Nghiệm thu Nhiệm vụ khoa học công nghệ do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng Miền Tây thực hiện

Thứ hai - 22/11/2021 12:00. Xem: 79
 Ngày 22/11/2021, tại Hà Nội, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp đánh giá, nghiệm thu Nhiệm vụ khoa học và công nghệ “Nghiên cứu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, triều cường, điều kiện địa chất, môi trường khí hậu tới tuổi thọ công trình tại Đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất các nhiệm vụ nghiên cứu trong 5 năm tới”. Nhiệm vụ do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng Miền Tây thực hiện. Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và môi trường Lê Minh Long - Chủ tịch Hội đồng, chủ trì cuộc họp.
Nghiệm thu Nhiệm vụ khoa học công nghệ do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng Miền Tây thực hiện

 Thay mặt nhóm nghiên cứu báo cáo trước Hội đồng, TS. Trần Văn Tỷ cho biết: biển đổi khí hậu, nước biển dâng đã, đang tác động bất lợi tới khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với tần xuất và cường độ xâm nhập mặn, triều cường, hạn hán, lũ lụt, sạt lở, sụt lún... ngày càng gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự bền vững của các công trình xây dựng. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, triều cường, điều kiện địa chất, môi trường khí hậu tới tuổi thọ công trình trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt cấp thiết. Mục tiêu của nghiên cứu nhằm đề xuất giải pháp nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình xây dựng ở khu vực này.

Để thực hiện Nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã tích cực sưu tầm, tham khảo các tài liệu có liên quan, áp dụng các phương pháp khoa học như điều tra, khảo sát; tổng hợp, phân tích thông tin, số liệu từ báo cáo của các địa phương; phỏng vấn chuyên gia; tiến hành các thí nghiệm.

Từ kết quả khảo sát thực địa các công trình xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng công trình, nhóm đề xuất hướng giải pháp nâng cao chất lượng công trình xây dựng ở khu vực này theo 4 lĩnh vực, bao gồm: giải pháp về đánh giá nguyên nhân sạt lở bờ sông, bờ biển và đánh giá hiệu quả công trình; giải pháp địa kỹ thuật và công trình trên nền đất yếu ở Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp về vật liệu và cấu kiện mới trong xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long; giải pháp về quy hoạch và thiết kế công trình xây dựng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Trên cơ sở đó, nhóm nghiên cứu đề xuất 17 nhiệm vụ cần nghiên cứu, triển khai trong 5 năm tới.

Tại cuộc họp, Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng đánh giá cao nỗ lực của nhóm nghiên cứu trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo hợp đồng, hồ sơ nghiệm thu được thực hiện đầy đủ, tuân thủ đúng quy định hiện hành; kết quả nghiên cứu đã đảm bảo được mục tiêu đề ra. Báo cáo tổng kết đa dạng thông tin, đảm bảo chất lượng, đưa ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng, tuổi thọ công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật tại Đồng bằng sông Cửu Long. Hội đồng đánh giá cao đề xuất danh mục các nhiệm vụ khoa học công nghệ cần nghiên cứu và thực hiện trong 5 năm tới của nhóm nghiên cứu.

Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng cũng thảo luận, đóng góp một số ý kiến để  nhóm nghiên cứu xem xét, bổ sung: cần bổ sung phương pháp khoa học tiếp cận và phân tích hệ thống; phân tách, sắp xếp danh mục các sản phẩm đề tài theo đúng đề cương nhiệm vụ đã được phê duyệt; nên rà soát, biên tập ngắn gọn, súc tích hơn báo cáo tổng kết và sản phẩm của Nhiệm vụ.

Kết luận cuộc họp, Phó Vụ trưởng Lê Minh Long tổng hợp những ý kiến góp ý của các chuyên gia thành viên Hội đồng, đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét, tiếp thu đầy đủ, hoàn thiện báo cáo tổng kết và các sản phẩm Nhiệm vụ, sớm trình lãnh đạo Bộ Xây dựng xem xét, quyết định.

Hội đồng Tư vấn Bộ Xây dựng nhất trí nghiệm thu Nhiệm vụ khoa học công nghệ do nhóm nghiên cứu thuộc trường Đại học Xây dựng Miền Tây thực hiện, với kết quả đạt loại Khá.

Nguồn: Cổng thông tin Bộ xây dưng

Trần Đình Hà

 

 Cô

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây