Giai đoạn từ 1961-1975

Thứ ba - 26/09/2023 05:07. Xem: 492
au một số năm xây dựng, nhiều cơ sở thí nghiệm vật lieu xây dựng trên toàn quốc đã hình thành như: Phòng Thí nghiệm của Đại học Bách Khoa, Viện Thí nghiệm Bộ Kiến trúc, Viện Nghiên cứu Thủy lợi…. Vì vậy, lúc này ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đã đề xuất việc phân công lại công tác thí nghiệm vật liệu xây dựng.

Viện Kỹ thuật giao thông trong thời kỳ Kháng chiên chống Mỹ  

1. Thành lập Viện Kỹ thuật Giao thông (KTGT)
Sau một số năm xây dựng, nhiều cơ sở thí nghiệm vật lieu xây dựng trên toàn quốc đã hình thành như: Phòng Thí nghiệm của Đại học Bách Khoa, Viện Thí nghiệm Bộ Kiến trúc, Viện Nghiên cứu Thủy lợi…. Vì vậy, lúc này ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước đã đề xuất việc phân công lại công tác thí nghiệm vật liệu xây dựng. Theo đó, Bộ Giao thông vận tải và uỷ ban Khoa học kỹ thuật Nhà nước cùng thống nhất chủ trương để Viện ngày một tập trung hơn vào công tác nghiên cứu kỹ thuật, đưa công tác này là họat động chủ yếu, có kết hợp phục vụ thí nghiệm cho các công trường giao thông vận tải và những hạng mục thí nghiệm mà nơi khác không làm được.
 
Vì vậy, ngày 09-10-1961, Chính phủ nước Viêt Nam dân chủ cộng hòa đã có Quyết định số 160/CP về Chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giao thông vận tải. Theo đó, Viện Kỹ thuật giao thông ra đời trên cơ sở tổ chức lại Viện Thí nghiệm Vật liệu xây dựng.
Nhiệm vụ của Viện ngày một thêm mở rộng với ba nhóm chức năng chính:
- Nghiên cứu Khoa học kỹ thuật GTVT;
- Thí nghiệm vật liệu xây dựng;
- Kiêm chức năng quản lý nhà nước về kỹ thuật sau khi Vụ Kỹ thuật của Bộ hợp nhất vào Viện.
Lúc này, Viện có 146 cán bộ-công nhân viên trong đó có 23 kỹ sư.
Về tổ chức, Viện được cơ cấu lại để phù hợp hơn với việc phát triển công tác nghiên cứu:
- Phòng Đất và nền mặt đường;
- Phòng Gỗ và Kết cấu gỗ;
- Phòng Bê tông và Kết cấu bê tông;
- Phòng Hóa và nhiên liệu dầu, bảo vệ công trình và phương tiện;
- Phòng Cơ khí phương tiện;
- Phòng Kim loại và Công nghệ kim loại;
- Phòng Tổng hợp;
- Phòng Thông tin - Thư viện;
- Phòng Hành chính Quản trị;
- Xưởng Thực nghiệm.
 
Để tăng cường năng lực nghiên cứu, Viện tiếp tục được bổ sung thêm nhiều cán bộ khoa học kỹ thuật được đào tạo trong và ngoài nước, tăng cường thêm trang thiết bị. Tới năm 1969, Viện đã xây dựng thêm được các bộ môn khoa học kỹ thuật sau:
- Cầu (bao gồm Kinh tế cầu, cầu bê tông, cầu treo, cầu thép, thí nghiệm mô hình cầu và kiểm định cầu);
- Nền mặt đường và cơ học đất đá;
- Giao thông vận tải nông thôn;
- Thi công cơ giới;
- Cơ khí phương tiện và sửa chữa; 
- Xếp dỡ;
- Vật liệu, nhiên liệu;
- Toán cơ.
 
2. Ba giai đoạn họat động trong thời kỳ 1961-1975 của Viện KTGT
Giai đoạn 1 (1961-1965): Bước đầu phát triển công tác nghiên cứu KHKT
Sẵn có trang thiết bị, thừa hưởng kinh nghiệm tập dượt nghiên cứu thời kỳ trước, lại có nhiều vấn đề do thực tiễn công trường giao thông vận tải đặt ra, Viện Kỹ thuật Giao thông nhanh chóng bắt tay triển khai chức năng nghiên cứu:
- Công tác quản lý theo kiểu quản lý một cơ sở sự nghiệp hành chính thông thường đang có nề nếp, nay phảii thay đổi cho thích hợp với một cơ sở Nghiên cứu. 
- Công tác nghiên cứu chủ yếu xuất phát từ tính năng vật liệu xây dựng Việt Nam, nghiên cứu kỹ thuật thi công chế biến, thay thế, sử dụng hợp lý và tiết kiệm vật tư, nguyên liệu, thiết bị, phụ tùng trong điều kiện môi trường khí hậu và thiên nhiên của nước ta.
- Cán bộ khoa học kỹ thuật tốt nghiệp các trường Đại học trong và ngoài nước được bổ xung về Viện, vừa học tập, vừa nghiên cứu; tạo điều kiện chuẩn bị cho các công trình nghiên cứu dài hạn, tầm cỡ cho sau này.
 
Phương châm công tác nghiên cứu lúc này là: Tự lực cánh sinh, nhằm phục vụ sản xuất. Phương pháp nghiên cứu chính là phương pháp thực nghiệm dựa vào thế mạnh của máy móc thí nghiệm. Lúc này, đất nước đang còn rất nhiều khó khăn về vật liệu xây dựng. Một số kết quả nghiên cứu chính được áp dụng thực tiễn là:
- Tuyển chọn và áp dụng phương pháp thiết kế thành phần bê tông hợp lý;
- Xây dựng quy trình thi công mặt đường bằng nhựa đường số 3 của An-ba-ni;
- Sản xuất xi măng mác thấp, xi măng pu-z-lan, vôi pu-z-lan;
- Phân loại nhóm gỗ, hạ thấp nhóm gỗ làm tà vẹt, cột điện;
- Phòng chống mục, chống hà cho gỗ thuyền;
- . . .
Công tác nghiên cứu đang được đà phát triển thì ngày 05-08-1964, máy bay Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc. Cùng với mọi ngành, Viện chuyển sang công tác thời chiến.
 
Giai đoạn 2 (1965-1972): Nghiên cứu KHKT phục vụ đảm bảo giao thông thời chiến 
Nhiệm vụ chính trị cao nhất của toàn ngành giao thông vận tải, trong đó có Viện Kỹ thuật giao thông, trong lúc này là “Đảm bảo giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống”; để chiến thắng chiến tranh phá hoại trong đó phá hoại giao thông - một trong các mục tiêu chính của địch.
Chấp hành chủ trương chuyển hướng thời chiến, Viện đã xây dựng một đề cương cụ thể về tổ chức và về nội dung nghiên cứu cho suốt giai đoạn này. Mục đích đặt ra là: Giữ vững tổ chức, vừa xây dựng phát triển lực lượng, vừa đẩy mạnh công tác nghiên cứu phục vụ chiến đấu trước mắt, kết hợp một cách hợp lý chuẩn bị cho bước phát triển lâu dài sau này.
 
Lúc này, Viện được tổ chức lại thành bốn bộ phận:
- Một số cán bộ được cử đi biệt phái theo yêu cầu chung của ngành, do Bộ chỉ đạo;
- Một lực lượng khỏe, có nhiều kinh nghiệm bảo đảm giao thông vận tải, thường xuyên chốt ở khu 4, những nơi có chiến sự ác liệt, các tuyến đường hay bị đánh phá để kịp thời nghiên cứu và hướng dẫn thực hiện áp dụng những kết quả nghiên cứu khoa học kỹ thuật trực tiếp vào công tác đảm bảo giao thông nhanh nhất và có hiệu quả nhất;
- Một lực lượng có nhiều khả năng nghiên cứu ở lại Hà Nội, trước mắt nghiên cứu phục vụ các yêu cầu đảm bảo giao thông thời chiến, đồng thời sẵn sàng tăng cường thêm cho hai lực lượng trên;
- Lực lựợng còn lại, chủ yếu là người có sức khỏe yếu, nữ có con mọn … được sơ tán đến nơi an toàn, kín đáo, với nhiệm vụ xây dựng căn cứ địa lâu dài, vừa bảo vệ, giữ gìn máy móc thiết bị thí nghiệm quý và vừa tiến hành một số công tác hỗ trợ nghiên cứu, đảm bảo sự liên tục của một số đề tài có yêu cầu nghiên cứu lâu dài. 
 
Kết quả tiêu biểu của thời kỳ này là:
- Về đảm bảo giao thông: đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng nhiều loại cầu cáp, cầu phao, đường dây chuyển tải dã chiến; nhiều biện pháp chống trơn lầy, san lấp hố bom, cấp cứu xe trên đường …
- Về phục vụ chuyển hướng kinh tế và khôi phục sau chiến tranh phá hoại: Nghiên cứu các dạng kết cấu đường giao thông nông thôn đúc kết trong Số tay cầu đường nông thôn. Nghiên cứu lớp thảm đá nhỏ : mạ thép phục hồi phụ tùng chi tiết máy, sơn chống bám bẩn hệ nhựa đường; tấm lợp, mái vòm, thuyền và xà lan băng xi măng lưới thép …
 
Nhìn lại giai đoạn này, có thể thấy chủ trương chuyển hướng công tác thời chiến là đúng đắn. Viện đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình, đặc biệt đã góp phần vào sự nghiệp bảo đảm giao thông vĩ đại của ngành trong khi vẫn bảo toàn và phát triển được tiềm năng nghiên cứu cả về cơ sở vật chất lẫn con người. Viện KTGT có thể tự hào trong niềm tự hào chung của ngành giao thông vận tải: phục vụ vô điều kiện và nhạy bén cho các nhiệm vụ chính trị của đất nước. 
Năm 1969 Viện đã có vinh dự nhận Lẵng hoa của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng.
 
Giai đoạn 3 (1972-1975): Nghiên cứu khoa học kỹ thuật phục vụ khôi phục và phát triển giao thông vận tải  miền Bắc.
Đây là giai đoạn miền Bắc đã chiến thắng chiến tranh phá họai của Mỹ. Nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân là xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và giải phóng miền Nam tiến tới thống nhất đất nước. Nhiều nhiệm vụ to lớn và những thuận lợi đã đặt ra cho Viện trong tình hình mới. 
 
Năm 1972, Mỹ thả thủy lôi và bom từ trường phong tỏa cửa biển miền Bắc. Viện đã phối hợp với các đơn vị bạn nghiên cứu giải pháp dùng tàu từ trường công suất lớn để phá thành công. Công trình khoa học kỹ thuật xuất sắc này đã vinh dự được Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1996.
 
Tháng 3 năm 1974, góp phần cùng những biến chuyển mạnh mẽ trên chiến trường miền Nam, một đoàn cán bộ của Viện do Viện trưởng Đặng Văn Thông làm trưởng đoàn cùng nhiều cán bộ của Bộ Giao thông vận tải đã đi B, mở một số tuyến đường trong vùng giải phóng và sửa chữa một số tuyến đường sẵn có. Đoàn đã góp phần chi viện cho chiến trường Đông Nam Bộ (B2) và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng hoàn toàn miền Nam và tham gia tiếp quản thành phố Sài Gòn.
 
Còn ở miền Bắc, do điều kiện chiến tranh phá hoại của Mỹ đã chấm dứt, Viện đã có điều kiện tập trung hơn vào công tác nghiên cứu. Lúc này, Viện đã có một tiềm lực tương đối mạnh về khoa học kỹ thuật:
- Một đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, có trình độ, có truyền thống; vừa sáng tạo trong nghên cứu vừa nhiệt tình với sản xuất;
- Có cơ sở vật chất chưa hẳn đã phong phú, nhưng đã đáp ứng được những yếu cầu cơ bản của công việc.
- Có kiến thức tích lũy nhiều năm, có kinh nghiệm về tổ chức, chỉ đạo và tiến hành nghiên cứu trong điều kiện riêng của nước ta.

 

Tác giả: admin

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Những tin mới hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây