Quốc hội đã đồng ý chủ trương bố trí phần vốn góp của Nhà nước 2.186 tỷ đồng, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp; các bộ ngành, địa phương, nhà đầu tư cũng vào cuộc quyết liệt nhưng dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận vẫn đang đứng trước nguy cơ lụt tiến độ thông tuyến vào cuối năm 2020 vì tắc vốn tín dụng.
Nút thắt vốn tín dụng
Khởi động tháng 2/2015, dự án BOT Trung Lương - Mỹ Thuận được đặt kỳ vọng hoàn thành vào năm 2018 để rút ngắn thời gian lưu thông từ TP HCM đi các tỉnh miền Tây. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm triển khai, công trình vẫn ngổn ngang, khi sản lượng thi công của dự án đến tháng 2/2019 mới đạt khoảng 7 - 8%.
Báo cáo của doanh nghiệp dự án lúc đó cho thấy, nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng dự án ì ạch, chậm tiến độ nghiêm trọng xuất phát từ năng lực tài chính yếu kém của các nhà đầu tư khi suốt thời gian dài không thể vay được nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng.
Dự án nhen nhóm dấu hiệu khởi sắc từ tháng 3/2019 khi Tập đoàn Đèo Cả được liên danh nhà đầu tư mời vào để bổ sung năng lực điều hành cho doanh nghiệp dự án. Chỉ sau gần 3 tháng với sự có mặt của Tập đoàn Đèo Cả, đến tháng 6/2019, khối lượng dự án đã tăng thêm được gần 10%. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, dự án vẫn đang phải đối diện với nguy cơ không thể thông tuyến vào cuối năm 2020 theo yêu cầu của Thủ tướng vì nguồn vốn tín dụng cho dự án chưa được khơi thông.
Trong báo cáo vừa gửi Bộ GTVT về các dự án giao thông trọng điểm có nguy cơ chậm tiến độ, ông Lê Kim Thành, Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) đã điểm tên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Ông Thành cho biết, tổng sản lượng toàn dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện mới đạt khoảng 17,5%, chậm 27%. “Mặc dù Thủ tướng đã chấp thuận chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Tiền Giang và yêu cầu thông tuyến vào năm 2020, tuy nhiên, nguyên nhân chính dẫn tới dự án chậm tiến độ là do khó khăn trong việc huy động vốn vay tín dụng để cấp cho dự án”, ông Thành chia sẻ.
Vốn tín dụng chính là nút thắt lớn nhất của dự án hiện nay, bởi trong cơ cấu tổng mức đầu tư 12.608 tỷ đồng, ngoài 2.186 tỷ đồng tiền ngân sách Nhà nước hỗ trợ và vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư (khoảng 3.400 tỷ đồng), còn lại gần 7.000 tỷ đồng là nguồn vốn tín dụng.
Cần phải nói thêm, hợp đồng tín dụng của dự án đã được ký kết từ tháng 6/2018, khi đó, 4 ngân hàng gồm: Vietinbank, BIDV, VPbank và Agribank do Vietinbank làm đầu mối thu xếp vốn đã cam kết cho doanh nghiệp dự án vay với giá trị 6.850 tỷ đồng đi kèm với nhiều điều kiện khác thường về giải ngân vốn tín dụng như: Phần vốn góp của của nhà đầu tư, vốn hỗ trợ của nhà nước phải giải ngân xong, ngân hàng mới bắt đầu tham gia vốn tín dụng…
“Đến nay, các ngân hàng chưa giải ngân cho dự án bất cứ đồng vốn nào”, ông Trần Văn Thế, Phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận nói với Báo Giao thông.
Giải ngân vốn phụ thuộc “khẩu vị”, quan điểm ngân hàng
Đề cập đến yêu cầu của phía ngân hàng về phần vốn góp của nhà đầu tư, ông Thế cho biết, hiện nay, nhà đầu tư dự án đã giải ngân được 2.500/3.400 tỷ đồng. Quan điểm của nhà đầu tư là phải giải ngân song song tất cả nguồn vốn: Vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn góp của Nhà nước và vốn tín dụng của ngân hàng.
“Chúng tôi đã bỏ ra 2.500 tỷ đồng thì phía ngân hàng cũng phải giải ngân phần vốn tín dụng theo tỷ lệ tương ứng. Tuy nhiên, hiện nay, nhà đầu tư và phía các ngân hàng vẫn chưa thống nhất được vấn đề này”, ông Thế nói.
Liên quan đến nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước (2.186 tỷ đồng), ông Thế cho biết, mặc dù, Nghị Quyết của Quốc hội đã có, tuy nhiên, việc phân bổ vốn cho dự án thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ. “Hiện nay, Bộ Tài chính đang dự thảo quyết định giao vốn của Thủ tướng Chính phủ cho dự án. Nếu thủ tục giao vốn chậm ngày nào sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của dự án ngày đó. Nguồn vốn này càng kéo dài thì khả năng đảm bảo thông tuyến dự án vào 31/12/2020 và hoàn thành, đưa dự án vào khai thác vào 30/4/2021 sẽ càng phải kéo dài”, ông Thế nói.
Thế nhưng ông Thế khẳng định: Việc giải ngân vốn góp của nhà đầu tư và vốn hỗ trợ của Nhà nước không phải là vấn đề quyết định đến tiến độ giải ngân vốn tín dụng của các ngân hàng. “Lúc đầu, các ngân hàng nói là không đủ vốn để cấp cho dự án. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo nhiều ngân hàng hợp vốn lại và giao Vietinbank làm đầu mối thu xếp vốn.
Khi có đủ vốn rồi, các ngân hàng lại viện lý do phải thẩm định, trình nội bộ, đến nay cũng chưa đưa ra câu trả lời chính thức là có cho vay hay không. Bây giờ, tiến độ dự án hoàn toàn phụ thuộc vào “khẩu vị”, quan điểm của phía các ngân hàng”, ông Thế khẳng định và cho biết, hôm nay (4/11), nhà đầu tư và các ngân hàng sẽ ngồi lại để trao đổi với nhau về việc giải ngân vốn cho dự án.
Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận cũng cho biết: “Nhà đầu tư và các nhà thầu đã hết sức sẵn sàng rồi. Bây giờ chỉ còn chờ nguồn vốn tín dụng. Chỉ khi nào thông vốn tín dụng, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận mới hẹn ngày thông tuyến”, ông Hoàng nói.
Cuối năm 2022, thông tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ
Tiếp nối tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ cũng đang được Ban QLDA Thăng Long (Bộ GTVT) rốt ráo triển khai công tác đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 4.736 tỷ đồng với mục tiêu xây dựng 23,6km đường cao tốc đi qua địa phận hai tỉnh Vĩnh Long (13,35km) và Đồng Tháp (10,25km).
Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó giám đốc Ban QLDA Thăng Long cho biết, dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT, trong đó phần vốn hỗ trợ của Nhà nước là 932 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động của nhà đầu tư. “Dự kiến tháng 7/2020, chúng tôi tiến hành đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, ông Huấn nói và cho biết, theo lộ trình, cuối năm 2020, dự án sẽ khởi công xây dựng và thông tuyến vào cuối năm 2022.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện