Công trình xây dựng cầu Phú Hậu đã hoàn thành trên 30% khối lượng thi công
Nhằm chào mừng kỷ niệm 70 năm thành lập Đảng bộ huyện Lập Thạch và tạo điểm nhấn, diện mạo riêng cho đô thị Vĩnh Phúc vào những năm 2020, UBND tỉnh đã có Quyết định số 1148/QĐ-CT ngày 30/3/2016 về việc phê duyệt “Dự án đầu tư xây dựng công trình Cầu Phú Hậu thuộc tuyến đường nối từ nút giao Văn Quán - cầu Phú Hậu - Quốc lộ 2A - Việt Trì ” giao UBND huyện Lập Thạch làm chủ đầu tư, trực tiếp do Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng, Giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất (BQLDA ĐTXD, GPMB & PTQĐ) huyện Lập Thạch giám sát, quản lý; 2 nhà thầu thi công công trình là Công ty Xây dựng và Thương mại Linh Nam và Công ty TNHH Một thành viên Xây dựng 99. Dự án thuộc công trình giao thông nhóm B, được xây dựng trên địa bàn xã Sơn Đông (Lập Thạch) nối với xã Việt Xuân (Vĩnh Tường), với tổng mức đầu tư trên 240 tỷ đồng bằng vốn ngân sách tỉnh. Trong đó, chi phí xây lắp là trên 143 tỷ đồng, đền bù giải phóng mặt bằng gần 20 tỷ đồng.
Theo thiết kế, cầu Phú Hậu có tổng chiều dài tuyến đường gần 4.000 m. Trong đó, tuyến đường chính dài trên 2.737 m, đường nhánh dài trên 1.000 m và phần cầu Phú Hậu dài trên 250 m với điểm đầu tuyến tại xã Sơn Đông (Lập Thạch) và điểm cuối tuyến giao với bờ kênh 6A thuộc xã Việt Xuân (Vĩnh Tường). Cầu được xây dựng vĩnh cửu bằng bê tông chống thấm, bê tông chống thấm dung ứng lực; tải trọng thiết kế HL93, 300kg/m2; tần suất lũ thiết kế 1%; cầu gồm 6 nhịp dầm có chiều dài 38,3m; bản liên tục nhiệt rộng 1,75m; tim cầu đặt vuông góc với sông Phó Đáy, bề rộng toàn cầu là 12m; gối cầu sử dụng gối chậu GPZ 2,5GD; khe co giãn ray thép, lan can được thiết kế bằng thép mạ kẽm nhúng nóng. Dự kiến, cuối năm 2018 sẽ đưa công trình đi vào sử dụng.
Được biết, trước khi tiến hành khởi công, lãnh đạo UBND hai huyện Vĩnh Tường và Lập Thạch đã tổ chức buổi đối thoại với các hộ dân có đất trong diện tích bị thu hồi GPMB để thi công cầu. Theo ông Ngô Tuấn Hạnh, Phụ trách BQLDA ĐTXD, GPMB và PTQĐ huyện Lập Thạch cho biết: "Tại buổi đối thoại, các hộ dân đã được thông báo về kế hoạch và thời gian triển khai dự án; mục đích, ý nghĩa của dự án; đồng thời, lãnh đạo UBND hai huyện Vĩnh Tường và Lập Thạch cũng đã cam kết giải quyết triệt để những vướng mắc của bà con. Các hộ dân có đất trong diện tích bị thu hồi đều nhất trí với kế hoạch dự án và nhận thấy lợi ích của công trình đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự đồng thuận, nhất trí cao của nhân dân, công trình đã sớm được triển khai, thi công vào tháng 11/2016 và đến nay đã hoàn thành trên 30% khối lượng công việc, giải ngân trên 151 tỷ đồng (đạt gần 60% tổng số vốn) để thi công. Cầu Phú Hậu được sớm đi vào sử dụng sẽ từng bước hoàn thành tuyến đường nối nút giao Văn Quán với cầu Phú Hậu và tuyến Quốc lộ 2 đi thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Đồng thời, góp phần hoàn thiện, kết nối đường vành đai 5 trong tương lai; kết nối giao thông giữa các huyện Vĩnh Tường, Lập Thạch, Sông Lô của tỉnh Vĩnh Phúc với thành phố Việt Trì (tỉnh Phú Thọ) và các tỉnh lân cận thông qua tuyến Quốc lộ 2, Quốc lộ 2C và đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân”.
Để công trình sớm đi vào sử dụng trước kế hoạch, thời gian qua, đội ngũ kỹ sư, công nhân của hai đơn vị nhà thầu đã không quản mưa, nắng, làm việc hăng say, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều hạng mục khó, quan trọng, phấn đấu đưa công trình vào sử dụng đầu năm 2018. Đại úy Phan Văn Hưng trực tiếp chỉ đạo thi công (đại diện nhà thầu Công ty TNHH MTV Xây dựng 99) cho biết, mặc dù bị ảnh hưởng nhiều của yếu tố thời tiết trong thời gian qua, song với sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp cùng việc tập trung tối đa nhân lực, trang thiết bị của hai đơn vị nhà thầu, đến nay, công trình đã và đang tiếp tục triển khai, hoàn thiện thi công nền đường đoạn 2 đầu cầu. Đối với thân cầu, hiện đã thi công xong mố M1 trụ cầu và đang triển khai thi công mố M2, đúc dầm. Bên cạnh đó, để đảm bảo tiến độ cũng như chất lượng công trình, UBND huyện Lập Thạch đã giao cho BQLDA ĐTXD, GPMB và PTQĐ huyện chỉ đạo nhà thầu tập trung nhân lực, phương tiện máy móc thi công theo hình thức cuốn chéo, tiết kiệm tối đa thời gian và ngân sách; phân công cán bộ kỹ thuật thường xuyên có mặt tại công trường, giám sát chặt chẽ chất lượng, tiến độ triển khai từng hạng mục và bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường trong quá trình thi công.
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện