Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông và Quốc vụ khanh Bộ MLIT Nhật Bản Tsukasa Akimoto thống nhất sẽ tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác, thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật lĩnh vực GTVT |
Sáng nay (10/8), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông làm việc với ông Tsukasa Akimoto, Quốc vụ khanh Bộ Đất đai, hạ tầng, giao thông và du lịch (MLIT) Nhật Bản về tăng cường hợp tác hai bên lĩnh vực GTVT.
Quốc vụ khanh Tsukasa Akimoto cho biết, Nhật Bản rất quan tâm và mong muốn tham gia các dự án trọng điểm của Việt Nam từ giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi đến xây dựng và khai thác. Trong đó, dự án đường bộ cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây hiện đã được doanh nghiệp Index Consulting (Nhật Bản) nghiên cứu thí điểm đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP). Nghiên cứu của Index Consulting đã đưa ra phương án chuyển nhượng khai thác. Nhật Bản mong muốn tham gia giai đoạn nghiên cứu khả thi dự án này sau khi Việt Nam chốt được phương án đầu tư.
Quốc vụ khanh Tsukasa Akimoto cũng cho biết, Nhật Bản rất quan tâm đến các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sân bay Long Thành. “Chúng tôi đã phát triển trước về hạ tầng giao thông, đặc biệt là về công nghệ nên mong muốn được trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam, giúp Việt Nam phát triển, đồng thời thúc đẩy quan hệ hợp tác toàn diện Việt - Nhật ngày càng tốt đẹp”, Quốc vụ khanh Tsukasa Akimoto nói.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao nỗ lực và kết quả nghiên cứu của Index Consulting. Tuy nhiên, để triển khai trong thực tế, cần thực hiện nhiều thủ tục cả về pháp lý và liên quan đến cơ cấu tài chính, tổ chức của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), đơn vị chủ đầu tư dự án. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan, VEC khẩn trương thực hiện các thủ tục.
Đối với dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Thứ trưởng Đông cho biết, Bộ GTVT đang tích cực làm việc với các cơ quan để cập nhật, hoàn thiện báo cáo tiền khả thi, trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2019. Đây là dự án lớn, các vấn đề về công nghệ, dự báo lưu lượng, hiệu quả, phương án đầu tư, quản lý và khai thác… rất quan trọng, cần được nghiên cứu cẩn trọng. Cùng đó, xây dựng lộ trình cụ thể cho các giai đoạn triển khai từ chuẩn bị nguồn lực đến xây lắp. Vì vậy, Thứ trưởng Đông đề nghị phía Nhật Bản cử chuyên gia hỗ trợ Việt Nam trong các giai đoạn này.
Dự án sân bay Long Thành cũng đang được Bộ GTVT và liên danh tư vấn khẩn trương thực hiện các bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi (F/s) theo tiến độ đề ra. Theo kế hoạch, cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt F/s và sau đó Bộ GTVT mới lập danh mục các công trình, hạng mục cho phép đấu thầu để tư nhân tham gia đầu tư.
“Chúng tôi rất hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản với năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm tham gia hợp tác, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông quan trọng này của Việt Nam”, Thứ trưởng Đông nói.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện