Cụ thể, nhiều nút, tuyến đường trước đây từng là điểm nóng về tình trạng ùn tắc giao thông đã cơ bản giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông như nút: Cầu vượt nút giao Cổ Linh; Cầu vượt Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái; Cầu vượt nút giao An Dương...
Các tuyến đường giao thông hiện đại phía Nam của Thủ đô. Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN
Ý thức tham gia giao thông của người dân cũng đã có chuyển biến tích cực; số lượng người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ngày càng tăng. Các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2012-2015 đến nay cơ bản hoàn thành, góp phần tích cực trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố...
Từ năm 2016 đến nay đã xử lý được 55 điểm ùn tắc giao thông là đạt so với yêu cầu chỉ tiêu (đến cuối năm 2020 giảm tối thiểu 40 điểm ùn tắc giao thông). Tuy nhiên do lưu lượng giao thông tăng nhanh lại phát sinh nhiều điểm ùn tắc mới cần tiếp tục xử lý để đảm bảo đạt được mục tiêu giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Thành phố Hà Nội đã tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong tổ chức, quản lý, điều hành giao thông vận tải Thủ đô: Triển khai phần mềm Govone trong quản lý kết cấu hạ tầng giao thông; Triển khai thí điểm hệ thống thẻ vé điện tử trên tuyến buýt BRT; đang tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống bản đồ kỹ thuật số hiển thị tình trạng giao thông theo thời gian thực.
Hà Nội đang triển khai xây dựng tiêu chí lắp đặt camera trên địa bàn thành phố để triển khai lắp đặt đồng bộ trên địa bàn thành phố, trước mắt tập trung lắp đặt tại các quận nội thành; trong đó có phát triển, mở rộng và kết nối, điều khiển đồng bộ toàn bộ hệ thống đèn tín hiệu giao thông, camera giao thông tại các nút, các tuyến đường về Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông tại 54 Trần Hưng Đạo và Trung tâm Quản lý điều hành giao thông tại Kim Mã.
Hà Nội cũng đang triển khai xây dựng Trung tâm giám sát điều hành giao thông chung cho thành phố; triển khai dự án "Hỗ trợ phát triển hệ thống thẻ vé liên thông cho vận tải công cộng Hà Nội" bằng nguồn hỗ trợ của JICA; trong đó, triển khai trung tâm quản trị hệ thống vé điện tử dùng chung để kịp thời phục vụ cho khai thác vận hành các tuyến xe buýt và các tuyến đường sắt đô thị.
Song song đó, thành phố cũng từng bước hiện đại hóa công nghệ quản lý như triển khai thí điểm hệ thống vé thẻ thông minh (Smart card); tổ chức quản lý giám sát hành trình xe bằng thiết bị định vị GPS; lắp đặt camera giám sát đảm bảo an ninh trật tự trên xe buýt, triển khai phần mềm tìm bus. Thông tin, tuyên truyền, quảng bá luồng tuyến, hoạt động vận tải bằng xe buýt.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, thành phố đang triển khai hàng loạt các giải pháp, biện pháp không những nhằm giảm tải ách tắc giao thông, nhất là tại các điểm tập trung đông xe cộ, mà đây là thực hiện các lộ trình cần thiết để tiến tới hạn chế xe cơ giới, thu phí nội đô, thậm chí có vùng thí điểm cấm hẳn xe cơ giới đi vào. Để làm được những việc này thì bên cạnh cơ sở hạ tầng phải đi trước một bước, thì hệ thống điều hành phải thông minh, tích hợp đồng bộ thì sẽ thuận tiện trong việc áp dụng các quy định mới.
UBND thành phố Hà Nội cho biết, nhằm nỗ lực phát triển hạ tầng giao thông và hạn chế ách tắc, thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, các công trình trọng điểm, các tuyến đường sắt đô thị như: dự án Xây dựng các tuyến đường vành đai 1 (Hoàng Cầu - Voi Phục); đường vành đai 2 trên cao và dưới thấp (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng - cầu Vĩnh Tuy); đường vành đai 2,5 (đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A); tuyến đường sắt đô thị số 3 (Nhổn - ga Hà Nội); các tuyến đường trục hướng tâm như Quốc lộ 6 (đoạn Ba la - Chúc Sơn).
Dự án Quốc lộ 1 (đoạn từ Văn Điển đến Ngọc Hồi ); tuyến đường từ Lê Trọng Tấn đến Vành đai 3; đẩy nhanh tiến độ tuyến đường sắt đô thị số 3A để đi vào hoạt động phần đi nổi vào tháng 10/2020; phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải để sớm đưa tuyến đường sắt đô thị 2A (Cát Linh - Hà Đông) vào hoạt động; đẩy nhanh việc chuẩn bị đầu tư các tuyến đường giao thông theo quy hoạch và các tuyến đường sắt đô thị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025...
UBND thành phố chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông; số hóa kết cấu hạ tầng giao thông và xây dựng bản đồ số giao thông theo thời gian thực nhằm cung cấp tình hình giao thông trực tuyến cho kênh VOV giao thông và nhân dân được biết, phục vụ việc lựa chọn tuyến đường đi thích hợp góp phần hạn chế ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố...
Nguồn: TTXVN
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện