Phát triển kinh tế miền Trung: Hạ tầng khơi thông, hàng không nhộn nhịp

Thứ ba - 20/08/2019 13:00. Xem: 79
Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông huyết mạch đã và đang được đầu tư thời gian qua góp phần khơi thông sự phát triển cho miền Trung - Tây Nguyên, tạo ra các trục liên kết xuyên suốt giữa khu vực và hai đầu đất nước.

 Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả được đầu tư hoàn thành đã góp phần khơi thông hạ tầng giao thông, tăng liên kết vùng giữa khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Lào, Thái Lan và Campuchia. Ảnh: Hà Minh

Dự án Hầm đường bộ Đèo Cả được đầu tư hoàn thành đã góp phần khơi thông hạ tầng giao thông, tăng liên kết vùng giữa khu vực miền Trung - Tây Nguyên, Lào, Thái Lan và Campuchia. Ảnh: Hà Minh

 

Hạ tầng tạo sức mạnh lan tỏa

Đường bờ biển dài và cảng nước sâu là lợi thế vượt trội của miền Trung trong thu hút đầu tư và là tiền đề để xây dựng các khu kinh tế ven biển thời gian qua. Lợi thế này đang dần được nhận diện rõ nét khi các nhà đầu tư chiến lược lần lượt xuất hiện: hai nhà máy lọc hóa dầu quy mô với công nghệ hiện đại đầu tiên của cả nước đã đi vào sản xuất, góp phần điều tiết thị trường xăng dầu và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đó là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất tại Quảng Ngãi và Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa.

Cũng tại miền Trung, hai khu liên hợp luyện cán thép quy mô với công nghệ hiện đại hàng đầu cả nước đã và đang đi vào vận hành là Dự án Khu liên hợp luyện cán thép Formosa Hà Tĩnh và Hòa Phát - Dung Quất tại Quảng Ngãi cùng với Khu phức hợp Ô tô Chu Lai -Trường Hải tại Quảng Nam.

Những bất lợi về thời tiết tại miền Trung cũng đang trở thành tiềm năng đem lại giá trị đầu tư cao, khi được khuyến khích bởi các cơ chế linh hoạt, hiệu quả từ Nhà nước. Tại những vùng nắng nóng bất lợi về sản xuất nông nghiệp ở Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định hay Quảng Ngãi đang dần hình thành các dự án điện mặt trời, điện gió. Hàng loạt dự án được đầu tư thời gian qua của những tập đoàn trong và ngoài nước có thương hiệu quốc gia và quốc tế đã và đang xây dựng nên ngành công nghiệp năng lượng tái tạo vững chắc cho Việt Nam, tạo nên làn sóng đầu tư mới, bền vững trong tương lai.

Nếu như trước đây, muốn đến Miền Trung, phải vượt qua những cung đường đèo nguy hiểm, thường xuyên bị chia cắt bởi thiên tai, thì nay, với chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng, sự tham gia tích cực, trách nhiệm và quyết tâm cao từ các nhà đầu tư tư nhân đã khắc phục được những khó khăn cho hạ tầng giao thông qua miền Trung và cả nước.

Công ty CP Đầu tư Đèo Cả đã lần lượt chinh phục những ngọn đèo hiểm trở để tạo nên những dấu ấn hạ tầng giao thông như hầm đường bộ Đèo Cả, hầm đường bộ đèo Cù Mông và đang thực hiện mở rộng ống hầm 2, Dự án hầm đường bộ Hải Vân. Những công trình hầm xây dựng được kết nối, đồng bộ với các tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, tuyến ven biển, cao tốc Bắc - Nam đang được đầu tư xây dựng tiếp tục mở ra cho miền Trung nhiều cơ hội liên kết, giao thương và gắn kết kinh tế chặt chẽ, hiệu quả.

Hàng không nhộn nhịp

Thời gian qua, hàng loạt hãng hàng không như Việt Nam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air, hay mới đây nhất là Bamboo Airways đã rót vốn đầu tư, mua sắm đội tàu bay hiện đại, hùng hậu và hướng đầu tư hạ tầng vào các sân bay để nâng cao hiệu quả khai thác các chuyến bay nội địa, quốc tế, đem theo hy vọng, niềm tin và những dự án hiệu quả kinh tế  cao về với miền Trung - Tây Nguyên.

"Với chủ trương xã hội hóa đầu tư hạ tầng, sự tham gia tích cực, trách nhiệm và quyết tâm cao từ các nhà đầu tư tư nhân đã khắc phục được những khó khăn cho hạ tầng giao thông qua miền Trung và cả nước."
 

Phía Bắc Trung bộ, tỉnh Thanh Hóa đã có cảng hàng không Thọ Xuân; Nghệ An có cảng hàng không Vinh; Quảng Bình có cảng hàng không Đồng Hới; Thừa Thiên Huế với cảng hàng không Phú Bài. Đặc biệt, với vị trí địa lý là trung tâm Vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên, cảng hàng không Đà Nẵng bao gồm cảng nội địa và quốc tế đang phát huy vai trò là sân bay chiến lược kết nối nhiều chuyến bay đưa du khách và nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Cảng hàng không Chu Lai (Quảng Nam) cũng đã được nâng cấp theo hướng đến năm 2025 trở thành cảng hàng không quốc tế và là trung tâm trung chuyển, vận tải hàng hóa lớn nhất cả nước với công suất dự kiến 1 triệu tấn hàng hóa/năm vào năm 2020.

Nếu Đà Nẵng là trung điểm của cả nước, được định hình là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên, thì tại khu vực Nam Trung bộ, Bình Định đang có lợi thế lớn khi sở hữu vị trí địa lý chiến lược, mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết và thúc đẩy Vùng phát triển. Bên cạnh hệ thống giao thông đối nội, đối ngoại, cảng biển nước sâu Quy Nhơn, đầu mối liên kết tiếp nhận và xuất khẩu hàng hóa khu vực miền Trung, Tây Nguyên, Lào, Thái Lan và Campuchia, Bình Định đang thực hiện những chiến lược dài hơi mang tính bền vững với việc xây dựng trung tâm khoa học quốc tế, hướng đến nguồn nhân lực với hàm lượng chất xám cao.

Tại đây, Tập đoàn FPT đã đặt đại bản doanh xây dựng Tổ hợp Giáo dục - Trí tuệ nhân tạo (AI) với tham vọng đưa Bình Định trở thành trung tâm AI của thế giới. Cũng từ nơi này, Tập đoàn FLC từ khai thác bất động sản nghỉ dưỡng ban đầu, đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực hàng không với việc thành lập hãng hàng không Bamboo Airways và xây dựng học viện đào tạo hàng không tại tỉnh này.

Để xây dựng Bình Định xứng đáng với vai trò hạt nhân vùng duyên hải Nam Trung bộ, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, có 4 vấn đề then chốt mà Bình Định cần được hỗ trợ là: nâng cấp cảng hàng không Phù Cát, di dời ga Quy Nhơn, xây dựng đô thị khoa học Quy Hòa và đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Nhơn Hội, trong đó có bổ sung quy hoạch Khu công nghiệp Becamex Bình Định rộng hơn 2.300 ha.

Băn khoăn vai trò điều phối vùng

“Nhạc trưởng”, “kiến trúc sư trưởng” hay “tư lệnh vùng”… là những cụm từ được các chuyên gia, nhà nghiên cứu và lãnh đạo các địa phương miền Trung liên tục nhắc đến trong thời gian gần đây. TS. Trần Du Lịch cho rằng, cần hoàn thiện cơ chế liên kết, điều phối phát triển vùng, bởi trên thực tế, hoạt động của Hội đồng Vùng cũng như Ban Chỉ đạo, điều phối phát triển Vùng chưa mang lại kết quả.

Có 2 nguyên nhân chính khiến hoạt động điều phối phát triển vùng chưa mang lại kết quả như mong đợi, theo TS. Trần Du Lịch, là do vẫn phát triển trên cơ sở tư duy “kinh tế tỉnh”, kinh tế vùng chỉ dừng lại ở chủ trương, chưa đi vào thực tiễn; công tác điều hành kinh tế vĩ mô vẫn theo tỉnh (như bố trí ngân sách, vốn đầu tư, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch…), chưa có quy định những vấn đề nào phải xử lý ở cấp vùng. “Trong thể chế hành chính của nước ta không có chính quyền cấp vùng, nhưng điều đó không có nghĩa là không thể quy định những nội dung cụ thể cần phải thực hiện theo quy mô vùng”, TS. Trần Du Lịch nhấn mạnh.

Miền Trung - Tây Nguyên phải liên kết chặt chẽ với nhau để phát triển, mà theo TS. Trần Du Lịch, có 4 nội dung cần thống nhất: quy hoạch phân bố các ngành kinh tế, các lĩnh vực và địa bàn phát triển; liên kết xây dựng kết cấu hạ tầng chung của vùng, nhất là giao thông; liên kết giải quyết vấn đề môi trường chung và bảo vệ môi trường; liên kết phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động chung.

Nguồn: https://baodautu.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây