Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chủ trì cuộc họp
Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Trung tâm công nghệ thông tin Phạm Duy Ninh cho biết, nội dung Đề cương được xây dựng trên cơ sở quán triệt quan điểm, định hướng, chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị về Ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử; Tuân thủ kiến trúc Chính phủ điện tử.
Đầu tư ứng dụng CNTT thực hiện theo nguyên tắc tập trung, thống nhất, có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm; đồng thời phải đảm bảo tính kế thừa, tận dụng những kết quả đã đạt được. Các nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên ứng dụng CNTT trong quản lý hành chính và Cung cấp DVCTT; Xây dựng nền tảng tích hợp (xây dựng cơ chế, chính sách; Nâng cao năng lực Hạ tầng CNTT; xây dựng các CSDL nền tảng dùng chung, các ứng dụng khai thác phục vụ quản lý điều hành); Đảm bảo ATTT.
Tiếp đó, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Giải pháp giao thông của Viettel cho biết, hiện nay, kiến trúc ứng dụng CNTT của Bộ chưa được hoàn thiện, tuy đã có định hướng CSDL dùng chung, nhưng chưa được xây dựng; nguồn nhân lực CNTT chưa đồng đều; chưa xác định lộ trình triển khai và cơ chế huy động nguồn vốn phù hợp; bên cạnh đó chưa có kết nối liên thông các lĩnh vực giữa Bộ GTVT với các ngành, địa phương khác và công tác đảm bảo an ninh an toàn cho các hệ thống chưa được coi trọng đúng mức.
Trên cơ sở hiện trạng trên, Đề án sẽ xây dựng hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại, phù hợp đặc thù của Việt Nam, đảm bảo tính kế thừa, tận dụng những kết quả đã có, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, song cần có những đột phá để đạt được các mục tiêu cụ thể với tốc độ nhanh hơn nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của ngành GTVT, làm nền tảng hiện thực hóa Chiến lược ngành GTVT đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời ứng dụng mạnh mẽ và có hiệu quả CNTT trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành của Lãnh đạo Bộ và các cơ quan thuộc Bộ nhằm nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí hoạt động và thực hiện tốt quá trình cải cách hành chính.
Về nhiệm vụ và nội dung thực hiện, ông Nguyễn Văn Dũng cho biết, Đề án tập trung vào các nhóm nhiệm vụ: xây dựng khung kiến trúc CNTT và khung Chính phủ điện tử ngành GTVT làm cơ sở quy hoạch các hệ thống ứng dụng; xây dựng các hệ thống CSDL nền tảng dùng chung, từ đó hình thành nên CSDL quốc gia về giao thông; hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đầu tư ứng dụng CNTT của Bộ; bên cạnh đó, nâng cao năng lực hạ tầng kỹ thuật CNTT của Bộ và các giải pháp tăng cường đảm bảo an toàn thông tin, an ninh thông tin trong các hoạt động của ngành; phát triển các ứng dụng với mục tiêu phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp trong tất cả các lĩnh vực chuyên ngành của Bộ.
Về giải pháp, Đề án tập trung vào các nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù của Bộ nhằm đẩy mạnh ứng dụng CNTT; kỹ thuật; huy động vốn đầu tư; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT và học tập kinh nghiệm quốc tế. Đối với nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách đặc thù của Bộ sẽ ưu tiên triển khai các ứng dụng CNTT nâng cao năng suất lao động, tăng cường năng lực khai thác hạ tầng; đưa hạng mục đầu tư ứng dụng CNTT là một trong các hạng mục bắt buộc trong việc đầu tư KCHTGT; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động NCKH; khuyến khích khu vực tư nhân; cùng với đó xây dựng cơ chế phối hợp; tổ chức tuyên truyền đến các cấp lãnh đạo đơn vị của ngành GTVT...
Thí điểm xử lý vi phạm giao thông qua camera trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Ảnh Internet
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường đánh giá cao quá trình xây dựng đề cương Đề án của Nhóm nghiên cứu, đồng thời đề nghị Trung tâm Công nghệ thông tin tiếp tục đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT của các đơn vị trong Bộ, ngành; Vụ Khoa học công nghệ thống nhất về tiêu chuẩn, hệ điều hành.
Thứ trưởng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng Trung tâm Điều hành dữ liệu nghiên cứu những ứng dụng nào ở các đơn vị cần kết nối với Bộ; bên cạnh đó tiếp tục đẩy mạnh dịch vụ úng dụng CNTT ở các đơn vị thuộc Bộ và tập trung vào nguồn lực.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đánh giá thời gian qua, Bộ GTVT là một trong những Bộ, ngành được đánh giá cao trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành.
"Đặc biệt, Bộ Thông tin truyền thông vừa công bố Bộ GTVT đứng đầu so với các bộ, ngành trên cả nước trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Do đó, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT là rất cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tế", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa khẳng định.
Nhấn mạnh đến việc xây dựng đề cương Đề án Ứng dung công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành GTVT còn chậm so với yêu cầu của Chính phủ, Bộ trưởng giao Tổ công tác do Vụ Khoa học công nghệ và Trung tâm Công nghệ Thông tin dự thảo báo cáo Chính phủ về công tác tổ chức triển khai xây dựng đề cương Đề án một cách chi tiết, khoa học.
Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị tiếp tục đóng góp ý kiến vào đề cương Đề án để Vụ KHCN, Trung tâm Công nghệ thông tin tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ để Bộ báo cáo Chính phủ chậm nhất ngày 15/4/2017.
Bộ trưởng giao Vụ KHCN, Trung tâm Công nghệ thông tin phối hợp Nhóm công tác tham mưu tổ chức cuộc họp giữa Lãnh đạo Bộ GTVT và Lãnh đạo Tập đoàn Viettel trước ngày 30/4/2017 để thống nhất các nội dung, công viêc và tổ chức triển khai Đề án.
"Việc xây dựng đề cương Đề án phải được xây dựng trên các cơ sở khoa học, trước đó phải rà soát từng chức năng nhiệm vụ của các đơn vị về hạ tầng cũng như ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể xem thừa ở đâu, thiếu chỗ nào. Đặc biệt, Đề án này xây dựng không phải cho có, cho đẹp hình ảnh mà phải làm thực tế, từ đó mới triển khai Đề án được chính xác, đúng yêu cầu của thực tế", Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện