Ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư cho biết, Dự án cải tạo, nâng cấp QL15 đoạn qua tỉnh Hòa Bình - Thanh Hóa đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư tháng 9/2008 để nối QL6 (Hòa Bình) và đường Hồ Chí Minh (Ngọc Lặc – đường tránh nối đường Hồ Chí Minh). Dự án bao gồm 3 Tiểu dự án (đoạn qua tỉnh Hòa Bình từ Km0+000 dài 20km; đoạn tránh ngập Thủy điện Hồi Xuân từ Km20+00 - Km43+564 dài 23,5km và đoạn từ Km47+00 - Km109+00 thuộc tỉnh Thanh Hóa dài 62km).
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư Nguyễn Hoằng báo cáo tiến độ đầu tư Dự án
Về tiến độ, Vụ trưởng Nguyễn Hoằng cho biết, đến nay Dự án thuộc danh mục các dự án khởi công mới năm 2016 và đã được Bộ GTVT phê duyệt chủ trương đầu tư, hiện đang lập điều chỉnh dự án đầu tư để phê duyệt và triển khai thực hiện.
Theo Vụ trưởng Nguyễn Hoằng do Tiểu dự án 1 hiện không cân đối được nguồn vốn, Tiểu dự án 2 đang được gấp rút triển khai thi công nhưng cũng chưa được bố trí vốn để triển khai hoàn thành theo tiến độ, trên cơ sở đó, Vụ kiến nghị tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 của Bộ GTVT để triển khai thực hiện.
Về tình hình triển khai thi công Tiểu dự án 2 (Gói thầu XL09), ông Đỗ Trọng Hiệp, Phó Giám đốc Ban QLDA 3 - Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, trong thời gian vừa qua, đơn vị thi công chưa thực sự tập trung huy động máy móc, thiết bị, nhân lực để thi công nên đến nay đã không thông được tuyến đến hết lớp móng cấp phối đá dăm loại 2 theo yêu cầu của Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Theo ông Đỗ Trọng Hiệp, hiện đường găng của đơn vị là cầu Phú Lệ, cầu Suối Pan, các đường đầu cầu, đầu mố, đắp K98 và cấp phối đá dăm loại 2. Nếu đơn vị thi công thực sự tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện thì đến 15/3/2016 mới có thể thông được nền (trừ đoạn Km20+400 - Km20+700), đến 15/4/2016 mới có thể hoàn thành hạng mục cấp phối đá dăm loại 2 và 7 cầu.
Dự án nâng cấp QL15 gồm 3 Tiểu dự án, với chiều dài hơn 100km
Theo bà Mai Thị Thùy Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư - Bộ Tài chính, Dự án cải tạo, nâng cấp QL15 đã được Nhà nước chủ trương cấp vốn triển khai thực hiện, tuy nhiên trong giai đoạn 2015 - 2016 cân đối nguồn vốn ngân sách hạn hẹp nên không bố trí, năm 2016 đã bố trí vốn nhưng bị thu hồi.
Riêng Tiểu dự án 2 (đoạn tránh ngập Thủy điện Hồi Xuân từ Km20+00 - Km43+564 dài 23,5km) bà Mai Thị Thùy Dương cho rằng đang triển khai và là dự án cấp bách, đã có kế hoạch bố trí vốn trung hạn rồi thì được phép ứng vốn trước, không có gì khó khăn, tuy nhiên với điều kiện dự án phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020.
Còn đối với Tiểu dự án 1 (đoạn qua tỉnh Hòa Bình từ Km0+000 dài 20km), bà Mai Thị Thùy Dương cho biết Nhà đầu tư ứng vốn trước để triển khai thi công, nhưng với điều kiện phải nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và đưa vào kế hoạch vốn ngân sách năm 2017.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Lê Đình Thọ cho biết, ngày 12/01/2016, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo về việc đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án cải tạo, nâng cấp QL15 (Tiểu dự án 1 và 2), trong đó giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, nghiên cứu đầu tư nâng cấp QL15 để phục vụ Thủy điện Hồi Xuân.
Thứ trưởng đánh giá đây là dự án rất quan trọng, cấp thiết, không những phục vụ Thủy điện Hồi Xuân mà còn phát triển kinh tế, xã hội của các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An. Chính vì vậy, Thứ trưởng chỉ đạo chủ trương đầu tư theo hai phương án.
"Cụ thể, thứ nhất đề nghị Chính phủ đưa dự án vào nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bổ sung hoặc nguồn ngân sách trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; thứ hai đầu tư theo hình thức BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước (bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ngân sách trung hạn, thuế doanh nghiệp và lập trạm thu phí để hoàn vốn)", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện