Ông Hoàng Hà, Vụ trưởng Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho biết, theo quy định không còn khái niệm tiêu chuẩn ngành của lĩnh vực giao thông và tiêu chuẩn ngành lĩnh vực xây dựng. Công tác chuyển đổi tiêu chuẩn ngành đang được các bộ, ngành chỉ đạo các đơn vị có liên quan tiến hành chuyển đổi thành tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn cơ sở.
|
Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn trong XDCB giao thông
cần được điều chỉnh, bổ sung |
Do vậy, Bộ GTVT đề nghị Bộ Xây dựng trong quá trình soát xét, chuyển đổi tiêu chuẩn cần xem xét, sửa đổi một số vấn đề kỹ thuật đã đề cập trong các tiêu chuẩn của Bộ Xây dựng ban hành liên quan đến lĩnh vực xây dựng công trình giao thông để phù hợp với thực tế.
Qua nghiên cứu, Vụ KHCN (Bộ GTVT) cho rằng, việc kiến nghị điều chỉnh chiều rộng làn xe trên các tuyến đường đô thị có tốc độ thiết kế 70km/h, 80km/h trong Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam 104-2007 từ 3,75m xuống 3,5m là phù hợp với tính chất giao thông đô thị và hạn chế GPMB. Hiện nay, trong dự thảo Tiêu chuẩn TCVN 5729- 2012 về đường cao tốc- yêu cầu thiết kế, Bộ GTVT soạn thảo, gửi Bộ KHCN thẩm định, công bố điều chỉnh bề rộng làn xe của tuyến đường có tốc độ thiết kế 80km/h đã điều chỉnh từ 3,75m xuống 3,5m.
Đối với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình ngầm đô thị được Bộ Xây dựng ban hành và có hiệu lực tháng 10/2009, tuy nhiên quá trình triển khai áp dụng có nhiều vướng mắc, nhiều chủ đầu tư đã có văn bản báo cáo, đề xuất sửa đổi. Năm 2010, Bộ GTVT đã có văn bản gửi Bộ Xây dựng phản ánh những bất cập trong quá trình áp dụng quy chuẩn này. Bộ Xây dựng chỉ đạo nhóm biên soạn chỉnh sửa, sau đó lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa có phản hồi của Bộ Xây dựng về vấn đề này.
Theo ông Hoàng Hà, quá trình áp dụng nội dung quy chuẩn về công trình ngầm đang bộc lộ nhiều bất cập. Đơn cử như nhiều mức giới hạn về đặc tính kỹ thuật được quy định cố định và có sự mâu thuẫn với tiêu chuẩn các nước đang áp dụng cho dự án như: độ dốc dọc các đoạn tuyến, khoảng cách giữa các tim đường liền kề trên cầu, khoảng cách bố trí lối thoát hiểm,... Phương pháp cấp điện chỉ quy định lấy từ ray thứ 3 mà không quy định hình thức lấy từ trên xuống. Các thuật ngữ chuyên ngành sử dụng không đúng dẫn đến khó áp dụng.
Bên cạnh các vấn đề trên, Vụ KHCN và một số cơ quan chức năng của Bộ GTVT cũng đề nghị Bộ Xây dựng có kế hoạch xây dựng mới một số tiêu chuẩn như: Quy trình điều tra dự báo lưu lượng xe trên đường và nút giao thông đô thị; Tiêu chuẩn dự báo phát triển giao thông đô thị; Thiết kế nút giao thông đô thị. Lý do dẫn đến điều này do thành phần dòng xe và lưu lượng xe chạy là các đại lượng có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định cấp hạng đường, thiết kế các yếu tố hình học của tuyến đường và kết cấu áo đường, đánh giá hiệu quả khai thác, làm cơ sở để xác định các chỉ tiêu kinh tế- kỹ thuật. Tuy nhiên, đối với các tuyến đường đô thị và nút giao đô thị làm mới thì công tác dự báo khó khăn hơn rất nhiều so với những tuyến đã có. Hiện nay, tiêu chuẩn TCXDVN 104- 2007 không đề cập đến các vấn đề nêu trên.
Do đó, trên thực tế khi thiết kế mới các tuyến đường đô thị, tư vấn chưa đưa ra được chỉ tiêu về lưu lượng, thành phần xe và dòng xe cụ thể và chỉ nêu chung chung. Đồng thời với đó, trong cả thiết kế mới và cũ trong giao thông đô thị cũng không đưa ra được phương pháp dự báo chính xác mức độ tăng trưởng của lưu lượng và thành phần xe dẫn đến các công trình sau một thời gian ngắn đưa vào khai thác đã mãn tải, kết cấu áo đường thiết kế không đáp ứng yêu cầu nên mặt đường nhanh chóng xuống cấp.
Hà Thanh Oai