Nghị quyết Quốc hội đặt ra mục tiêu thông toàn tuyến dự án đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) vào năm 2020. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 289km chưa được bố trí vốn.
Gần 300km chưa được đầu tư
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ký báo cáo gửi Quốc hội về tình hình thực hiện dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh. Trong báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, theo Nghị quyết 66/2013, Quốc hội đặt ra mục tiêu hoàn thành nối thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau) với quy mô tối thiểu hai làn xe, chiều dài khoảng 2.744km vào năm 2020. Đến nay, dự án đã hoàn thành 2.218km, đang triển khai đầu tư 237km, còn lại khoảng 289km chưa bố trí được vốn để triển khai thực hiện.
Cụ thể, tại khu vực phía Bắc, đường Hồ Chí Minh đoạn từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Chợ Bến (Hòa Bình) dài khoảng 273km đã hoàn thành 113km, còn lại 160km chưa triển khai do thiếu vốn gồm: Đoạn Chợ Chu (Thái Nguyên) - ngã ba Trung Sơn (Tuyên Quang) dài 30km, đoạn Đoan Hùng (Phú Thọ) - Chợ Bến (Hòa Bình) dài 130km. Để nối thông, cần bố trí vốn để triển khai 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư khoảng 18.016 tỷ đồng.
Tiếp theo là đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.525km, đến nay đã hoàn thành đầu tư 1.350km, đang triển khai xây dựng 175km gồm: Dự án La Sơn - Túy Loan (77km) và Cam Lộ - La Sơn (98km). Trong đó, dự án La Sơn - Túy Loan sẽ hoàn thành 66km đoạn La Sơn - Hòa Liên vào cuối năm 2019; đoạn Hòa Liên - Túy Loan dài 11km dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2020. Còn lại, dự án Cam Lộ - La Sơn đã khởi công một số gói thầu vào tháng 9/2019, đến hết năm 2019 sẽ hoàn thành công tác lựa chọn nhà thầu xây lắp, dự kiến hoàn thành trong năm 2021.
Khu vực miền Trung, đã và đang triển khai nối thông tuyến từ Hòa Lạc đến Tân Cảnh, dự kiến đến năm 2021 sẽ hoàn thành toàn bộ. Giai đoạn sau năm 2021 sẽ nghiên cứu nâng cấp quy mô đoạn Cam Lộ - Túy Loan thành cao tốc 4 làn xe hoàn chỉnh theo quy hoạch. Đối với đoạn tuyến qua khu vực Tây Nguyên từ Tân Cảnh (Kon Tum) đến Chơn Thành (Bình Phước) dài khoảng 553km đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng toàn bộ với quy mô hai làn xe.
Cuối cùng, đoạn tuyến từ Chơn Thành đến Đất Mũi có chiều dài khoảng 382km, đến nay, đã hoàn thành 192km, đang thi công 61km và chưa triển khai 129km do thiếu vốn gồm: Chơn Thành - Đức Hòa (74km, tổng mức đầu tư 6.566 tỷ đồng) và phần còn lại của dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (55km, tổng mức đầu tư 3.865 tỷ đồng).
Để hoàn thành nối thông toàn tuyến, cần thêm khoảng 28.447 tỷ đồng đầu tư 289km còn lại. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Bộ GTVT kiến nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm bổ sung nguồn vốn cho Bộ GTVT để triển khai các dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Mới - Ngã ba Trung Sơn (tỉnh Tuyên Quang), dự án Chơn Thành - Đức Hòa thuộc các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và phần còn lại của đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận thuộc các tỉnh Kiên Giang, Bạc Liêu; mở rộng các đoạn Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan…
Do nguồn lực đầu tư hạn hẹp, kiến nghị Quốc hội xem xét, cho phép giãn tiến độ hoàn thành nối thông toàn tuyến đến sau năm 2020, trong đó các đoạn Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn, Chơn Thành - Đức Hòa, Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận sẽ ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025. Đối với đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến hiện tại có QL2 và QL21A song hành đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải trong khu vực nên sẽ xem xét đầu tư theo quy mô đường cao tốc trong giai đoạn đến năm 2030.
Cấp thiết bố trí vốn để thông toàn tuyến
“Dự án La Sơn - Túy Loan còn 10km mặt bằng chưa bàn giao
Trong báo cáo của Chính phủ gửi đến Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, công tác GPMB dự án đường Hồ Chí Minh đã cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai các dự án thành phần nhưng cá biệt vẫn có một số địa phương mặt bằng bàn giao chậm, bàn giao không liên tục ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng thi công các dự án. Hiện nay, đoạn La Sơn - Túy Loan còn vướng khoảng 10km đoạn Hòa Liên - Túy Loan thuộc địa phận TP Đà Nẵng chưa được bàn giao hay một số đoạn tuyến tránh đô thị các tỉnh Tây Nguyên đang triển khai, hiện tiến độ bàn giao mặt bằng chưa đáp ứng yêu cầu.”
Trong báo cáo thẩm tra tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự án đường Hồ Chí Minh gửi đến Quốc hội, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện dự án theo Nghị quyết 66/2013, tuy nhiên đến thời điểm tháng 10/2019, dự án mới chỉ hoàn thành 80,88% cho việc thông toàn tuyến theo yêu cầu.
Để nối thông toàn tuyến, Ủy ban kiến nghị Quốc hội ủng hộ phương án phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Chính phủ cho dự án này; yêu cầu các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố có liên quan phối hợp thực hiện tốt các yêu cầu nêu trong Nghị quyết 38/2014, phù hợp với những nội dung đã được điều chỉnh trong Nghị quyết 66/2013 của Quốc hội.
Ông Phan Xuân Dũng cũng đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội việc ưu tiên dành phân bổ nguồn vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và dự kiến phương án phân bổ nguồn vốn này theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; báo cáo Quốc hội phương án lựa chọn tài chính cho các dự án giao thông đường bộ nói chung và các dự án thành phần nói riêng thực hiện Nghị quyết 66/2013 bị dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết 11 ngày 24/2/2011 của Chính phủ; phương án bố trí vốn và khả năng nối thông toàn tuyến. Bên cạnh đó, Chính phủ cần nghiên cứu phương án để ban hành cơ chế thu phí, hoàn vốn đầu tư các dự án giao thông do Nhà nước đầu tư để giảm sức ép tài chính cho Nhà nước.
Đối với Bộ GTVT, Ủy ban đề nghị nghiên cứu trình Chính phủ đề xuất Quốc hội bổ sung nguồn vốn cho Bộ GTVT để triển khai các dự án: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn (30km, tổng mức đầu tư 1.800 tỷ đồng) để hoàn thiện nối thông từ QL3 sang QL2, nối các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên sang Tuyên Quang; Chơn Thành - Đức Hòa dài 74km nghiên cứu đầu tư bằng nguồn vốn TPCP trong giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô hai làn xe (tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng); phần còn lại của dự án Rạch Sỏi - Bến Nhất - Gò Quao - Vĩnh Thuận (55km, tổng mức đầu tư 3.865 tỷ đồng) nối QL61 sang QL63 để nối các tỉnh Kiên Giang sang Bạc Liêu và Cà Mau.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện