Quảng Trị sẽ có sân bay hơn 5.700 tỷ đồng

Thứ tư - 03/07/2019 13:00. Xem: 86
Cục Hàng không VN vừa trình Bộ GTVT xem xét, phê duyệt quy hoạch CHK Quảng Trị giai đoạn định hướng đến năm 2030.      

 

Keyword đầu tiên có dấu
Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 CHK nội địa đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C, diện tích sử dụng đất 312 ha

Quy hoạch xây dựng sân bay tại huyện Gio Linh

Quảng Trị hiện chưa có sân bay. Do đó, nếu muốn đến đây bằng đường hàng không, hành khách sẽ phải đặt một chuyến bay trung gian đến sân bay Phú Bài (Huế) hoặc sân bay Đồng Hới (Quảng Bình), sau đó mới tiếp tục đi đường bộ về Quảng Trị.

Tuy nhiên, việc này sẽ sớm thay đổi nếu Quy hoạch CHK Quảng Trị giai đoạn định hướng đến năm 2030 vừa được Cục Hàng không VN trình Bộ GTVT được phê duyệt. Cụ thể, Cục Hàng không VN đề xuất quy hoạch tại xã Gio Quang, huyện Gio Linh, cách TP Đông Hà khoảng 7km một cảng hàng không nội địa cấp 4C, dùng chung dân dụng và quân sự.

Đường cất, hạ cánh tại đây sẽ có kích thước 2.400m, rộng 45m, kết cấu đường đảm bảo khai thác tàu bay A320, A321 và tương đương. Ngoài một đường lăn nối vào sân đỗ với 4 vị trí đỗ, sẽ có quỹ đất dự trữ để xây dựng đường lăn song song khi có nhu cầu.

Nhà ga hành khách được quy hoạch có 2 cao trình, công suất 1 triệu khách/năm, có đất dự trữ mở rộng quy hoạch xây thêm khi có nhu cầu. Đối với nhà ga hàng hoá, theo Cục Hàng không VN, do khối lượng hàng hoá vận chuyển giai đoạn đầu chưa cao nên khi xây dựng nhà ga hành khách sẽ tính toán và bố trí mặt bằng xử lý hàng hoá, hành lý trong khu vực nhà ga hành khách.

Quy hoạch cũng đã tính đến các công trình bảo đảm hoạt động bay (đài kiểm soát không lưu, đài dẫn đường, hệ thống đèn tiếp cận, hệ thống hỗ trợ hạ cánh chính xác ILS, hệ thống quan trắc khí tượng tự động) cũng như các công trình hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ khác (như nhà xe ngoại trường, trạm khẩn nguy cứu hoả, công trình cấp nước…).

Dự kiến, tổng số tiền cần để triển khai quy hoạch này lên tới hơn 5.700 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn vốn khác nhau bao gồm cả vốn ngân sách Nhà nước, vốn doanh nghiệp và PPP…

Có hấp dẫn nhà đầu tư?

“Theo Quyết định số 236/QĐ - TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không Quảng Trị là một trong 28 cảng hàng không nội địa đưa vào khai thác giai đoạn từ năm 2020 - 2030 với quy mô hàng không dân dụng cấp 4C, diện tích sử dụng đất 312ha. Sân bay Quảng Trị cách sân bay Đồng Hới khoảng 93km về phía Bắc và cách sân bay quốc tế Phú Bài khoảng 88km về phía Nam.”


Ủng hộ việc sớm phê duyệt quy hoạch, làm cơ sở đầu tư xây dựng sân bay tại Quảng Trị, chuyên gia hàng không Trịnh Như Long cho biết, bất kỳ sân bay nào cũng đều có vai trò kinh tế, chính trị, xã hội nhất định hay nói cách khác là đều cần thiết. Sân bay là phần tất yếu của hạ tầng giao thông một đất nước, là xương sống để phát triển kinh tế, xã hội.

“Chúng ta có 63 tỉnh, thành phố. Theo Quyết định 236, đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 sân bay. Con số này không phải là nhiều. Trước năm 1975, trong khi miền Bắc chỉ có vài sân bay như: Gia Lâm, Nội Bài, Cát Bi, Nà Sản, Điện Biên, Vinh, Đồng Hới thì ở miền Nam, gần như tỉnh nào cũng có sân bay. Ngay cả An Giang cũng từng có sân bay”, ông Long thông tin.

Ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT TCT Cảng hàng không VN (ACV), đơn vị đang quản lý khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước cho rằng, tầm quan trọng và sự cần thiết của sân bay Quảng Trị đã được khẳng định tại Quyết định 236 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Phát triển GTVT hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.

Trả lời câu hỏi về việc nếu có sân bay thì lượng khách tiềm năng của Quảng Trị sẽ đến từ đâu, ông Long phân tích, trước đây, khi xây dựng sân bay Đồng Hới, cũng có rất nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng sân bay này đường bay ngắn, tỉnh nghèo, khó có khách, nhất là khi trở ra có sân bay Vinh, trở vào có Phú Bài. Nhưng giờ, sau một thời gian, rõ ràng sân bay Đồng Hới đã mở ra cơ hội lớn phát triển kinh tế, du lịch cho Quảng Bình.

“Người Nhật đã có một tư duy đắt giá là hãy tạo thị trường cho sản phẩm của mình chứ đừng chờ có thị trường mới cung ứng sản phẩm”, ông Long nói và cho rằng, Quảng Trị cũng vậy, khi chưa có sân bay mà hỏi thị trường đến từ đâu thì rất khó. Anh phải tạo thị trường đã. Nếu Quảng Trị cứ như thế này có thể trả lời ngay: Sẽ chẳng ai đến”.

Cảng hàng không có phát triển được hay không, khách đến nhiều hay không, vai trò quan trọng là ở Quảng Trị. Địa phương này phải xác định và vẽ con đường cho mình. Hay nói cách khác, nếu thực sự quyết tâm thì phải tạo thị trường cho CHK Quảng Trị. Ngược lại, CHK Quảng Trị cũng sẽ giúp kích cầu đầu tư, kích cầu du lịch cho địa phương này.

“Việc phát triển sân bay Quảng Trị phải gắn với kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. Sân bay Quảng Trị có cơ hội phát triển hay không tất cả phụ thuộc rất lớn vào “tham vọng”, quyết tâm của lãnh đạo địa phương, làm thế nào để nhà đầu tư thấy hấp dẫn muốn đầu tư vào Quảng Trị”, ông Long chốt lại.

Thực tế, trao đổi với Báo Giao thông, nhiều đại lý du lịch đều chung quan điểm: Sức hấp dẫn của Quảng Trị là có, nhưng nó vẫn đang cần một “đòn bẩy” đủ mạnh để có thể bật dậy. “Quảng Trị có nhiều địa điểm du lịch hấp dẫn, độc đáo, hấp dẫn du khách như làng cổ Bích La, chợ phiên Cam Lộ, bãi biển Cửa Tùng, đảo Cồn Cỏ, địa đạo Vịnh Mốc, thành cổ Quảng Trị, thánh địa La Vang, Khe Sanh, Núi Talung, núi Klu, Bản dân tộc Vân Kiều… Vấn đề chỉ là làm thế nào để khách du lịch biết đến những địa điểm này nhiều hơn nữa”, một đại lý cho hay.

Nguồn: https://www.baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Thành viên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây