Để tăng cường quan hệ hợp tác khoa học công nghệ và từng bước triển khai Biên bản ghi nhớ nói trên, trong các ngày từ 31/01/2012 đến ngày 02/02/2012, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT và Viện Quản lý Đất đai và Cơ sở hạ tầng Nhật Bản phối hợp tổ chức Hội thảo Khoa học và Công nghệ lần thứu 4 tại Hà Nội. Hội thảo lần này là cơ hội để hai bên trao đổi các thông tin chuyên môn về khoa học và công nghệ trong lĩnh vực xây dựng cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và vật liệu mới của Nhật Bản và Việt Nam theo Lộ trình đã ký kết vào tháng 3/2011, tìm hiểu khả năng ứng dụng các thành quả nghiên cứu của mỗi nước phục vụ sự nghiệp phát triển giao thông vận tải trong những năm tới tại Nhật Bản và Việt Nam, đồng thời, đây là cơ hội cho các cán bộ trẻ tiếp cận với các công nghệ mới, có điều kiện học hỏi và triển vọng phát huy trong điều kiện của Việt Nam.
Tham gia buổi hội thảo có nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành của 2 Viện và các chuyên viên, kỹ sư giao thông trẻ của cả Việt Nam và Nhật Bản. Cùng với đó là những đề tài nghiên cứu khoa học có tầm cỡ, đã được áp dụng hiệu quả trong lĩnh vực giao thông ở mỗi nước và có khả năng áp dụng trong quá trình xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình giao thông lớn của 2 nước. Tại buổi hội thảo, các chuyên gia khoa học đầu ngành của 2 Viện đã cùng nhau trao đổi thẳng thắn về khoa học và công nghệ áp dụng trong các lĩnh vực giao thông. Hàng loạt các công trình nghiên cứu, đề tài khoa học tiên tiến trong lĩnh vực giao thông đã được đã được các chuyên gia và kỹ sư trẻ của Việt Nam và Nhật Bản giới thiệu và chuyển giao cho nhau.
Trong buổi hội thảo PGS. TS. Doãn Minh Tâm - Viện trưởng - Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã nhấn mạnh: Việc trao đổi thông tin về công nghệ, đào tạo ngắn hạn cho các chuyên viên, kỹ sư 2 nước về các lĩnh vực cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và vật liệu mới là hết sức quan trọng. Tạo điều kiện cho việc bồi dưỡng và phát huy trí tuệ cũng như khả năng của các kỹ sư trẻ 2 nước.
Về phía Nhật Bản, các chuyên gia đã giới thiệu một số đề tài khoa học khả dụng của Nhật Bản phù hợp với khí hậu và môi trường của Việt Nam như: các giải pháp khắc phục sự cố công trình giao thông sau động đất của ngài Yukihiro TSUKADA; phương pháp sử dụng bê tông nhựa rỗng trong thảm mặt đường cao tốc của ngài Atsushi KAWAKAMI; Giải pháp khắc phục vết nứt trong hầm đường bộ của ngài Nobuharu ISAGO; Giải pháp chống ô nhiễm tiếng ồn trong hầm đường bộ...
Bên cạnh đó, các kỹ sư đã trực tiếp tham gia các công trình nghiên cứu của Viện NILIM đã giải đáp mọi thắc mắc của các kỹ sư trẻ Việt Nam xung quanh các đề tài nêu ra. Qua trao đổi có thể thấy, điều mà các kỹ sư trẻ của Việt Nam quan tâm chính là khả năng áp dụng của các đề tài nêu trên vào điều kiện giao thông ở từng vùng miền của nước ta, phương pháp thi công và khả năng hỗ trợ, chuyển giao công nghệ cũng được nhắc đến nhiều. Bởi lẽ, điều kiện kinh tế, khoa học kỹ thuật và môi trường ở Việt Nam không hoàn toàn giống như ở Nhật Bản nên các kỹ sư luôn đòi hỏi sự thận trọng trong việc thử nghiệm các đề tài của nước bạn.
Đánh giá cao tinh thần ham học hỏi của các kỹ sư Việt Nam, đại diện Viện NILIM cho biết: Viện NILIM luôn sẵn sàng giúp đỡ các chuyên gia, kỹ sư Việt Nam tiếp cận các tiến bộ khoa học mà Viện NILIM đã đạt được. Đồng thời, đội ngũ kỹ sư trẻ của Viện NILIM cũng ghi nhận những đề tài nghiên cứu khoa học đầy sáng tạo, có tính thực tiễn cao mà đội ngũ cán bộ, kỹ sư của Viện đã mang đến giới thiệu tại hội thảo. Họ sẽ tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các đề tài đó vào lĩnh vực bảo trì, sửa chữa công trình giao thông ở Nhật Bản..
PV. Thu Trang - D. Mạnh Khải - U. Tam Hùng
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện