Cầu Rạch Miễu 1 thường xuyên bị ùn tắc trong những dịp lễ tết.
Bộ GTVT vừa có công văn đề nghị Thủ tướng xem xét bố trí vốn năm 2020 để thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre. Đây là lần thứ 2 trong vòng 3 tháng qua, Bộ GTVT xin bố trí vốn chuẩn bị đầu tư cho dự án này.
Trước đó, vào tháng 9/2019, bộ này đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bố trí 22 tỷ đồng từ nguồn dự phòng 10% của Bộ GTVT để triển khai công tác chuẩn bị đầu tư dự án.
Được biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 12/ 2019 làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Sau khi hai phương án đầu tư BOT và ODA không có tính khả thi, vào cuối tháng 6/2019, Bộ GTVT đã kiến nghị Chính phủ cho phép đầu tư Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nối hai tỉnh Tiền Giang và Bến Tre bằng nguồn vốn đầu tư công trong nước với tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.662 tỷ đồng, phương án này có thể rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư, chủ động trong việc bố trí vốn nên có thể hoàn thành công trình vào năm 2024.
Theo Bộ GTVT, tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông xảy ra thường xuyên, nghiêm trọng trên cầu Rạch Miễu, gây mất an toàn giao thông, việc đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu 2 nhằm đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt, góp phần phá thế độc đạo của QL1A, thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng là hết sức cần thiết và cấp bách, cần phải triển khai ngay.
Nếu triển khai đầu tư theo hình thức vay ODA nói chung và vay vốn ODA của Hàn Quốc nói riêng sẽ kéo dài hơn so với phương án đầu tư bằng vốn ngân sách Nhà nước khoảng 2-3 năm, do vậy sẽ không đáp ứng được mục tiêu cấp thiết giải quyết ngay tình trạng giao thông hiện nay. Ngoài ra, việc triển khai theo hình thức vay ODA của Hàn Quốc cho một số dự án của Bộ GTVT hiện đang còn gặp khó khăn trong việc đàm phán, ký kết hiệp định, chưa được tháo gỡ.
Ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau khi làm việc với các bộ, ngành và địa phương (ngày 5/6/2019) đều thống nhất về chủ trương phương án đầu tư cầu Rạch Miễu 2 bằng nguồn vốn trong nước để đảm bảo tính chủ động trong việc bố trí vốn, triển khai dự án, sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng công trình đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay.
Cầu Rạch Miễu 2 cũng từng được nghiên cứu đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cho thấy, việc đầu tư dự án theo hình thức PPP tại thời điểm hiện nay là khó khả thi, nguyên nhân trong phạm vi tổng chiều dài tuyến 115km của tuyến QL60 đang được nghiên cứu Dự án, có các Dự án BOT đã và đang triển khai thực hiện như: Dự án đầu tư xây dựng cầu Rạch Miễu nối tỉnh Tiền Giang và Bến Tre (hoàn thành năm 2009) có trạm thu phí tại Km4+617 và đang triển khai giai đoạn 2 của Dự án này để mở rộng 4 đoạn tuyến QL60 nối từ cầu Rạch Miễu đến cầu Cổ Chiên, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2019 và kết thúc thời gian thu phí vào năm 2034; Dự án đầu tư xây dựng cầu Cổ Chiên nối hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh (hoàn thành năm 2015) có trạm thu phí đặt tại Km44+267, kết thúc thời gian thu phí năm 2027. Hiện nay, hai trạm thu phí nêu trên cách nhau khoảng 40km.
Do Dự án có kinh phí đầu tư lớn, nên mặc dù Bộ GTVT và UBND tỉnh Bến Tre đã phối hợp kêu gọi Nhà đầu tư nhưng các Nhà đầu tư bao gồm cả Nhà đầu tư đang triển khai Dự án xây dựng cầu Rạch Miễu đều từ chối thực hiện do mức độ rủi ro cao, phương án tài chính không khả thi; có Nhà đầu tư quan tâm nhưng phương án đề xuất không phù hợp quy định pháp luật.
Nguồn: https://baodautu.vn/
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện