Dùng công nghệ mới “trị” hằn lún mặt đường

Thứ ba - 06/10/2015 13:00. Xem: 107
Công nghệ cào bóc tái sinh qua kiểm tra đánh giá cường độ mô đun đàn hồi bề mặt BTN hiện trạng vẫn đạt yêu cầu, có một số vị trí vượt yêu cầu thiết kế rất lớn từ 180 – 190Mpa.
Sử dụng dây chuyền công nghệ cào bóc tái chế nguội
Cienco4 sử dụng dây chuyền công nghệ cào bóc tái chế nguội để "trị" hằn lún mặt đường

 

Để từng bước giải quyết tình trạng hằn lún vệt bánh xe trên các tuyến đường, mới đây, Tổng công ty XDCTGT4 (Cienco4) đã áp dụng dây chuyền thiết bị máy cào bóc tái chế W2500S, xe rải xi măng định lượng tự động, xe cấp nhựa kết nối trực tiếp với máy cào bóc, xe cấp nước kết nối trực tiếp với máy cào bóc cùng với các thiết bị hỗ trợ như: Lu chân cừu 20 -35 tấn, lu rung từ 12-30 tấn.

Theo lãnh đạo Cienco4, việc áp dụng công nghệ cào bóc tái chế nguội được thi công thử tại đoạn Km 16+450 – Km 16+750, dự án tuyến tránh TP.Vinh (Nghệ An). Đây là khu vực nút giao có đèn tín hiệu nên chịu ảnh hưởng lớn của tải trọng trùng phục do xe dừng đỗ lâu, tăng và giảm tốc độ nhiều gây nên hiện tượng hằn lún vệt bánh xe. Mặc dù đã được xử lý thay thế bằng BTN Polymer, có vị trí đã xử lý lại lớp base nhưng sau một thời gian khai thác thì hiện tượng hằn lún vẫn xuất hiện.

“Công nghệ cào bóc tái sinh qua kiểm tra đánh giá cường độ mô đun đàn hồi bề mặt BTN hiện trạng vẫn đạt yêu cầu, có một số vị trí vượt yêu cầu thiết kế rất lớn từ 180 – 190Mpa. Theo số liệu tính toán sơ bộ, nếu xử lý bằng phương án này thì mô đun đàn hồi sau khi xử lý sẽ đạt mức tối thiểu là 245 Mpa”, lãnh đạo Cienco4 cho biết.

Hiện tại, có ba loại kết cấu để làm thử gồm: cào bóc dày 16cm và gia cố xi măng; cào bóc dày 16cm và gia cố xi măng cùng nhựa đường; cào bóc dày 20cm và gia cố xi măng cùng nhựa đường. Các kết cấu này áp dụng cho các đoạn khác nhau là đoạn dừng trước đèn tín hiệu, đoạn tăng tốc giữa hai đèn tín hiệu và đoạn ngoài vị trí ảnh hưởng của nút giao.

Sau khi cào bóc tái sinh sẽ tiến hành thi công lớp phủ bằng BTN Polymer có chiều dày 5cm. Theo kế hoạch đang làm thử để lựa chọn kết cấu và tỷ lệ hàm lượng chất gia cố phù hợp với từng đoạn trên tuyến. Sau khi đã lựa chọn sẽ triển khai đồng loạt cho các vị trí mà chưa xử lý thay thế BTN Polymer và có hiện tượng hằn lún vệt bánh xe.

“Đây là công nghệ mới vừa được áp dụng tại Việt Nam, Cienco4 là đơn vị tiên phong trong áp dụng công nghệ này. Hiệu quả của việc áp dụng công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ có thể xử lý được đến sự ảnh hưởng của chất lượng lớp base, giảm được chi phí sửa chữa đáng kể do sử dụng lại toàn bộ vật liệu cũ, thời gian thi công nhanh và sau khi lu lèn xong có thể thông xe ngay”, đại diện Cienco4 thông tin.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây