Ngày 10/10, đại diện Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án xây dựng đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội hiện đạt gần 68% tiến độ tổng thể, trong đó đoạn trên cao đạt 99%.
Hiện các nhà thầu thi công đang tập trung hoàn thiện những hợp phần liên quan đến nhà ga và trang thiết bị kết cấu nhà ga đoạn trên cao, kiến trúc tầng ke ga, gia công và lắp dựng thép cho kết cấu mái che. Thiết kế móng cho hệ thống thanh từ ga S1 đến S8 đã được Sở GTVT Hà Nội thẩm định, điều chỉnh. Đến nay, 4/8 ga trên cao đã hoàn thành thiết kế chi tiết và đang được thi công cọc thử.
Ban Quản lý dự án cũng cho biết, dự án đường sắt tuyến Nhổn - ga Hà Nội dự kiến hoàn thành xây dựng đoạn trên cao vào cuối năm 2019, các nhà ga trên cao và công trình Depot vào tháng 10/2020. Đoàn tàu của dự án đang được chế tạo tại Pháp để đưa về nước vào tháng 7/2020, với mục tiêu đưa đoạn trên cao vào vận hành tháng 4/2021 và toàn tuyến vào cuối năm 2022.
Theo các chuyên gia dự án đường sắt đô thị trước khi đưa vào khai thác phải được tổ chức độc lập đánh giá và cấp chứng nhận về an toàn hệ thống. Sau khi chứng nhận an toàn được Cục Đăng kiểm VN thẩm định, cấp giấy chứng nhận thẩm định mới có giá trị để đưa hệ thống đường sắt vào khai thác, vận hành chính thức.
Thông tin về nhà thầu đánh giá độc lập an toàn, đại diện Ban Quản lý dự án cho biết: “Đơn vị đánh giá độc lập là Liên danh APAVE - BUREAU VERITAS- CERTIFER (tư vấn ABC). Ban Quản lý dự án đã ký kết hợp đồng dịch vụ tư vấn kiểm tra và chứng nhận an toàn hệ thống độc lập với tư vấn ABC. Đây là liên danh các công ty tư vấn của Pháp có nhiều kinh nghiệm để thực hiện kiểm tra và chứng nhận an toàn cho hệ thống đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội trước khi đưa hệ thống vào vận hành. Hiện, tư vấn ABC đang triển khai hợp đồng, thực hiện công tác kiểm tra và đánh giá công trình trong quá trình thi công”.
Cục Đăng kiểm VN cũng cho biết, hệ thống đường sắt đô thị phải được chứng nhận an toàn ở 6 nội dung: Độ tin cậy, tính sẵn sàng, khả năng bảo dưỡng và độ an toàn đối với các hệ thống (tàu, hệ thống tín hiệu điều khiển chạy tàu, hệ thống cung cấp điện sức kéo; cửa chắn ke ga); Phương án sơ tán hành khách trong trường hợp khẩn cấp; Sự tương thích điện từ; Sự tích hợp hệ thống; Thử nghiệm vận hành, chạy thử hệ thống; hệ thống quản lý an toàn vận hành.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện