ACV muốn một mình đầu tư Nhà ga T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất bằng vốn tự có.
Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) khẩn trương hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) Dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 - Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để Ủy ban trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Theo Nghị định 12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ, Bộ GTVT có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đối với kết cấu hạ tầng giao thông như sau: “Chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của bộ quản lý chuyên ngành các chương trình, dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; công bố danh mục dự án gọi vốn đầu tư và hình thức đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo quy định của pháp luật”.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, vào cuối tháng 1/2019, Bộ GTVT đã có văn bản tham gia ý kiến đối với Pre-FS để ACV chỉ đạo Tư vấn hoàn thiện làm cơ sở trình duyệt chủ trương đầu tư dự án.
Hiện nay, ACV đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên cơ quan này có trách nhiệm cho ý kiến đối với phương án đầu tư của ACV (hiện nay Ủy ban chưa có ý kiến).
“Trường hợp, ACV không thực hiện đầu tư, Bộ GTVT kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GTVT công bố danh mục kêu gọi đầu tư theo quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiến nghị.
Trước đó, vào ngày 28/12/2018, ACV đã có Tờ trình số 5153/TTr-TCTCHKVN trình Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-FS) cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tờ trình số 5154/TTr-TCTCHKVN trình Pre-FS cho Bộ GTVT. Theo đó, ACV đề xuất xây dựng Nhà ga hành khách T3 là nhà ga nội địa 2 cao trình (đi và đến tách biệt), công suất thiết kế 20 triệu hành khách/năm, tổng diện tích sàn nhà ga khoảng 100.000 m2, đồng thời mở rộng sân đỗ máy bay trên diện tích 4.650 m2.
Ngoài nhà ga T3, ACV còn đề xuất xây dựng các hạng mục phụ trợ gồm: hệ thống kỹ thuật: Trạm cấp điện, trạm cấp nước, nhà cơ điện; sân đường giao thông nội bộ, bãi để xe; xây dựng hệ thống đường dẫn trên cao 2 làn xe, cầu cạn trước nhà ga 5 làn xe; xây dựng các tuyến đường nội bộ, kết nối các khu vực quanh nhà ga; xây dựng sân đỗ ô tô tại các khu vực lân cận nhà ga; (cổng thu vé, cổng ra vào và tường rào; hệ thống thoát nước mặt, thoát nước thải; nhà để xe cao tầng quy mô 13 tầng (3 tầng hầm và 10 tầng nổi), thiết kế đảm bảo chức năng đỗ ô tô, xe máy kết hợp chức năng dịch vụ, văn phòng; hệ thống giao thông kết nối các nhà ga.
Tổng mức đầu tư, Dự án có hkái toán khoảng 11.430 tỷ đồng do ACV đầu tư 100% bằng nguồn vốn doanh nghiệp. Tiến độ triển khai thực hiện Dự án do ACV đề xuất như sau: thời gian từ chuẩn bị đầu tư đến khi hoàn thành đưa vào khai thác khoảng 43 tháng. Dự kiến từ Quý IV/2018 đến Quý II/2022.
Nguồn: baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện