Tổng cục Đường bộ đang tiếp tục thử nghiệm những công nghệ mới trong việc duy tu, bảo trì cầu, đường nhằm giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo chất lượng - Ảnh: Trần Duy |
Từ bị động sang chủ động
Theo ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN - MT - HTQT (Tổng cục Đường bộ VN), để tăng cường áp dụng KHCN vào công tác bảo trì đường bộ, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ VN sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động. “Nếu trước đây, các đơn vị đưa công nghệ, vật liệu nào thì mình biết công nghệ, vật liệu đấy còn khi chủ động, phải nghiên cứu loại công nghệ nào phù hợp rồi đưa ra “đầu bài”, kêu gọi các nhà cung cấp công nghệ, thậm chí còn phải chủ động tìm kiếm công nghệ, vật liệu mới phù hợp”, ông Toàn nói và cho biết, điều này sẽ tránh tình trạng cái cần lại không có, nhưng cái có lại không cần.
"Áp dụng công nghệ mới chắc chắn sẽ giúp tăng khả năng cơ giới hóa, tăng cường chất lượng, hạn chế tác động môi trường. Vì vậy cần có các cơ chế chính sách để khuyến khích các đơn vị đầu tư thiết bị, tăng cường nhân lực, áp dụng công nghệ, vật liệu nhiều hơn nữa để mang lại cả lợi ích cho doanh nghiệp và Nhà nước”. Ông Nguyễn Mạnh Thắng |
Tổng cục Đường bộ VN cũng đề xuất cơ chế khuyến khích thử nghiệm, áp dụng công nghệ mới. Như công nghệ cào bóc tái chế nguội đã được áp dụng trong thời gian qua. Để có công nghệ này, các doanh nghiệp phải đầu tư một dàn máy cả trăm tỷ đồng. Thế nhưng nếu các doanh nghiệp đầu tư mà không có việc làm sẽ rất khó khăn. Vì thế theo ông Toàn, việc chưa có cơ chế khoán đã hạn chế việc khuyến khích áp dụng KHCN.
Ông Toàn dẫn chứng thêm: “Chẳng hạn như chuyện đầu tư đèn LED trên các tuyến đường. Đây là loại đèn có chi phí đầu tư rất cao, nhưng lại có độ bền hơn rất nhiều so với bóng đèn thường. Vì thế, thay vì lắp đèn cũ, mỗi năm chi phí hết 1 tỷ đồng tiền điện, có thể khoán cho doanh nghiệp 900 triệu đồng, còn để họ chủ động ứng dụng công nghệ và cho thời hạn 5 năm với mức khoán là 4,5 tỷ đồng. Như vậy, Nhà nước sẽ tiết kiệm được 500 triệu đồng. Khi đó chắc chắn khuyến khích được doanh nghiệp”.
Mời gọi công nghệ mới
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Thắng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, những năm qua, vốn dành cho công tác bảo trì năm sau đều cao hơn năm trước nhưng nhu cầu chưa thể đáp ứng. Nếu tính đúng và đủ, chúng ta cần gấp đôi con số hiện nay (gần 7 nghìn tỷ đồng). Vì thế, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ để giảm chi phí.
Một số công nghệ, vật liệu mới được áp dụng như công nghệ cào bóc tái chế nguội được áp dụng trên QL5 và QL1 đã đem lại hiệu quả cao. Trước khi chưa áp dụng công nghệ này, hai tuyến đường trên phải sửa chữa nhiều lần vì bị hằn lún, nhưng sau khi áp dụng đã được xử lý triệt để và có giá thành ngày càng giảm. Trong sửa chữa mặt đường bê tông nhựa cũng đã áp dụng vật liệu cacboncor thân thiện môi trường, phù hợp với thời tiết ẩm ướt để vá ổ gà, thảm lớp mặt. Hay trong sửa chữa cầu, đã áp dụng vật liệu composit giá thành rẻ một nửa so với nhập khẩu và chủ động được vật liệu và nhiều công nghệ khác.
Theo ông Thắng, thời gian tới Tổng cục Đường bộ VN sẽ rà soát, đánh giá tổng thể các công nghệ mới đã được áp dụng để đưa ra giải pháp hiệu quả hơn. Cùng đó, Tổng cục cũng xây dựng kế hoạch áp dụng các công nghệ mới. Lựa chọn các loại nhựa phù hợp để tăng tuổi thọ của đường. Trong bảo dưỡng cầu và báo hiệu đường bộ sử dụng các vật liệu băng dán mặt đường để phân luồng giao thông ngay khi còn đang thi công và tăng cường ứng dụng các công nghệ tự phát sáng, chống va trong hệ thống tín hiệu giao thông.
Theo ông Thắng, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ VN sẽ lập một danh mục các công nghệ cần áp dụng và cung cấp đầu mối để các đơn vị có thể chủ động liên hệ trực tiếp nếu muốn cung cấp, giới thiệu các công nghệ phù hợp. “Để kêu gọi các công nghệ mới chúng tôi hướng đến các loại công nghệ, vật liệu tương đồng về điều kiện, thời tiết và chi phí với các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam như: Malaysia, Thái Lan”, ông Thắng nói.
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện