Quý I/2022, toàn Ngành cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ

Thứ tư - 13/04/2022 13:00. Xem: 117
 Đây là đánh giá của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi Giao ban Quý I/2022 và triển khai nhiệm vụ Quý II/2022 của Bộ GTVT, sáng nay (13/4).
Quý I/2022, toàn Ngành cơ bản hoàn thành tốt nhiệm vụ

 Đổi mới tư duy trong điều hành, quản lý để tạo bứt phá

Kết luận tại buổi Giao ban, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động toàn Ngành để đạt kết quả tốt, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu của 3 tháng đầu năm.


Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì buổi Giao ban trực tuyến Quý I/2022, sáng nay 

Tuy nhiên, người đứng đầu Ngành GTVT vẫn nhấn mạnh kết quả giải ngân vốn đầu tư trong quý I/2022 chưa được như mong muốn. Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Giám đốc các Ban QLDA cần đổi mới, thay đổi tư duy trong quản lý, điều hành các dự án giao thông để thúc đẩy mạnh mẽ tiến độ, tạo bứt phá về giải ngân.

“Kết quả giải ngân Quý I/2022 của ngành GTVT cao hơn bình quân cả nước chỉ 2% là rất ít. Tới đây, lĩnh vực xây dựng cơ bản phải đạt kết quả giải ngân cao hơn nữa. Trong tháng 4 - 5 này phải cao hơn bình quân chung cả nước 5%, đến hết tháng 6/2022 phải cao hơn 10%”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ rõ.

Theo Bộ trưởng, hiện có nhiều dự án giao thông trọng điểm nên các Ban QLDA cần nỗ lực nâng cao hiệu quả điều hành mới bảo đảm tiến độ, chất lượng.

“Mọi công đoạn, phần việc, hạng mục phải được cụ thể hóa để triển khai nhanh chóng, quy trình giải ngân ngắn nhất và đúng quy định. Các dự án phải đảm bảo tiến độ đề ra, song tôi nhắc lại là chúng ta không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ, kết quả giải ngân”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.

Tại buổi Giao ban Quý I, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng chỉ đạo lãnh đạo từng Cục, Tổng cục quản lý chuyên ngành tập trung triển khai nhiệm vụ phải bám sát các kế hoạch, đề án, dự án phát triển cụ thể để quy hoạch sớm phát huy hiệu quả. Bên cạnh đó, phải thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong việc tạo đột phá để thúc đẩy vận tải.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tập trung triển khai những vấn đề quan trọng khác như bảo đảm vận tải trong tình hình dịch Covid-19 chuyển sang giai đoạn mới, nhất là lĩnh vực hàng không, đường sắt liên vận quốc tế; duy trì đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông và bảo đảm trật tự ATGT; xây dựng dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ và công tác xây dựng thể chế; xây dựng Chính phủ điện tử, đẩy nhanh bám sát chương trình chuyển đổi số của Ngành và quốc gia…

Nhiều nhiệm vụ quan trọng phải thực hiện trong Quý II

Trước đó, thông tin tại cuộc họp giao ban trực tuyến của Bộ GTVT sáng nay, Chánh Văn phòng Bộ GTVT Nguyễn Trí Đức cho biết, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 4 và Quý II/2022 của Bộ GTVT là phối hợp với các cơ quan Trung ương và địa phương hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về chủ trương đầu tư 3 dự án trọng điểm quốc gia, gồm: Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Biên Hòa - Vũng Tàu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Vụ KHĐT cần tiếp thu, giải trình để sớm báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án quy hoạch tổng thể phát triển kết cấu cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án định hướng các nguồn lực xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không; Phối hợp với Tổng cục, các cục quản lý chuyên ngành khẩn trương hoàn thiện kế hoạch, cơ chế chính sách đột phá để triển khai thực hiện các quy hoạch chuyên ngành trong lĩnh vực GTVT đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đồng thời, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cần đẩy mạnh triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 để đủ điều kiện khởi công vào cuối năm 2022; chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy mạnh tiến độ thi công, giải ngân các dự án đang triển khai, đặc biệt là Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, trong đó có 4 dự án thành phần phải hoàn thành trong năm 2022 (Mai Sơn - QL45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây).

Bên cạnh đó, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhất là trong công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu để đẩy nhanh tiến độ thi công song song với quản lý, giám sát chặt chẽ, bảo đảm chất lượng công trình. "Đồng thời, các chủ đầu tư, ban quản lý dự án cần hoàn thiện các dự thủ tục chuẩn bị đầu tư để sớm triển khai thi công các dự án nhóm B, nhóm C theo đúng tiến độ yêu cầu", ông Nguyễn Trí Đức cho biết.

Vụ Khoa học công nghệ có nhiệm vụ phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi hoặc thay thế các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp với quy định hiện hành để áp dụng cho các dự án chuẩn bị triển khai; đồng thời nghiên cứu sử dụng các vật liệu phù hợp làm lớp đắp cho các dự án, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Trung tâm Công nghệ thông tin cần theo dõi, đôn đốc, tham mưu kịp thời việc triển khai các dự án công nghệ thông tin sử dụng vốn trung hạn 2021-2025, tuyệt đối không để triển khai chậm trễ. Đồng thời, tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ về xây dựng Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của Bộ GTVT trong năm 2022.

Ngoài ra, trong trong tháng 4 và quý II/2022, Bộ GTVT sẽ thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm khác, như: Vụ Đối tác công tư hoàn thành, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng của VEC; tập trung xử lý các tồn tại, vướng mắc tại các dự án BOT, đặc biệt tập trung việc tăng giá phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT;

Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và với các cơ quan của Văn phòng Chính phủ hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ GTVT (thay thế Nghị định số 12/NĐ-CP của Chính phủ).

Thêm 3 dự án giao thông trọng điểm quốc gia được trình Quốc hội

Cũng theo Chánh Văn phòng Bộ Nguyễn Trí Đức, trong phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT triển khai mới 64 dự án giao thông. Trong 4 dự án quan trọng quốc gia có một dự án (cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025) đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư, còn lại 3 dự án: Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (giai đoạn 1), cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đã hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đã thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình Quốc hội về chủ trương đầu tư các dự án.

Ông Nguyễn Trí Đức cho biết, đối với 9 dự án nhóm A có 2 dự án(Cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh giai đoạn 1; Cầu Rạch Miễu 2) đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư, 4 dự án (Dự án phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; Dự án cầu Đại Ngãi  trên QL60; Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu; Dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú giai đoạn 1) đang trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Hai dự án đang trình Chính phủ đề xuất ODA (Dự án mở rộng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; Dự án kết nối Hà Giang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai giai đoạn 1); Một dự án đang hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư (Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chơn Thành - Đức Hòa).

Đối với 51 Dự án nhóm B, nhóm C, một dự án đã được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư, một dự án đã trình Chính phủ đề xuất sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc; một dự án đang hoàn thiện thủ tục đề xuất ODA; 44 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và 4 dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư.

Theo ông Đức, trong quý I/2022, Bộ GTVT đã hoàn thành thủ tục để khởi công 3 dự án, chậm khởi công 1 dự án; hoàn thành đưa vào khai thác 2 dự án, chậm hoàn thành 1 dự án.

Đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm

Đối với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại buổi kiểm tra hiện trường từ ngày 4 - 6/2/2022, Bộ GTVT đã yêu cầu lập kế hoạch rút ngắn tiến độ các dự án thành phần; tham mưu Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện dự án.

Đồng thời, Bộ GTVT đã làm việc với các địa phương để thống nhất hướng tuyến, mỏ vật liệu, bãi đổ thải và các nội dung quan trọng khác trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 và đề nghị xử lý nghiêm tình trạng xây dựng trái phép trong phạm vi dự án.

Bên cạnh đó, Bộ GTVT đã bàn giao hồ sơ thiết kế cắm cọc giải phóng mặt bằng (đợt 1) khoảng 147,2 km cho các địa phương để thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, đền bù giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, Bộ GTVT đã rà soát, xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn do ảnh hưởng của biến động giá nhiên, vật liệu xây dựng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông; chỉ đạo điều chỉnh, bổ sung các quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phù hợp với Luật Tiêu chuẩn để áp dụng cho các Dự án.

Trong quý I/2022, Bộ GTVT đã hoàn thành thẩm tra, phê duyệt quyết toán 12 dự án/hạng mục công trình với giá trị duyệt 9.101 tỷ đồng, trong đó: 6 dự án NSNN giá trị 8.169 tỷ; 6 dự án BOT giá trị khoảng 931 tỷ đồng. Cùng đó, Bộ GTVT đã giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước năm 2022 cho các chủ đầu tư/ban quản ý dự án (2 đợt) tổng số 41.955/50.328 tỷ đồng, đạt 83,4%; giải ngân được 7.200 tỷ, đạt 17,2% kế hoạch đã giao chi tiết và đạt 14,3% tổng kế hoạch được giao.

H.L

Nguồn: Công thông tin điện tử Bộ Giao Thông Vận Tải

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây