Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Chủ tịch Hội KHKT Cầu đường Việt Nam Ngô Thịnh Đức đồng chủ trì Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã nhiệt liệt chào mừng các đại biểu và các vị khách quý đã tới dự Hội thảo. Theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Hội thảo "Đội ngũ trí thức trong phát triển bền vững kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam" được tổ chức nhằm tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác xây dựng, phát triển, sử dụng trí thức; củng cố, phát huy vai trò của đội ngũ trí thức; đề xuất cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác xây dựng lực lượng, huy động trí tuệ của trí thức đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển bền vững kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Đây cũng là việc làm rất cần thiết để các đại diện các cơ quan, đơn vị liên quan, đại diện các Hội trí thức và cá nhân trí thức có cơ hội trình bày, trao đổi và thảo luận về thực trạng đội ngũ trí thức của Ngành cũng như đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng, phát triển, phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức đối với sự nghiệp phát triển của Ngành. Thứ trưởng mong muốn các đại biểu tham dự Hội thảo tích cực tham gia ý kiến, có đánh giá chi tiết và trình bày các kinh nghiệm cá nhân để Hội thảo thành công tốt đẹp.
Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông phát biểu tại Hội thảo
Tại Hội thảo, hầu hết các báo cáo, tham luận đều khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ trí thức trong và ngoài ngành với sự nghiệp phát triển của ngành Giao thông vận tải, đặc biệt trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông, trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Các đóng góp này thể hiện dấu ấn qua các công trình hạ tầng giao thông như công nghệ đúc hẫng cân bằng cho nhịp dài đến 150m (cầu Hàm Luông- hoàn thành năm 2010), công nghệ xây dựng cầu treo và cầu dây văng nhịp lớn có kết cấu và công nghệ xây dựng hiện đại như cầu Cần Thơ, Bãi Cháy, Thuận Phước, Nhật Tân, công trình cầu dây văng nhịp lớn do các đơn vị trong nước tự thiết kế, thi công (cầu Rạch Miễu, nhịp chính dài 270m - hoàn thành năm 2009), công nghệ thi công đặc biệt ở địa hình và tính chất kỹ thuật phức tạp sử dụng vật liệu chất lượng cao như cầu Pá Uôn (hoàn thành năm 2010) có trụ cao 97,5m, công nghệ xây dựng các hầm giao thông như khác như hầm Đèo Ngang, hầm A-Roòng-1, A-Roòng-2, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cải tạo và năng cấp một số tuyến đường sắt nâng cao tốc độ chạy tàu lên 80-90km/h, ứng dụng các công nghệ vật liệu mới như sử dụng ray hàn liền, lắp đặt các loại phụ kiện liên kết đàn hồi mới, công nghệ xây dựng cảng, luồng hàng hải, đường thủy nội địa đáp ứng nhu cầu cho phép các tàu biển cỡ lớn 100.000T đến 200.000T ở nhiều địa điểm như Cái Lân, Cái Mép-Thị Vải, cảng Tiên Sa....
Chủ tịch Hội KHKT cầu đường Việt Nam Ngô Thịnh Đức trình bày tham luận tại Hội thảo
Bên cạnh đó các tham luận của các đơn vị trong Bộ GTVT cũng đã đề cập tới vấn đề phát triển bền vững đội ngũ trí thức trong ngành GTVT. Theo đó, để triển khai xây dựng cơ chế, chính sách và tổ chức thực hiện phát triển nhân lực của toàn Ngành, Bộ trưởng Bộ GTVT đã phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành GTVT giai đoạn 2011-2020; Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ ngành Giao thông vận tải đến năm 2015 (Quyết định số 1045/QĐ-BGTVT ngày 10/05/2012) với mục tiêu đến năm 2015, 100% đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ được đào tạo đáp ứng tiêu chuẩn quy định; 90% đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý các cấp thuộc Bộ GTVT được đào tạo, bồi dưỡng theo chương trình quy định; 90% đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ thực hiện chế độ bồi dưỡng bắt buộc tối thiểu hàng năm; Làm thủ tục cử 100 lượt đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ đi đào tạo, bồi dưỡng tại các nước phát triển và đang phát triển. Ngoài ra, ý kiến tham luận của các cơ quan tham mưu của Bộ cũng đề xuất, kiến nghị cơ chế, chính sách đào tạo, thu hút, sử dụng nhân lực KH&CN trình độ cao để đáp ứng nhu cầu trong tương lai, trong đó chú trọng hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, xây dựng quy hoạch mạng lưới và tuyên truyền, nâng cao nhận thức về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực KH&CN trình độ cao trong GTVT; Tập trung phát triển đào tạo nhân lực ngành GTVT, ưu tiên đào tạo các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành; Xây dựng, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đào tạo lĩnh vực GTVT; Xây dựng và hoàn thiện chương trình, giáo trình.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã cám ơn và đánh giá cao các ý kiến cũng như các tham luận được trình bày tại Hội thảo. Theo Thứ trưởng, Hội thảo đã khẳng định được vai trò hết sức quan trọng của đội ngũ trí thức trong phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng và phát triển ngành nói chung. Tuy nhiên, Hội thảo cũng đã cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong khai thác tiềm năng của đội ngũ trí thức, trong liên kết ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất...Thứ trưởng đề nghị các hiệp hội, các hội, Hội KHKT Cầu đường Việt Nam, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Giao thông vận tải, theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến, đề xuất tại Hội thảo, đề xuất cơ chế nhằm nâng cao hiệu quả đối với công tác xây dựng lực lượng, huy động trí tuệ của trí thức đóng góp cho sự nghiệp phát triển của Ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển bền vững kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện