Tham dự hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, chủ trì Hội thảo; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc; Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cùng đại diện các chuyên gia, nhà khoa học,….
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng chủ trì Hội thảo; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc tham dự Hội thảo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021 - 2022 và quy trình thông qua tại 2 kỳ họp. Tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021), Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật. Ngay sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan tiến hành 4 đợt tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Đến nay, sau chỉnh lý có 119 điều của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành được sửa đổi, bổ sung (tăng 9 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2), trong đó 12 điều là điều sửa đổi, bổ sung về kỹ thuật và 5 điều là bãi bỏ một số quy định; đồng thời sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, về cơ bản các nội dung lớn của dự thảo Luật, nhất là những vấn đề Chính phủ xin ý kiến đều đạt được sự thống nhất cao giữa cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo về phương án tiếp thu, chỉnh lý và thể hiện như dự thảo Luật như tên gọi của Luật, phạm vi điều chỉnh; về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, mở rộng giao quyền đăng ký đối với giống cây trồng…
Tại Hội nghị, các chuyên gia đã bình luận chuyên sâu và đề xuất phương án chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về các trường hợp ngoại lệ, không xâm phạm quyền tác giả; về tác phẩm phái sinh và mối quan hệ giữa quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, cạn quyền và nhập khẩu song song trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan; quy định về nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý...
Theo đó, tại điểm a khoản 1, Điều 25 dự thảo Luật quy định: Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền bản quyền nhưng phải thông tin về tên tác giả, nguồn gốc, xuất xứ của tác phẩm gồm: Tự sao chép một bản để nghiên cứu khoa học, học tập của cá nhân và không nhằm mục đích thương mại. Quy định này không áp dụng trong trường hợp sao chép bằng thiết bị sao chép công cộng.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm Sở hữu trí tuệ, Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, quy định này nhằm kiểm soát việc tạo ra nhiều bản sao từ các phương tiện sao chép công cộng, đặc biệt từ các dịch vụ photocopy. Đây có thể là một trong những cách thức để kiểm soát việc tuân thủ pháp luật sở hữu trí tuệ tại các cơ sở photocopy.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thị Nam Giang nhấn mạnh, cùng với việc hoàn thiện dự thảo Luật, cần thực hiện phối hợp các biện pháp khác như quản lý chặt chẽ các cơ sở photocopy, nâng cao nhận thức và ý thức công chúng về quyền tác giả nhằm tạo điều kiện cho việc thực thi quy định về các ngoại lệ quyền tác giả này.
Nhạc sỹ Đinh Trung Cẩn, Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chỉ rõ, thực trạng vi phạm về quyền tác giả, quyền liên quan đã đặt ra những yêu cầu cấp bách trong công tác xây dựng pháp luật bảo hộ quyền tác giả nhằm khắc phục những khó khăn, tồn đọng trong thực tiễn, ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền tác giả, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả trong nước và nước ngoài, tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Toàn cảnh Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu nhất trí việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ để thúc đẩy đăng ký sở hữu trí tuệ và thương mại hóa kết quả nghiên cứu, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động khoa học công nghệ. Các đại biểu cũng phân tích, đánh giá và đề xuất phương án chỉnh lý quy định của dự thảo Luật về các trường hợp ngoại lệ không xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, giới hạn quyền tác giả; về tác phẩm phái sinh và mối quan hệ giữa quyền làm tác phẩm phái sinh và quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng là nhiệm vụ khoa học, công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước, cơ chế phân chia lợi ích; nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, chỉ dẫn địa lý; quy định về giống cây trồng…
Nhiều đại biểu quan tâm đến quy định về việc nhập khẩu song song, cho phép nhập khẩu những hàng hóa chính hiệu đã được chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc người được chủ sở hữu quyền cho phép đưa ra thị trường nước ngoài. Theo quy định tại Điều 20 dự thảo Luật, khi thực hiện nhập khẩu song song không cần sự cho phép của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả. Quy định này khiến một số đại biểu băn khoăn vì có nguy cơ khiến chính tác giả, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ phải tự cạnh tranh với sản phẩm sáng tạo của mình nhưng được nhập khẩu từ nước ngoài. Cũng có ý kiến tán thành với quy định tại dự thảo Luật, thể hiện sự tương thích của pháp luật nước ta với các điều ước quốc tế. Tuy nhiên, các ý kiến này cũng đề nghị cần bổ sung, tiếp tục hoàn thiện quy định tại dự thảo Luật./.
Nguồn: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông KH&CN
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện