Phó thủ tướng cùng đoàn công tác Chính phủ đã tới kiểm tra, làm việc với 4 tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa về tình hình thực hiện dự án xây dựng công trình cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025. Tham dự đoàn có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm.
Tinh thần chỉ đạo chung được Phó thủ tướng nhấn mạnh vào 3 yếu tố: Tiến độ, chất lượng, an toàn.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã kiểm tra và nghe chủ đầu tư (Ban Quản lý dự án 7-Bộ Giao thông vận tải), các nhà thầu báo cáo về tiến độ thi công, khả năng cung ứng vật liệu trên đoạn .
Trao đổi tại công trường, Phó Thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu, địa phương phối hợp chặt chẽ để tháo gỡ nhanh nhất khó khăn, vướng mắc, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ, tạo dựng được sự vững chắc của công trình, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương, tạo niềm tin của người dân.
Cụ thể, tỉnh Khánh Hoà cần tập trung giải phóng mặt bằng dứt điểm từng đoạn để bàn giao cho nhà thầu thi công, không để tình trạng "xôi đỗ, xen kẹt"; ưu tiên rút ngắn thời gian, quy trình các thủ tục cấp phép cho nhà thầu khai thác các mỏ vật liệu để bảo đảm đủ nguồn đất, cát, đá cho công trình, xác định giá vật liệu hài hoà lợi ích của doanh nghiệp, chủ mỏ; phối hợp tổ chức di dời các công trình hạ tầng, đường điện cao thế trong phạm vi tuyến cao tốc.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các nhà thầu rà soát phương án kỹ thuật, phương án thi công bảo đảm phòng ngừa nguy cơ sạt lở, sụt lún, lũ lụt, tác động môi trường tại các khu vực chưa có đánh giá đầy đủ về địa chất, thủy văn.
"Đối với hoạt động khai thác mỏ vật liệu phục vụ thi công đường cao tốc, dù rút gọn thủ tục, quy trình, nhưng vẫn phải đánh giá tác động môi trường đầy đủ, không để ảnh hưởng đến đời sống của người dân", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng cũng biểu dương tỉnh Khánh Hoà đã có cách làm chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng các khu tái định cư xen lẫn với các khu dân cư hiện hữu, để nhanh chóng ổn định đời sống cho các hộ dân phải giải phóng mặt bằng; quyết liệt, sâu sát giải quyết thủ tục cấp phép khai thác các mỏ vật liệu mới cho nhà thầu thi công cao tốc.
Tại cuộc làm việc với các địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương phản ánh cụ thể các khó khăn, vướng mắc… trong tổ chức triển khai dự án và có đề xuất về lâu dài khắc phục được những tồn tại, hạn chế, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 – 2025, đoạn đi qua các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa gồm 5 dự án thành phần (có 12 gói thầu xây lắp), tổng chiều dài 351,2 km; tổng mức đầu tư 70.255 tỷ đồng.
Các nhà thầu đã huy động 2.742 máy móc thiết bị các loại, 6.271 nhân sự thi công, 152 nhân sự tư vấn giám sát và tổ chức 210 mũi thi công (96 mũi cầu, 114 mũi đường, hầm chui dân sinh và một số công trình trên tuyến). Kết quả thực hiện đến nay đạt khoảng 2.857,4 tỷ đồng, tương đương 5,8% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 2,3% so với kế hoạch.
Nhu cầu vật liệu đá, cát, đất phục vụ công trình cơ bản đáp ứng được tiến độ thi công với sự phối hợp chặt chẽ của địa phương và nhà thầu trong khai thác, nâng công suất các mỏ hiện tại và cấp phép khai thác các mỏ mới.
Các địa phương đã bàn giao mặt bằng thi công đạt 310/351,2 km, đạt 89% (tăng 2,4% so với tháng trước). Tuy nhiên, chỉ tổ chức thi công được trên phạm vi khoảng 273,28/351,2 km, đạt 80% (tăng 2,4% so với tháng trước), phần mặt bằng còn lại chủ yếu là đất thổ cư, thủ tục di dời phức tạp và các công trình hạ tầng kỹ thuật, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị.
Hiện, các tỉnh đã hoàn thành 47 khu tái định cư, đang lập dự án và thi công 34 khu.
Về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đối với đường dây 220-500 kV, đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận, thẩm định hồ sơ thiết kế 93/104 vị trí, đang tiến hành thi công 52/93 vị trí; đối với đường dây 110 kV và trung hạ áp, đã hoàn thành thủ tục thỏa thuận hồ sơ thiết kế 883/909 vị trí, hoàn thành di dời 150 vị trí, đang tiến hành thi công 106 vị trí, các vị trí còn lại đang hoàn thiện thủ tục để triển khai thi công.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương đã báo cáo bổ sung về tiến độ, cũng như những vướng mắc về công tác giải phóng mặt bằng; cấp phép khai thác các mỏ vật liệu; chuyển mục đích sử dụng rừng, đất lúa phục vụ dự án; di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, nhất là các đường điện cao thế; cho phép sử dụng các mỏ vật liệu phục vụ dự án cao tốc để cung cấp phục vụ thi công các khu tái định cư thuộc dự án…
Đại diện các Bộ Công thương, Xây dựng, TN&MT đã ghi nhận, trao đổi về hướng tháo gỡ bất cập trong công tác di dời đường điện cao thế; chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa; xác định giá vật liệu tại mỏ; phương án dự trữ, tập kết vật chất đào đắp hoặc vật liệu dôi dư trong quá trình thực hiện dự án…
Quang cảnh buổi làm việc
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đánh giá cao nỗ lực, cố gắng, quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các tỉnh,… khắc phục khó khăn, đáp ứng yêu cầu, tiến độ về giải phóng mặt bằng, cung ứng vật liệu xây dựng cho các gói thầu xây lắp.
Chỉ đạo hướng giải quyết cụ thể đối với những bất cập, vướng mắc được các địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu nêu lên tại cuộc họp, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương chịu trách nhiệm rà soát kỹ lưỡng, chính xác, làm rõ nguyên nhân tăng diện tích đất rừng, đất lúa chuyển mục đích sử dụng để phục vụ dự án, phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&ĐT để báo cáo cấp có thẩm quyền.
Liên quan đến di dời đường điện cao thế, trung thế có quy mô vốn lớn, kỹ thuật phức tạp so với năng lực cấp huyện, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các sở, ngành để bàn hướng giải quyết theo thẩm quyền, các khâu chuẩn bị hồ sơ, trình tự thủ tục lựa chọn cơ quan tư vấn, thiết kế, nhà thầu thực hiện dự án di dời đường điện cao thế, "không khoán cho huyện".
"Việc chậm di dời các đường điện cao thế sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, vì vậy Bộ GTVT phải đưa vào kế hoạch theo dõi, giám sát, thường xuyên báo cáo Thủ tướng Chính phủ", Phó Thủ tướng nói.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý các địa phương có cách thức linh hoạt, phù hợp để người dân được tham gia vào quá trình tái định cư, thụ hưởng giá trị từ dự án đường cao tốc mang lại, có cuộc sống, sinh kế tốt hơn để tạo đồng thuận, ủng hộ của nhân dân; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu, trao đổi đến từng công nhân, kỹ sư để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.
Nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm tiến độ, an toàn, chất lượng, phòng tránh sự cố, Phó Thủ tướng đề nghị các nhà thầu, tư vấn thiết kế, giám sát kỹ thuật nỗ lực, làm hết trách nhiệm từ thiết kế đến thi công, khai thác mỏ vật liệu một cách bài bản, khoa học, thu thập đầy đủ số liệu đánh giá, điều tra, khảo sát địa chất, thuỷ văn, tác động môi trường.
Phó Thủ tướng nêu rõ: Đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục, đẩy nhanh tiến độ nhưng không được bỏ qua yêu cầu an toàn, chất lượng trong thi công và khai thác mỏ. Việc khai thác mỏ vật liệu tránh lựa chọn gấp gáp, tối đa hoá lợi nhuận mà thực hiện theo cách "đường đâu, vật liệu đấy", bỏ quên tầm quan trọng, giá trị của môi trường, cảnh quan, phát triển bền vững. Trong trường hợp có nguy cơ phát sinh sự cố, rủi ro do chưa thu thập đầy đủ số liệu, đánh giá kỹ tác động môi trường, hoặc bất khả kháng, trong thiết kế thì cần tạm dừng để có giải pháp khắc phục ngay trước khi quá muộn.
Phó Thủ tướng đồng ý với kiến nghị của địa phương, chủ đầu tư, nhà thầu về phương án nâng công suất các mỏ vật liệu đang khai thác, nhưng phải giám sát rất kỹ tác động môi trường; bố trí bãi tập kết vật chất đào đắp, vật liệu dôi dư trong khi thi công dự án cao tốc; bố trí mặt bằng thi công.
Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT đánh giá, giám sát kỹ tác động khai thác các mỏ cát trên sông, hồ; nghiên cứu tác động môi trường đối với việc sử dụng cát biển, trình tự thủ tục khai khác phục vụ thi công đường giao thông.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ, ngành và cơ quan tư vấn, giám sát, nhà thầu nghiên cứu, đề xuất sửa đổi định mức kinh tế kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn thiết kế đường cao tốc. Bộ GTVT khẩn trương rà soát, ban hành quy chuẩn xây dựng trạm dừng nghỉ trên toàn bộ tuyến cao tốc Bắc – Nam phía đông, phù hợp với xu hướng giao thông hiện đại trong tương lai.
Nguồn: mt.gov.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện