Quốc lộ 1 đưa vào khai thác vượt tiến độ đã phát huy hiệu quả cao, tuy nhiên cục bộ một số đoạn tuyến xuất hiện hằn lún vệt bánh xe (HLVBX) và bong bật trên mặt đường bê tông nhựa, gây ảnh hưởng đến quá trình khai thác và có nguy cơ gây mất an toàn giao thông. Để khắc phục tình trạng trên, Bộ GTVT đã có các văn bản về chỉ dẫn đánh giá, xác định nguyên nhân và giải pháp sửa chữa khắc phục hư hỏng HLVBX mặt đường bê tông nhựa đối với các tuyến đường sau khi đưa vào khai thác sử dụng, văn bản về chỉ dẫn đánh giá, xác định nguyên nhân và giải pháp sửa chữa khắc phục hư hỏng cục bộ (nứt, vỡ, bong bật) mặt đường bê tông nhựa thuộc các dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.
Cụ thể, Bộ GTVT yêu cầu Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban QLDA có văn bản giao nhiệm vụ cho một đơn vị tư vấn thiết kế chủ trì, có sự phối hợp của các chủ thể tham gia dự án (tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, nhà thầu thi công, Ban QLDA) thực hiện công tác khảo sát; đánh giá số liệu đầu vào về tải trọng, sự phù hợp của giải pháp thiết kế, kiểm định lại chất lượng của các hạng mục nền, móng mặt đường, các lớp bê tông nhựa, các lớp dính bám và dây chuyền công nghệ thi công từng hạng mục... để xác định nguyên nhân gây hư hỏng, hằn lún mặt đường tại các dự án do mình quản lý; trên cơ sở đó lập hồ sơ thiết kế giải pháp xử lý bao gồm thiết kế mẫu bê tông nhựa, xác định sơ đồ lu… nhằm khắc phục triệt để hư hỏng mặt đường.
Đối với các đoạn tuyến có lưu lượng và tải trọng tăng đột biến, các vị trí giao cắt, các vị trí ngã ba, ngã tư, có nguy cơ chịu tải trọng bất lợi do hãm phanh, tăng tốc, dừng đỗ… gây hằn lún đã dùng các biện pháp sửa chữa thông thường không hiệu quả, Tư vấn phải có giải pháp thiết kế mới (có thể nghiên cứu cào bóc tái chế các lớp bê tông nhựa cũ hoặc thay thế các lớp móng đường bằng lớp ATB, CPĐD gia cố xi măng…kết hợp với sử dụng bê tông nhựa có tính năng cao) để sửa chữa phù hợp.
Các chủ thể tham gia dự án (tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định, nhà thầu thi công, Ban QLDA) đều phải có trách nhiệm trong việc tham gia khảo sát, xác định nguyên nhân hư hỏng mặt BTN và lập hồ sơ thiết kế xử lý khắc phục. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu đơn vị nào không khẩn trương và nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Bộ GTVT, các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban QLDA có văn bản báo cáo Bộ GTVT để xử lý nghiêm theo quy định.
Các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban QLDA thường xuyên theo dõi hiện trạng mặt đường và phải khắc phục ngay để đảm bảo ATGT và chất lượng công trình.
Trên cơ sở hồ sơ thiết kế xử lý do Tư vấn lập, các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban QLDA sớm phê duyệt và chỉ đạo các Nhà thầu, Tư vấn khẩn trương triển khai thi công khắc phục triệt để hư hỏng mặt đường.
Đối với những vị trí bị HLVBX đã được khắc phục tạm bằng cách cào phẳng đảm bảo giao thông, các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban QLDA chỉ đạo các Nhà thầu khẩn trương khắc phục triệt để trong tháng 3/2016. Nếu các Nhà thầu không triển khai thi công, các Nhà đầu tư, Chủ đầu tư, Ban QLDA chỉ định các Nhà thầu khác có kinh nghiệm và năng lực để thực hiện, kinh phí sửa chữa được lấy từ nguồn bảo hành của các gói thầu.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện