Bộ Giao thông vận tải vừa đề nghị UBND hai tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo Hội đồng đền bù, GPMB các địa phương phối hợp với Chủ đầu tư Dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn tiến hành rà soát, hoàn thiện các thủ tục và tiếp tục triển khai công tác GPMB phục vụ thi công dự án bắt đầu từ tháng 6 năm 2017 và hoàn thành cơ bản công tác GPMB trong năm 2017.
Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng muốn lãnh đạo 2 tỉnh chỉ đạo các địa phương, các lực lượng chức năng tiếp tục hỗ trợ, phối hợp với Công ty CP BOT Bắc Giang – Lạng Sơn, Tư vấn, Nhà thầu dự án để đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công công trình; thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường, … trong suốt quá trình triển khai tiếp theo của dự án.
Theo Bộ Giao thông vận tải, do các khó khăn trong quá trình triển khai dự án, Nhà đầu tư đã có các văn bản đề nghị các địa phương tạm dừng công tác phê duyệt phương án GPMB từ Quý II/2016.
Để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Bộ GTVT đã tổ chức các cuộc họp với Nhà đầu tư rà soát và đề ra các giải pháp khắc phục sự chậm trễ trong việc thực hiện Hợp đồng dự án, bao gồm cả việc huy động vốn chủ sở hữu, vốn tín dụng.
“Cho đến nay, Nhà đầu tư đã thực hiện cơ bản các cam kết và đã đảm bảo các điều kiện cần thiết để tiếp tục triển khai dự án tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn”, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết.
Dự án xây dựng đường cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có mục tiêu xây dựng 64 km cao tốc quy mô 4 làn xe, tăng cường 110 km mặt đường Quốc lộ 1 hiện hữu, với tổng mức đầu tư 12.188,3 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, Dự án sẽ phải hoàn thành vào năm 2018. Tuy nhiên, do nguồn vốn tín dụng chưa được khơi thông, vốn chủ sở hữu đóng chưa đủ nên tính đến cuối tháng 12/2016, nhà đầu tư mới giải ngân được 560 tỷ đồng/12.188,3 tỷ đồng (đạt 4,1%) bằng nguồn vốn chủ sở hữu.
Trong thời gian vừa qua, do thiếu vốn, nhà đầu tư mới chỉ tập trung triển khai thi công nâng cấp Quốc lộ 1. Mặc dù công tác giải phóng mặt bằng được đánh giá là có vai trò đặc biệt quan trọng, nhưng do ngân sách thâm thủng, nhà đầu tư đã không đáp ứng được nhu cầu giải ngân, nên dẫn đến việc một số địa phương phản ánh về việc điều hành, phối hợp trong công tác đền bù, chi trả cho các hộ dân bị ảnh hưởng.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện