Theo Chỉ thị, công tác quản lý, thực hiện dự án trong ngành GTVT, trong những năm qua, đã đạt được những kết quả nhất định. Việc thực hiện tốt công tác quản lý dự án đã góp phần quan trọng trong việc sử dụng có hiệu quả nguồn vốn của Nhà nước, đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh trong công tác đấu thầu và quản lý thi công, từ đó nâng cao chất lượng công trình, thiết bị mua sắm và dịch vụ tư vấn.
Tuy nhiên, trong thời gian qua còn một số tồn tại như năng lực của một số Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án ở một số dự án còn hạn chế dẫn đến chất lượng trong công tác quản lý dự án chưa cao, ở một số dự án cục bộ có hiện tượng chất lượng và tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu.
Để tăng cường công tác quản lý dự án, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý dự án, đảm bảo thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ quán triệt và thực hiện tốt một số nội dung nhằm tăng cường công tác quản lý, thực hiện nhiệm vụ, công vụ liên quan đến hoạt động quản lý, thực hiện dự án, phòng ngừa, ngăn chặn tiêu cực.
Theo đó, các đơn vị được giao làm Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án sẽ phải nâng cao hơn nữa ý thức trách nhiệm trong việc quản lý dự án đảm bảo chất lượng, tiến độ và hiệu quả nguồn vốn đầu tư, ngăn chặn, loại bỏ cơ hội, điều kiện phát sinh tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động quản lý dự án đầu tư;….
Việc tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động về ý nghĩa, tầm quan trọng của phòng, chống tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý dự án phải là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, quan trọng cần được thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao; phân công, xác định rõ trách nhiệm đến từng cá nhân, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý
Về hành lang pháp lý, Bộ GTVT cũng yêu cầu các cơ quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc quản lý dự án đầu tư, tổ chức cán bộ, kế hoạch tài chính, đầu tư xây dựng cơ bản không còn phù hợp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, kiên quyết loại bỏ những khâu trung gian, những thủ tục rườm rà, chồng chéo, đặc biệt là những khe hở dễ gây ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác quản lý dự án.
Đối với công tác đấu thầu, Chỉ thị yêu cầu người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc chỉ đạo triển khai thực hiện lựa chọn nhà thầu qua mạng tại cơ quan, đơn vị và tại các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo đúng quy định. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư của các cơ quan, đơn vị để kịp thời chấn chỉnh, xử lý các tồn tại, vi phạm; quyết định xử lý hoặc báo cáo Bộ GTVT, cấp có thẩm quyền quyết định xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định;…
Đối với công tác quản lý, thực hiện hợp đồng, Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc xử lý nghiêm minh, kịp thời và công bố công khai thông tin nhà thầu, nhà đầu tư vi phạm hợp đồng, đặc biệt đối với các nhà thầu, nhà đầu tư không hoàn thành hợp đồng theo quy định để cơ quan quản lý nhà nước, các chủ đầu tư, bên mời thầu khác biết, sử dụng thông tin trong quá trình đánh giá, lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư. Nhà thầu không hoàn thành hợp đồng sẽ bị loại trong quá trình xét thầu theo quy định.
Đối với các dự án do Bộ GTVT quyết định đầu tư, Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, Nhà đầu tư, Doanh nghiệp dự án gửi thông tin nhà thầu không hoàn thành hợp đồng đến Trung tâm Công nghệ thông tin của Bộ GTVT để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GTVT.
Trong công tác quản lý dự án, Chỉ thị nghiêm cấm: Lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán, điều chỉnh thiết kế, dự toán, nghiệm thu công trình sử dụng vốn của Nhà nước trái với quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn dưới Luật; Lựa chọn nhà thầu không đủ điều kiện năng lực để thực hiện hoạt động xây dựng; Dàn xếp, thông đồng làm sai lệch kết quả lập dự án, khảo sát, thiết kế, dự toán, giám sát thi công, xây dựng công trình;…
Bộ GTVT cũng đề nghị mọi công dân, các nhà thầu khi phát hiện cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sách nhiễu, tiêu cực kịp thời báo ngay cho Bộ Giao thông vận tải (qua Thanh tra Bộ), số điện thoại đường dây nóng 024.39413313 hoặc số điện thoại của người có trách nhiệm trong công tác phòng, chống tham nhũng của các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông vận tải.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện