Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cùng đoàn công tác Bộ GTVT làm việc tại Quảng Ninh
Quảng Ninh hiện có 9 khu bến, cảng biển nằm trong nhóm cảng biển phía Bắc, cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách, hàng hóa bằng đường biển, phù hợp với quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đã để xuất một số nội dung liên quan đến quy hoạch phát triển hệ thống bến, cảng biển trên địa bàn. Theo đó, hướng tới tập trung phát triển bến, cảng biển gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp để khai thác theo chiều sâu, có hiệu quả, giảm ùn tắc hàng hóa, làm nền tảng để tạo đà phát triển các đô thị cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, góp phần thúc đẩy mạnh phát triển kinh tế toàn tỉnh cũng như khu vực.
Cụ thể, đề xuất khu bến Cái Lân cho phép tàu có tải trọng 85.000DWT vào làm hàng, chuyển đổi công năng từ cảng tổng hợp thành cảng xếp dỡ hàng hóa; từng bước di dời Bến cảng dầu B12 ra vị trí mới; bến cảng khách Hòn Gai sẽ do Tập đoàn SunGroup đầu tư, là nơi đón nhận tàu khách du lịch quốc tế; khu bến Quảng Yên (sông Chanh, Đầm Nhà Mạc) sẽ giao cho các Nhà đầu tư nghiên cứu quy hoạch các khu công nghiệp và cảng biển; khu bến Hải Hà sẽ là khu bến tổng hợp chuyên dùng, container và hàng lỏng…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đề nghị bổ sung
một số nội dung trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Long, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị bổ sung hệ thống cảng khách Khu kinh tế Vân Đồn, phù hợp với quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế theo Quyết định số 1296/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, xem xét vị trí di chuyển Bến cảng dầu B12 ra khỏi quy hoạch khu đô thị Hạ Long xanh (TX Quảng Yên) đang được nghiên cứu đầu tư mà tư vấn đã đề xuất. Cũng tại khu bến Quảng Yên, cùng với các bến Sông Chanh, Đầm Nhà Mạc, đồng chí đề xuất bổ sung thêm vị trí cảng biển tại sông Bạch Đằng. Đối với khu bến Hải Hà, đây không chỉ phục vụ cho khu công nghiệp Hải Hà mà cảng biển còn đáp ứng nhu cầu giao thương hàng hóa cho khu kinh tế cửa khẩu gồm Móng Cái, Bắc Phong Sinh và Hoành Mô, Đồng Văn vì thế sẽ là bến cảng tổng hợp phục vụ khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Công, Thứ trưởng Bộ GTVT đã đồng tình với những đề xuất của tỉnh Quảng Ninh và những ý kiến của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh. Đồng chí yêu cầu đơn vị tư vấn tiếp thu để bổ sung, thay thế trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc cho phù hợp. Đối với đề xuất khu bến Cái Lân cho phép tàu có tải trọng 85.000DWT vào bến làm hàng, đồng chí bày tỏ nhất trí cao, Quảng Ninh sẽ thông báo về điều kiện, luồng và tĩnh không thông thuyền vào cảng. Bất cứ tàu nào có thông số kỹ thuật phù hợp, đảm bảo an toàn là đều có thể vào cảng làm hàng. Trong quy hoạch cảng, Quảng Ninh cũng cần quan tâm đến mặt bằng, quỹ đất để đầu tư các khu dịch vụ hậu cần sau cảng.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Công
Thêm nữa, Quảng Ninh đang có hệ thống phao neo, chuyển tải hàng hóa, năng suất chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng sản lượng khai thác hàng hóa. Vì thế, Quảng Ninh nên xây dựng lộ trình cụ thể cho các cụm phao neo này đảm bảo phát triển hài hòa, phù hợp với cảnh quan và môi trường trên biển.
Đồng chí nhấn mạnh: Trong quá trình phát triển, để phù hợp với mục tiêu quy hoạch chung của tỉnh, nếu có khó khăn, cần bổ sung, thay thế, Quảng Ninh vẫn sẽ tiếp tục đề xuất, Bộ GTVT sẽ tạo điều kiện để Quảng Ninh hiện thực hóa các ý tưởng phát triển.
Nguồn: baoquangninh.com.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện