Đầu tư cho giao thông chưa tương xứng
Chiều 18/6 tại TP.HCM, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả 2 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu.
Tại đây, ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM khẳng định những yếu kém về hạ tầng giao thông thời gian qua là sự cản trở rất lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội đối với TP.HCM và các vùng lân cận.
Ông Nhân cho rằng, TP.HCM có quan hệ kinh tế rất chặt chẽ với vùng ĐBSCL bởi khu vực này có dân số đông, là nguồn cung cấp thực phẩm nông nghiệp, thủy hải sản. Vì vậy, nhu cầu giao thông đi lại về miền Tây cũng nhiều hơn. Cứ 5 năm, TP.HCM có 1 triệu người nhập cư, trong đó phần lớn là từ vùng Tây Nam Bộ.
Ông Nhân đề nghị đầu tư hệ thống giao thông kết nối thuận tiện hơn cho TP.HCM và liên kết vùng ĐBSCL, Đông Nam Bộ tương xứng với đóng góp về kinh tế cho cả nước.
“Cả hai vùng TP.HCM - Tây Nam Bộ trong 15 năm qua đóng góp 42% GPD cả nước, nhưng đầu tư cho giao thông 2 vùng này chỉ 25%. Cần nâng tổng nguồn vốn đầu tư lên khoảng 35% mới đáp ứng yêu cầu”, ông Nhân nói.
Bí thư Thành ủy TP.HCM cũng đề xuất các giải pháp để huy động nguồn vốn đầu tư. Theo đó, cần xác định một nguồn vốn có mục tiêu cho việc đầu tư hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL. Nguồn vốn này lấy từ nguồn ngân sách Thành phố nộp hàng năm cho Trung ương, dành riêng 20% nguồn đó để đầu tư cho giao thông TP.HCM và Tây Nam Bộ là đáp ứng được. Đó là nguồn vốn tại chỗ mà ngân sách có hàng năm.
Cùng với vốn ngân sách, phải huy động thêm các nguồn vốn xã hội hóa. Bên cạnh hình thức BOT, ông Nhân đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước, tập trung đầu tư cho giao thông. Nguồn vốn này có thể huy động khả thi mà không lo vượt trần nợ công hay nợ xấu nước ngoài.
Không để giao thông là điểm nghẽn
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết trong giai đoạn 2016 - 2020 tổng vốn Trung ương đầu tư cho kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL là 65.056 tỷ đồng, chiếm 15,51% tổng vốn đầu tư của cả nước. Từ nguồn vốn đầu tư đó, ngành giao thông đã triển khai hoàn thành nhiều dự án quan trọng như: đường Hồ Chí Minh đoạn Năm Căn - Đất Mũi, cầu Long Bình, luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu, dự án kết nối vùng Đồng bằng Mê Kông, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.
Trong đó, riêng từ khi Nghị quyết 120/NQ-CP ban hành, Chính phủ đã bố trí 10.607 tỷ đồng để triển khai các dự án như: cầu Mỹ Thuận 2, tuyến tránh TP Long Xuyên, QL57, QL53, QL30 đoạn Cao Lãnh - Hồng Ngự, hỗ trợ vốn ngân sách đầu tư tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, Bộ GTVT quan tâm đến việc tái cấu trúc ngành, trong đó ưu tiên phát triển ngành vận tải thủy để tận dụng lợi thế sông nước của vùng ĐBSCL.
Nhìn thẳng vào thực tế, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể khẳng định chưa thể hài lòng với những kết quả trên, vì giao thông vẫn là điểm nghẽn cho sự phát triển của vùng ĐBSCL, đầu tư vào hạ tầng cần nhiều hơn nữa.
Vào các dịp lễ, Tết trên những tuyến quốc lộ như QL1, QL60, cầu Rạch Miễu... thường xảy ra tình trạng ùn tắc, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận triển khai 10 năm nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ đã lên danh mục các dự án ưu tiên đầu tư tại vùng ĐBSCL.
Cụ thể, ở lĩnh vực đường bộ, sẽ tập trung các dự án lớn theo trục dọc để tăng tính kết nối. Tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai sẽ được đẩy nhanh tiến độ. Các tuyến QL60, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi đang quá tải; Tuyến N2 chạy qua vùng Đồng Tháp Mười cũng sẽ được quan tâm đầu tư. Kêu gọi đầu tư tuyến Vành đai 3, 4 của TP.HCM để kết nối với Đông Nam Bộ, ĐBSCL.
Bên cạnh đó, sẽ quan tâm đầu tư các tuyến trục ngang như: tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc, tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, tuyến Đức Hòa - Mỹ An - Vàm Cống, tuyến An Hữu - Cao Lãnh...
Bên cạnh đó sẽ nâng cấp tuyến đường thủy từ TP.HCM - Kiên Lương, TP.HCM - Cà Mau. Tạo cơ chế để hình thành các doanh nghiệp vận tải đường thủy lớn để phát huy tối đa lợi thế sông nước. Hình thành trung tâm Logistic tại Cần Thơ để tập trung hàng hóa trước khi xuất khẩu. Nghiên cứu đầu tư cảng biển nước sâu tại Sóc Trăng để tạo đột phá trong phát triển của vùng. Nâng cấp cảng hàng không Phú Quốc để đáp ứng nhu cầu phát triển và tăng thêm các chuyến bay đến sân bay Cần Thơ. Nghiên cứu kêu gọi đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP.HCM - Cần Thơ.
“Nhu cầu về đầu tư hạ tầng giao thông cho vùng ĐBSCL là rất lớn, trong điều kiện nguồn vốn có hạn, Bộ GTVT sẽ lập kế hoạch để có thứ tự ưu tiên đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện