi công đề xuất biện pháp sử dụng 4 ống vách dựng xung quanh trụ một cách chắc chắn.
Chỉ vào trụ P23 đang được đúc, ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc cho biết, phương pháp thi công này làm cho hệ thống ván khuôn được định vị chắc chắn, công nhân có thể xử lý kỹ để trụ đúc xong thấy nhẵn bóng, không có vết đúc giữa các đốt. “Sẽ lấy trụ P23 này làm hình mẫu để đúc các trụ tiếp theo”- anh Thắng nói.
Theo ông Nguyễn Chung Khánh - Tổng Giám đốc Ban QLDA7, đến nay dự án cầu Cổ Chiên đang thực hiện đúng tiến độ và hoàn thành một số hạng mục đúng kế hoạch. Khó khăn hiện nay là nguồn kinh phí ngân sách bố trí chưa kịp. Bộ GTVT cũng có văn bản đề nghị tỉnh Bến Tre, Trà Vinh tạo điều kiện cho dự án mượn mỗi tỉnh 50 tỷ đồng.
Dù công việc còn khá bộn bề, tuy vậy ông Nguyễn Ngọc Thắng - Phó Giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc khẳng định: Dự án cầu Cổ Chiên chắc chắn hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch là 31/7/2015.
Nguồn: giaothongvantai.com.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện