Tiếp tục nghiên cứu khắc phục hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa các dự án giao thông (2016-05-12)

Thứ tư - 11/05/2016 13:00. Xem: 67
Chiều nay (11/5), tại trụ sở Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu khắc phục hằn lún vệt bánh xe mặt đường bê tông nhựa (BTN) các dự án giao thông.  


Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc tiếp tục triển khai công tác nghiên cứu khắc phục hằn lún vệt bánh xe mặt đường BTN các dự án giao thông

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về việc tiếp tục triển khai
công tác nghiên cứu khắc phục hằn lún vệt bánh xe mặt đường BTN các dự án giao thông

Báo cáo tại cuộc họp, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) Triệu Khắc Dũng cho biết, thực hiện nhiệm vụ Bộ giao, Cục đã phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ, Trường Đại học GTVT, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, các Ban Quản lý dự án nghiên cứu, đánh giá nguyên nhân hư hỏng và đề xuất việc khắc phục hằn lún vệt bánh xe.

Cũng theo ông Dũng, công tác xử lý, khắc phục hằn lún vệt bánh xe là công việc rất khó khăn, phức tạp ngay cả tại một số nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Nga… đã nghiên cứu xử lý hằn lún vệt bánh xe từ lâu nhưng đến nay cũng chưa khắc phục được triệt để và hiện các nước này vẫn đang phải tiếp tục nghiên cứu xử lý hiện tượng trên. Trong năm 2014 - 2015, Lãnh đạo Bộ đã giao “Tổ đặc nhiệm” xử lý chất lượng mặt đường bên tông nhựa chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học liên quan, các chủ đầu tư, các Ban QLDA nghiên cứu khắc phục hiện tượng hằn lún vệt bánh xe trên một số tuyến quốc lộ. Công tác khắc phục sửa chữa bước đầu đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm và theo dõi đánh giá.

“Nguyên nhân gây hư hỏng mặt đường BTN có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan cần phải được nghiên cứu để giải quyết”, ông Dũng nhấn mạnh.

Để giải quyết vấn đề trên, Bộ đã giao cho Cục QLXD&CLCTGT tổng hợp theo dõi về việc sữa chữa, khắc phục hư hỏng hằn lún vệt bánh xe tại các dự án, tại hiện trường; rà soát lại các chỉ dẫn kỹ thuật thi công tại các dự án; đánh giá vai trò, trách nhiệm đối với từng đơn vị tại các dự án có chất lượng công trình tốt và các dự án xảy ra hư hỏng; chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và điều chỉnh các định mức, đơn giá công tác thí nghiệm và xây dựng hạng mục mặt đường BTN cho phù hợp với điều kiện hiện nay.

Bộ cũng giao Vụ Khoa học công nghệ, Viện Khoa học và công nghệ GTVT rà soát lại các quy trình về quản lý nguồn vật liệu đưa vào sử dụng thi công các hạng mục mặt đường; đánh giá các loại nhựa đường khác nhau để đưa ra các khuyến cáo áp dụng; chỉ đạo nghiên cứu các kết cấu áo đường đảm bảo phù hợp với từng điều kiện thời tiết khí hậu, chế độ thủy nhiệt của từng vùng miền, khu vực với kinh tế hợp lý…

“Trong hai năm 2014 và 2015, Bộ GTVT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan đến vấn đề này. Sau khi có văn bản của Bộ, một số đơn vị đã thành lập tổ chuyên trách nghiên cứu, chỉ đạo khắc phục hằn lún vệt bánh xe; đồng thời đã tiến hành thử nghiệm một số giải pháp kỹ thuật bước đầu cho kết quả khả quan. Các giải pháp hướng dẫn của Bộ đã phát huy hiệu quả kịp thời, chất lượng BTN mặt đường có khả năng chống hằn lún vệt bánh xe được cải thiện rất nhiều, trước năm 2014 tỷ lệ hằn lún vệt bánh xe tại các dự án QL 1 là 7,6% sau năm 2014 chỉ còn khoảng 2,1%”, ông Dũng cho biết thêm.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan đã có báo cáo cụ thể về việc triển khai công tác nghiên cứu khắc phục hằn lún vệt bánh xe mặt đường BTN các dự án giao thông liên quan đến đơn vị mình.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết: Từ việc triển khai xử lý hằn lún vệt bánh xe những năm vừa qua, nhận thức về quản lý chất lượng và chế tạo thi công BTN đã được nâng lên trong các cơ quan, đơn vị.

“Tuy nhiên, việc triển khai thực tế trên hiện trường vẫn còn có sự khác nhau giữa đơn vị, nhà thầu; việc phân tích xác định nguyên nhân cụ thể chưa đánh giá được hết; các giải pháp khắc phục còn đơn giản; kế hoạch sửa chữa khắc phục không rõ ràng...”, Thứ trưởng nói.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu Cục QLXD&CLCTGT phân giao nhiệm vụ cho các lãnh đạo theo dõi các khu vực làm việc chi tiết với nhà đầu tư, nhà thầu, Ban QLDA và báo cáo với Lãnh đạo Bộ phụ trách về vấn đề sửa chữa khắc phục trên hiện trường;

"Cục QLXD&CLCTGT phải theo dõi hàng tuần, hàng tháng tình hình diễn biến về vấn đề này, những chỗ đã khắc phục rồi phải có các quy định rõ về việc nghiệm thu", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông yêu cầu.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng cũng giao Vụ Khoa học công nghệ rà soát lại các quy định về phụ gia; cập nhật lại định mức trên cơ sở quy định tạm thời; hoàn tất lại các loại vật liệu dùng cho các vùng miền nhằm đảm bảo việc sửa chữa và hoàn thiện công trình một cách tốt nhất.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây