Mục đích của Hội thảo nhằm trao đổi, chia sẻ các điểm khác biệt về nội dung công ước năm 1968 và 1949, cũng như các điểm khác biệt giữa Luật Giao thông đường bộ của Việt Nam với hai Công ước quốc tế, tập trung vào khía cạnh ATGT đường bộ và kinh nghiệm xử lý các vấn đề liên quan đến Công ước của các nước trên thế giới cũng như trong khu vực, để từ đó đưa ra các kiến nghị, lộ trình trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam phù hợp với các công ước quốc tế nêu trên.
Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh Vụ ATGT
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Văn Thạch - Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, trong tiến trình hội nhập với khu vực và thế giới, Chính phủ Việt Nam đã ưu tiên phát triển cả kết cấu hạ tầng giao thông phần cứng và phần mềm. Việt Nam đã xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ nằm trong hệ thống đường bộ Châu Á, đường bộ ASEAN và Tiểu vùng Mê Kông mở rộng.
Về phần mềm là các hiệp định tạo thuận lợi cho vận tải người và hàng hoá qua lại biên giới, Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch cho biết, Việt Nam đã ký kết và thực hiện một loạt các hiệp định song phương và đa phương với các nước láng giềng và các nước trong khu vực như: Hiệp định Vận tải đường bộ song phương với Trung Quốc, Lào, Campuchia, các hiệp định đa phương như Hiệp định ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng quá cảnh, Hiệp định ASEAN về vận tải liên quốc gia và Hiệp định GMS-CBTA … Vừa qua, ngày 20/8/2014 Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của hai Công ước quốc tế: Công ước giao thông đường bộ 1968 và Công ước biển báo và tín hiệu đường bộ 1968.
“Tại Hội thảo lần này các đại biểu sẽ được nghe các chuyên gia của UNESCAP và các chuyên gia trong nước trình bầy về nội dung công ước cũng như các điểm khác biệt giữa Luật giao thông đường bộ của Việt Nam với hai Công ước quốc tế, tập trung vào khía cạnh ATGT đường bộ để từ đó đưa ra các kiến nghị, lộ trình trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam” - Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch nói.
“Thay mặt lãnh đạo Bộ GTVT tôi trân trọng cảm ơn Ủy ban Kinh tế xã hội Châu Á - Thái Bình Dương của Liên hợp quốc (UNESCAP) đã luôn tích cực hỗ trợ ngành GTVT trong thời gian qua cũng như đã hỗ trợ tổ chức Hội thảo ngày hôm nay. Tôi cũng xin cảm ơn các cán bộ của Bộ GTVT và các cá nhân đã tích cực đóng góp cho Hội thảo” - Vụ trưởng Vụ ATGT Nguyễn Văn Thạch nhấn mạnh.
Tại Hội thảo các chuyên gia đã trao đổi, chia sẻ các điểm khác biệt
về nội dung công ước năm 1968 và 1949, cũng như các điểm khác biệt
giữa Luật giao thông đường bộ của Việt Nam với hai Công ước quốc tế. Ảnh Vụ ATGT
Tại Hội thảo, các chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày tập trung vào các nội dung Quá trình Việt Nam ra nhập Công ước, sự khác biệt giữa Luật Giao thông đường bộ và Công ước; Lịch sử hình thành, hiện trạng và những điểm khác nhau giữa Công ước về giao thông đường bộ năm 1949 và Công ước về giao thông đường bộ năm 1968.
Cùng với đó là các yêu cầu đối với phương tiện phù hợp với các quy định giao thông quốc tế (đăng ký biển số, ký hiệu phân biệt quốc gia, yêu cầu kỹ thuật); yêu cầu đôi với giấy phép lái xe trong nước và lái xe quốc tế; các quy định về biển báo (biển báo nguy hiểm, biển báo điều chỉnh, biển báo thông tin và nhóm biển báo phụ), vạch tín hiệu giao thông; đồng thời dự kiến lộ trình thực hiện Công ước về giao thông đường bộ 1968 và Công ước về biển báo, tín hiệu đường, 1968 tại Việt Nam.
Hội thảo là diễn đàn để các chuyên gia trong và ngoài nước, các cán bộ kỹ thuật, các nhà quản lý và hoạch định chính sách trong lĩnh vực giao thông vận tải trao đổi những kinh nghiệm liên quan đến giao thông đường bộ, an toàn đường bộ nói chung và biển báo, tín hiệu đường bộ nói riêng.
nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện