Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa kiểm tra thực tế hiện trường gói thầu số 4 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, nơi xuất hiện vết nứt phản ánh trên về mặt BTN. Ảnh: Tấn Việt |
Trên đoạn tuyến gói thầu số 4 và số 6, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa thị sát thực tế hiện tượng rạn nứt do co ngót và co nhiệt diễn ra trên bề mặt lớp CTB (đá cấp phối gia cố xi măng). Đặc biệt có một số vị trí đã xuất hiện vết rạn nứt phản ánh lên lớp bê tông nhựa (BTN) C19. Các vết rạn xảy ra cục bộ, chủ yếu là rạn nứt với mức độ nhỏ 0,2-2mm (rạn chân chim) và là những vết nứt ngang trong khoảng cách 6-10m.
Báo cáo với Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, ông Mai Tuấn Anh – Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, ngay sau khi phát hiện các vết nứt, VEC đã có báo cáo Bộ GTVT, đồng thời áp dụng các biện pháp giảm thiểu nứt cục bộ.
Theo đó, các giải pháp được áp dụng trong và sau quá trình thi công lớp CTB như: Giảm hàm lượng xi măng từ 5% xuống đến 4%; tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu về khống chế độ ẩm, khống chế thời gian thi công, giảm thiểu và hạn chế tối đa mối nối dọc trong quá trình thi công, kiểm soát chặt chẽ việc thi công tại các mối nối thi công… Tuy vậy, trong quá trình thi công, bề mặt lớp CTB vẫn xuất hiện vết rạn nứt.
Làm rõ thêm yếu tố kỹ thuật, đại diện VEC cho biết, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi sử dụng 2 loại kết cấu. Thứ nhất, những đoạn nền đường đắp thông thường không xử lý đất yếu, sử dụng kết cấu gồm: Lớp cấp phối đá dăm loại 2 dày 30cm, lớp cấp phối đá dăm loại 1 dày 30cm; lớp CTB 15cm; lớp BTN hạt trung (AC19) dày 8cm, lớp BTN hạt mịn (AC12,5) dày 5cm; lớp chống trượt dày 3cm.
Những đoạn nền đường còn lại sử dụng kết cấu gồm: Lớp cấp phối đá dăm loại 2 dày 35cm, lớp cấp phối đá dăm loại 1 dày 30cm; lớp đá cấp phối gia cố nhựa (ATB) 10cm; lớp BTN hạt trung (AC19) dày 7cm, lớp BTN hạt mịn (AC12,5) dày 5cm; lớp chống trượt dày 3cm.
Lãnh đạo VEC nhấn mạnh: Việc sử dụng lớp kết cấu móng đá gia cố xi măng đã được nhiều nước trên thế giới và khu vực sử dụng. Tuy nhiên, ở Việt Nam, cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là dự án đường bộ cao tốc đầu tiên sử dụng lớp kết cấu móng đá gia cố xi măng trong thi công đường cao tốc.
Đặc biệt, việc sử dụng kết cấu móng này đã tiết giảm kinh phí đầu tư được khoảng 600 tỷ đồng so với sử dụng lớp kết cấu móng đá gia cố nhựa nhưng vẫn đảm bảo tăng cường khả năng chịu lực của nền đường so với các tuyến cao tốc hiện nay. Do đó, VEC kiến nghị tiếp tục xử dụng CTB và đề xuất Bộ GTVT cho phép áp dụng phương án dùng vải địa kỹ thuật hoặc lưới thủy tinh phủ lên lớp CTB trước khi thảm bê tông nhựa.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, việc các vết nứt xuất hiện tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi khiến dư luận hết sức quan tâm. Vì vậy VEC cần nhanh chóng thông tin chính xác, kịp thời để người dân hiểu hơn các yếu tố kỹ thuật, không gây hiểu lầm, tiêu cực về dự án.
Theo Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, đầu tuần tới, Bộ sẽ chủ trì cuộc họp với các ban, ngành và mời các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực này cho ý kiến, đề xuất thêm phương án xử lý, chốt nhanh trong tháng 3.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện