Sau thời gian gián đoạn do nhà đầu tư gặp khó về nguồn vốn tín dụng, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được tái khởi động từ cuối tháng 8/2017 - (Trong ánh: Thứ trưởng Nguyễn Nhật kiểm tra hiện trường dự án cuối tháng 11/2015) |
Sáng nay (30/10), Thứ trưởng Nguyễn Nhật dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với Tỉnh ủy Tiền Giang để tháo gỡ một số khó khăn, đẩy nhanh tiến độ một số dự án giao thông trọng điểm triển khai trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó có tuyến cao tốc BOT Trung Lương – Mỹ Thuận.
Bộ GTVT chỉ đạo quyết liệt, dự án tiếp tục triển khai
Được đầu tư với số vốn dự kiến hơn 9.600 tỷ đồng, dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51,1km là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc giảm tải lưu lượng cho QL1, đảm bảo ATGT, rút ngắn thời gian lưu thông từ TP.Hồ Chí Minh đi đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau một thời gian dự án bị gián đoạn do nhà đầu tư gặp khó khăn về nguồn vốn tín dụng, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT, cuối tháng 8/2017, tuyến cao tốc nằm trọn trong địa phận tỉnh Tiền Giang đã tiếp tục được triển khai.
Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GTVT, BOT cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận là dự án rất hiệu quả về tài chính, bởi lưu lượng lớn, đầu tư xây dựng tuyến mới hoàn toàn, áp dụng hình thức thu phí kín và mức giá nằm trong khung quy định hiện hành. Đồng thời, đây cũng là công trình rất có ý nghĩa đối với các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng. Do đó, tại cuộc họp cuối tháng 8/2017, Bộ GTVT đã đề nghị các ngân hàng: Vietinbank và BIDV tiếp tục hỗ trợ trong việc cung cấp nguồn vốn tín dụng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Dương Hồ Minh, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long (đại diện CQQLNNCTQ) cho biết, dự án đã được tái khởi động từ cuối tháng 8/2017 và đang có nhiều chuyển biến tích cực. “Hiện nay, nhà đầu tư đang trình duyệt dự toán và lựa chọn nhà thầu thi công”, ông Minh chia sẻ.
Theo ông Phan Anh Dũng, Giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đến nay, doanh nghiệp dự án đã giải ngân hơn 1.257 tỷ đồng, trong đó số tiền GPMB đạt 1.204,77/1.689 tỷ đồng. Hiện nay, ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) đã có văn bản thông báo về việc đồng ý cấp tín dụng cho Công ty BOT Trung Lương – Mỹ Thuận để thực hiện dự án với hạn mức vay tối đa 6.000 tỷ đồng.
“Các nhà đầu tư, Công ty BOT và ngân hàng đang tiến hành hoàn thiện các thủ tục liên quan để ký hợp đồng tín dụng cho dự án”, ông Dũng thông tin và cho biết thêm, đối với Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV), hồ sơ vay vốn của dự án đã được Ban Khách hàng Doanh lớn và Ban Quản lý rủi ro thẩm định cho vay với hạn mức 2.390 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác bàn giao mặt bằng, ông Dũng cho biết, chính quyền các địa phương của tỉnh Tiền Giang đã bàn giao mặt bằng cho các nhà thầu thi công khoảng 47/51,4km (đạt 91,4%). Về công tác thi công, trên toàn tuyến đang triển khai thi công 11 gói thầu xây lắp, trong đó nhiều gói thầu đạt giá trị sản lượng lớn như: XL-04 (66,85/218 tỷ đồng), XL-01a (10/96,5 tỷ đồng), XL-05 (10,9/107 tỷ đồng),…
“7 gói thầu xây lắp khởi công đã được tái huy động triển khai thi công. Bên cạnh đó, doanh nghiệp dự án đã huy động thêm 4 gói thầu có mặt bằng để triển khai thi công gồm: XL-07, XL-08, XL-12 và XL-15. Trong thời gian tới, Công ty BOT tiếp tục rà soát và huy động các gói thầu đã có mặt bằng để triển khai thi công”, ông Dũng nói.
Đối với dự án dự án nâng cấp, mở rộng QL30 (Km1+200 - Km34+230) qua địa bàn hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, ông Vũ Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, dự án đã được Bộ KH&ĐT cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh lần 1 ngày 19/7/2017.
Theo báo cáo của doanh nghiệp dự án, Công ty TNHH BOT QL30 Tiền Giang – Đồng Tháp đang thực hiện đàm phán một số điều khoản trong hợp đồng với tổ chức tín dụng, trong thời gian tới sẽ ký hợp đồng tín dụng chính thức cho dự án.
Đảm bảo an ninh khi trạm BOT Cai Lậy hoạt động trở lại
Liên quan đến tình hình thực hiện dự án BOT QL1 đoạn tránh TX.Cai Lậy và tăng cường mặt đường đoạn Km1987+560 - Km2014+000, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, vừa qua, Bộ GTVT phối hợp với UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư đã rà soát và thống nhất phương án giảm 30% giá dịch vụ sử dụng đường bộ cho tất cả phương tiện qua trạm BOT Cai Lậy.
Bộ GTVT đề nghị tỉnh Tiền Giang sớm có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông khu vực trạm thu giá khi dự án tiếp tục thu phí hoàn vốn trong thời gian tới |
Sau khi giảm giá, mức thu giá của trạm BOT Cai Lậy tương tự với các trạm thu giá lân cận là trạm BOT tuyến tránh Sóc Trăng và tuyến tránh Bạc Liêu. Đặc biệt, Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư cũng đã thống nhất giảm tối đa (100%) giá sử dụng dịch vụ cho các phương tiện loại 1 và loại 2 của chủ sở hữu có hộ hộ khẩu thường trú (không kinh doanh vận tải) tại các xã: Phú Nhuận, Mỹ Thành Nam, Bình Phú và Phú An thuộc huyện Cai Lậy; Giảm 50% giá dịch vụ cho các phương tiện còn lại tại 4 xã trên (có kinh doanh vận tải) và xe buýt hoạt động nội tỉnh Tiền Giang.
“Việc miễn giảm giá vé cho các hộ dân sinh sống tại trạm BOT Cai Lậy được áp dụng giống như tại các trạm BOT Bến Thủy, QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình, cầu Hạc Trì, BOT tuyến tránh Biên Hòa,… Đến nay, tất cả các trạm thu giá này đã hoạt động bình thường, chỉ còn duy nhất trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa thu giá trở lại. Do đó, Bộ GTVT đề nghị tỉnh Tiền Giang sớm có phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, không để xảy ra ùn tắc giao thông khu vực trạm thu giá khi dự án tiếp tục thu phí hoàn vốn trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nói và cho biết, hiện nay, Kiểm toán Nhà nước đã có báo cáo kết luận về dự án BOT QL1 đoạn tránh TX.Cai Lậy và tăng cường mặt đường Ql1 đoạn Km1987+560 - Km2014+000, tỉnh Tiền Giang theo hình thức BOT.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện