“Trảm tướng”, thúc tiến độ cao tốc Bến Lức - Long Thành

Thứ ba - 14/03/2017 13:00. Xem: 75
Sau nhiều lần nhắc nhở không chuyển biến, chủ đầu tư vừa thay thế giám đốc điều hành gói thầu A2-2 để thúc tiến độ tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, đưa tuyến đường vào khai thác đồng bộ.      

 

3

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa kiểm tra công trường thi công cao tốc Bến Lức - Long Thành ngày 10/3 - Ảnh: Vĩnh Phú

Nhắc nhở không chuyển biến, thay giám đốc điều hành

Có mặt trên công trường thi công đường cao tốc Bến Lức - Long Thành vào trung tuần tháng 3, PV Báo Giao thông ghi nhận các nhà thầu huy động nhiều thiết bị máy móc, nhân lực thi công theo tinh thần có mặt bằng đến đâu thi công đến đó. Tại các gói thầu J1 (cầu Bình Khánh) do Liên danh Shimizu Corporation & Công ty CP ĐTXD và Kỹ thuật Vinaconex thực hiện không vướng mặt bằng nên tiến độ thi công đang vượt kế hoạch ban đầu. Dưới cái nắng gay gắt, nhưng trên công trường được vệ sinh sạch sẽ, hàng trăm công nhân, kỹ sư đều hối hả làm việc.

Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết, đến nay, 11 gói thầu của cao tốc Bến Lức - Long Thành đã triển khai được 8 gói. Còn 3 gói là A5, A6, A7 đang thương thảo và trình ADB xem xét chấp thuận để ký hợp đồng với các nhà thầu. Tiến độ tổng thể của toàn dự án đạt 46%, trong đó các gói thầu J1, J2, J3 và A2-1, A4 đều đảm bảo tiến độ và vượt kế hoạch.

Tuy nhiên, các gói thầu A1, A2-2 và A3 còn chậm, nguyên nhân chủ yếu do vướng GPMB và mặt bằng bàn giao theo kiểu “xôi đỗ” nên nhà thầu không thể triển khai thi công đồng loạt. Đơn cử gói thầu A2-2 hiện vẫn còn vướng khoảng 282 hộ đoạn qua huyện Bình Chánh (TP.HCM) gây rất nhiều khó khăn cho đơn vị thi công. Trong khi đó, kinh phí GPMB đều sẵn sàng chi trả cho người dân nhưng nhiều hộ chưa chịu nhận.

Hiện, các gói thầu J1, J2, J3 (nguồn vốn JICA) do không vướng mặt bằng nên đều thi công nhanh và vượt kế hoạch đề ra. Riêng gói thầu J3 vẫn còn đang vướng hệ thống đường dây điện cao thế. VEC đang làm việc với các cơ quan liên quan để di dời các đường dây còn lại. VEC quán triệt với tất cả các nhà thầu, gói nào chậm phải có giải pháp để bù tiến độ, nếu không, VEC sẽ sử dụng biện pháp mạnh để xử lý.

“Vừa qua, chúng tôi đã thay thế giám đốc điều hành gói thầu A2-2 do nhiều lần nhắc nhở không có chuyển biến trong việc điều hành tại công trường. Tiến độ gói thầu vẫn chậm theo từng tháng”, ông Tuấn Anh nói.

Rút ngắn tiến độ để hoàn thành đồng bộ

Tại công trường đại diện nhà thầu gói thầu J2 (thi công cầu cạn) do Liên danh Sumitomo Mitsui và CIENCO4 thi công tiến độ đã đạt trên 98%. Hiện, các hạng mục chính đã cơ bản hoàn thành, nhà thầu đang tiếp tục thi công bản mặt cầu và hoàn thiện các hạng mục phụ trợ.

Cao tốc Bến Lức - Long Thành có chiều dài 58km, là một phần của tuyến cao tốc Bắc - Nam. Sau khi hoàn thành sẽ cùng với các đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối đồng bộ hệ thống đường bộ cao tốc từ ĐBSCL qua TP HCM tới Đông Nam bộ. Đồng thời với đó sẽ kết nối với đường Vành đai III tạo nên hệ thống đường vành đai xung quanh TP HCM một cách hoàn chỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành được khởi công năm 2014, theo kế hoạch năm 2019 hoàn thành. Tuy nhiên, các gói thầu sử dụng nguồn vốn Ngân hàng ADB như A5, A6, A7 triển khai chậm nên VEC đang thương thảo với các nhà thầu về việc rút ngắn tiến độ thi công. Kiểm tra tiến độ dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành ngày 10/3 vừa qua, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đánh giá cao nhà thầu thi công các gói thầu J1, J2, J3. Nhờ áp dụng các phương pháp kỹ thuật hiện đại nên việc thi công rất nhanh, đảm bảo an toàn lao động, chất lượng tốt. Tuy nhiên, các gói thầu sử dụng nguồn vốn ADB hiện vẫn còn chậm, một phần do vướng GPMB, nhưng một phần cũng do năng lực điều hành thi công của nhà thầu. Bộ trưởng yêu cầu VEC thường xuyên sát sao để đố thúc tiến độ. Bộ GTVT sẽ tiếp tục làm việc với các địa phương là Đồng Nai, TP.HCM, Long An nhằm sớm bàn giao mặt bằng tại những vị trí còn lại.

Đối với các gói thầu A5, A6, A7 hiện vẫn còn thương thảo hợp đồng với các nhà thầu, Bộ trưởng yêu cầu phải tính toán kỹ, rút ngắn thời gian thi công nhằm đảm bảo toàn tuyến được khai thác vào năm 2019 để phát huy hiệu quả. “Nếu phát sinh những khó khăn vướng mắc trong quá trình đàm phán cần sớm trình Bộ để trình Chính phủ tìm biện pháp tháo gỡ”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nói.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây