Dự án đường cao tốc Bắc-Nam sẽ là hình mẫu về cách đấu thầu BOT giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Chờ cách làm đấu thầu mới
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài toàn tuyến là 657km với tổng mức đầu tư 105.046 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn Nhà nước 50.943 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư 54.103 tỷ đồng và được chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành.
Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải, cao tốc Bắc-Nam đã phê duyệt 11 dự án, dự kiến tháng 4/2019 sẽ bàn giao mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương và trong năm nay sẽ cố gắng giải ngân 50% nguồn vốn giải phóng mặt bằng mà Quốc hội đã bố trí (gần 15.000 tỉ đồng). Với 3 dự án vốn ngân sách sẽ khởi công trong 2019.
[Cao tốc Bắc-Nam: Đấu thầu chọn nhà đầu tư ‘lời ăn, lỗ chịu’]
Dự kiến đến tháng 9/2019, Bộ sẽ sơ tuyển xong nhà đầu tư cho 8 dự án PPP cao tốc Bắc-Nam và mong muốn cuối 2019 sẽ chọn được nhà đầu tư, chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2020-2021 tập trung vào công tác xây dựng.
Chỉ ra công trình giao thông đạt chất lượng thì tất cả các khâu đều phải tốt, từ lập dự án để tránh lãng phí, tránh vấn đề kỹ thuật, theo Bộ trưởng, trong quá trình đấu thầu sắp tới, Bộ sẽ đưa thêm các ràng buộc về chất lượng côn trình đối với nhà thầu, yêu cầu đảm bảo tính công khai, trung thực, tránh trường hợp nhà thầu làm hồ sơ tốt nhưng thực tế số lượng thiết bị lại không đáp ứng.
“Đã làm hồ sơ dự thầu thì xem như đó là cam kết với Nhà nước, với nhà đầu tư. Bộ sẽ xem xét kỹ chất lượng nhà thầu tư vấn, nhà thầu xây dựng từ bài học hiện nay,” người đứng đầu ngành giao thông quả quyết.
Đề cập đến dự án cao tốc Bắc-Nam ngốn kinh phí lớn, có dự án 20.000 tỷ, đòi hỏi tư vấn phải mạnh, theo ông Thể, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo, một gói thầu lớn như thế phải có 2-3 tư vấn trong một liên danh, trong đó có một tư vấn chính chịu trách nhiệm về toàn bộ dự án đó.
“Bộ không chấp nhận một gói thầu nhiều tư vấn vì chia manh mún, không đồng bộ, đội ngũ tư vấn không giỏi sẽ khó đáp ứng yêu cầu. Với 8 gói thầu PPP, trongtháng Hai tới sẽ xét thầu, yêu cầu tối đa 3 nhà thầu tư vấn. Tất cả các nhà thầu trong nước, nước ngoài sẽ đánh giá qua các dự án đã làm để xem xét chất lượng,” Bộ trưởng khẳng định.
Nhấn mạnh các dự án mới sẽ phải thực hiện nghiêm túc đấu thầu, nếu không đủ nhà đầu tư dự thầu, có thể phải kéo dài đến chừng nào đủ thì xét thầu để đảm bảo công khai minh bạch, Tư lệnh ngành giao thông cho biết, khi đấu thầu trách nhiệm của nhà đầu tư là “lời ăn lỗ chịu”, nếu đánh giá tốt thì lợi nhuận cao.
“Cao tốc Bắc-Nam phía Đông có 8 dự án PPP, sẽ đấu thầu quốc tế, chắc chắn không có sự điều chỉnh giá của Nhà nước mà Bộ Giao thông Vận tải chỉ quản lý thu giá, khung giá được Quốc hội thông qua khi xin chủ trương, hoạt động theo đúng luật. Đây sẽ là mẫu để thực hiện các dự án khác, để đảm bảo tính thị trường. Bộ hy vọng sẽ thu hút đầu tư bằng chính sách ổn định,” Bộ trưởng Thể nói.
Huy động nhiều nguồn vốn làm siêu dự án
Thừa nhận trong lĩnh vực giao thông đường bộ chưa có dự án nào đấu thầu quốc tế nên chưa có nhà đầu tư nước ngoài nào tham gia, do đó, dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông sẽ là dự án đầu tiên đấu thầu quốc tế và chắc chắn sẽ có nhiều nhà đầu tư quan tâm.
“Các nhà đầu tư nước ngoài muốn Việt Nam bảo lãnh doanh thu, việc tăng giảm lưu lượng Nhà nước phải có trách nhiệm. Chính phủ đã thảo luận nhiều nhưng chưa quyết định, do liên quan đến ngân sách, phải báo cáo Quốc hội để dành phần ngân sách dự phòng. Nếu được thì sẽ có nhiều nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư tại nước ta,” Bộ trưởng chỉ ra khó khăn về công tác thu hút vốn nước ngoài “rót” vào hạ tầng còn quá ít.
Cho rằng đây là vấn đề khó, tuy nhiên, theo ông Thể, ngành giao thông kỳ vọng đến giai đoạn nền kinh tế Việt Nam ổn định, lúc đó sẽ không cần bảo lãnh nhưng các nhà đầu tư vẫn sẵn sàng làm. Đó là về đường bộ, còn về sân bay, bến cảng thì dễ hơn do vị trí tốt nhất của công trình, ví dụ cảng tàu khách ở Hạ Long vừa đưa vào khai thác có hiệu quả rất tốt.
“Bộ Giao thông Vận tải mong muốn kêu gọi xã hội hóa đầu tư hạ tầng giao thông,hiện có nhà đầu tư trong nước quan tâm nên rất khả thi. Sân bay Long Thành cũng đang báo cáo Chính phủ các phương án, trong đó phương án có gọi vốn doanh nghiệp trong nước, kể cả phát hành trái phiếu, sẽ có nhiều giải pháp chứ không dựa hẳn vào ngân sách nhà nước và ODA, coi vốn xã hội hóa là nguồn vốn quan trọng nhất,” Bộ trưởng đánh giá.
[Nhà đầu tư có quyền định đoạt mức phí BOT tại dự án đường xây mới?]
Chỉ ra bài học vì sao tư nhân làm nhanh, tiến độ gấp đôi Nhà nước ở các dự án giao thông, theo ông Thể, một sân bay nhà nước phải xây mất 5-6 năm nhưng tư nhân chỉ làm mất 2-3 năm, Bộ đang báo cáo Chính phủ, Quốc hội để xem xét lại luật đầu tư công, luật Đấu thầu… nên chăng giảm bớt các đầu mối, công đoạn, giao trách nhiệm trực tiếp cho một số bộ ngành, chủ đầu tư, khi có vấn đề xử lý đúng người, đúng tội, khi triển khai sẽ rút ngắn được công đoạn, khi xử lý cũng có người cụ thể chịu trách nhiệm.
Kiến nghị cần cải tiến quy trình xây dựng các công trình vốn Nhà nước, người đứng đầu ngành giao thông nhìn nhận, việc đầu tư dự án kéo dài thời gian là không thể chấp nhận, có tiền không giải ngân được cũng lãng phí, là bài học của cả hệ thống.
Đưa ra dẫn chứng các tập đoàn tư nhân trong nước có khả năng xây dựng các công trình tốt như Vân Đồn, một số dự án BOT giao thông, theo ông Thể, Bộ Giao thông Vận tải sẽ mời gọi các tập đoàn này đầu tư vào các lĩnh vực khác như cảng biển, đường sắt, nhất là hệ thống các nhà ga bởi nếu phát huy tốt tiềm lực thì các tập đoàn tư nhân hoàn toàn có thể góp phần phát triển hạ tầng giao thông nhanh./.
Nguồn: www.vietnamplus.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện