Ngày 25.4, phát biểu trong buổi lễ phát động Tuần lễ An toàn đường bộ lần thứ 4 do Liên Hợp Quốc phát động với chủ đề “Tốc độ”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT - cho rằng, vi phạm tốc độ là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến gây ra tai nạn giao thông (TNGT). Qua báo cáo điều tra nguyên nhân TNGT của lực lượng CSGT, trong năm 2016, 12,9% các vụ TNGT nghiêm trọng là lỗi này. Khảo sát thực tế của Cục cũng cho thấy việc tăng tốc độ ở khu vực đô thị theo Thông tư 91 đang cần phải xem xét lại vì nhiều khu vực đông dân cư, người tham gia giao thông chấp hành chưa tốt nên tăng tốc độ cho phép lưu thông ít nhiều dẫn tới tình trạng phóng nhanh vượt ẩu. Do đó, Cục CSGT đề nghị tính toán và cắm biển hạn chế tốc độ tại những khu vực chưa phù hợp.
Cục CSGT đề nghị cắm trở lại biển hạn chế tốc độ và giảm tốc độ cho phép ở một số khu vực đông dân cư. Ảnh: KHÁNH HOÀ
Thiếu tướng Dánh cho biết, trong thời gian tới Cục CSGT sẽ phối hợp cùng Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT khảo sát thực tế rồi quyết định chỗ nào cần cắm biển hạn chế tốc độ, chỗ nào cần bổ sung biển báo tốc độ để làm căn cứ xử lý vi phạm và bàn lại một số vấn đề, nếu cần có thể sửa đổi Thông tư 91 để giảm TNGT.
Bên cạnh đó, từ ngày 6.4 đến 16.5, Cục CSGT sẽ phối hợp cùng các lực lượng chức năng khác tổ chức cao điểm kiểm tra, giám sát vi phạm tốc độ với nhiều hình thức từ CSGT trực tiếp xử lý tới việc lực lượng chức năng hoá trang mật phục để phát hiện các vi phạm. Đặc biệt là xử lý phạt nguội các lỗi vi phạm tốc độ cũng sẽ được đẩy mạnh và xử lý nghiêm, đồng thời xem xét trách nhiệm tổ chức giao thông khi có xảy ra tai nạn. Cùng quan điểm, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Uỷ ban ATGT Quốc gia - cho rằng, việc hạn chế tốc độ tại một số khu vực đông dân cư là cần thiết và không làm tăng thêm ùn tắc.
Còn đại diện Tổ chức Y tế Thế giới nhận định, khi giảm tốc độ sẽ làm giảm thương vong, giảm mức độ nghiêm trọng của các vụ tai nạn và ở các khu vực tập trung đông dân cư, lượng lưu thông lớn, nhiều nước còn phải giảm tới 30km/h, nhất là các khu vực gần trường học và đông dân cư.
“Bằng việc tuân thủ quy định về tốc độ, di chuyển với tốc độ thấp hơn, chúng ta có thể biến những con đường trở nên an toàn hơn cho tất cả mọi người. Chỉ cần giảm 5% tốc độ xe chạy trung bình, chúng ta có thể giảm 30% số vụ tai nạn chết người” - TS Lokky Wai - Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam - nói.
Trước đó, từ ngày 1.3.2016 hàng loạt biển hạn chế tốc độ dưới 40km/h đã được gỡ bỏ khi Thông tư 91/2015/TT-Bộ GTVT quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ chính thức có hiệu lực và cho phép ôtô tăng vận tốc thêm 10km/h tương ứng với hai loại đường ở khu vực đông dân cư.
Nguồn: http://laodong.com.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện