Tham dự Hội thảo có đại diện Lãnh đạo và cán bộ viên chức Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, các Sở GTVT khu vực phía Nam, các nhà khoa học đến từ Hội Cầu Đường - Cảng, các trường đại học GTVT Hà Nội, trường đại học GTVT thành phố Hồ Chí Minh cùng đại biểu đến từ các Ban Quản lý dự án, các doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề bảo trì công trình GTVT.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Xuân Khang, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đã chỉ rõ bảo trì công trình hạ tầng giao thông (đường bộ, cầu, hầm) là một chiến lược quan trọng nhằm kịp thời khắc phục các hư hỏng xuất hiện trong quá trình khai thác, các hư hỏng xuất hiện do các yếu tố bất lợi của môi trường; duy trì hệ thống hạ tầng giao thông luôn ở tình trạng kỹ thuật tốt; nâng cao chất lượng khai thác, kéo dài tuổi thọ của công trình, tiết kiệm chi phí đầu tư... Công tác bảo trì được triển khai đúng thời điểm, với những công nghệ phù hợp, sẽ mang lại hiệu quả kinh tế kỹ thuật cao hơn nhiều so với việc chậm nâng cấp, cải tạo công trình giao thông nếu không được thực hiện đúng thời điểm.
Thực trạng công tác bảo trì công trình hạ tầng giao thông tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, chưa được quan tâm đúng mức, chưa áp dụng những công nghệ bảo trì tiên tiến phù hợp và chưa có chiến lược bảo trì rõ ràng. Việc nghiên cứu, lựa chọn công nghệ tiên tiến trong bảo trì phù hợp với điều kiện Việt Nam là rất cần thiết nhằm duy trì và nâng cao chất lượng khai thác của hệ thống công trình đường bộ nước ta.
PGS. TS. Nguyễn Xuân Khang cũng khẳng định, Hội thảo là dịp thuận tiện để các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu quan tâm cùng trao đổi việc áp dụng các công nghệ hiện đại vào các công trình giao thông phù hợp với điều kiện Việt Nam, đồng thời cũng chỉ ra những giải pháp trong công tác thiết kế, thi công, quản lý khai thác, nhằm giúp cho công tác bảo trì đạt được hiệu quả cao nhất.
PGS. TS. Nguyễn Xuân Khang đánh giá cao sự tin tưởng của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đối với Viện và mong muốn sau Hội thảo, Viện Khoa học và Công nghệ GTVT tiếp tục được hợp tác cùng các chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, các nhà thầu để giải quyết những vấn đề kỹ thuật phát sinh từ thực tế như kỹ thuật mặt đường, xử lý nền đất yếu, kỹ thuật xây dựng cầu, nhất là các cầu dây văng, cầu có kết cấu đặc biệt, đánh giá tác động môi trường, thẩm tra ATGT, bảo vệ công trình… góp phần nâng cao chất lượng xây dựng hạ tầng GTVT, nâng cao hiệu quả đồng vốn đầu tư trong tiến trình.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các báo cáo: Công nghệ hiện đại trong bảo trì đường bộ và khả năng áp dụng tại Việt Nam; Bảo trì cầu dây văng tại Việt Nam; Bảo trì hầm và khả năng ứng dụng cho hầm Thủ Thiêm, Tp. Hồ Chí Minh; Một số đề xuất qui định biển báo tải trọng trên cầu đường bộ tại Việt Nam; Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát tải trọng xe tại Việt Nam; Công nghệ cào bóc tái chế nguội và khả năng áp dụng ở Việt Nam,…. Hội thảo cũng đã trao đổi, thảo luận và đề xuất những biện pháp tháo gỡ những vấn đề thực tế trong quá trình triển khai công tác bảo trì cơ sở hạ tầng GTVT, góp phần giải quyết các vấn đề kỹ thuật về bảo trì hạ tầng GTVT góp phần cho sự nghiệp CNH HĐH đất nước.
Các hình ảnh tại Hội thảo KHCN “Công nghệ mới trong công tác bảo trì đường bộ”
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện