Dự án cầu Cao Lãnh đưa vào khai thác tháng 5/2018 góp phần giảm tải cho QL1, đồng thời hình thành một trục cao tốc phía Tây từ TP HCM đến Kiên Giang trong tương lai |
Năm 2018, Bộ GTVT hoàn thành và đưa vào khai thác 27 công trình, dự án giao thông với tổng mức đầu tư gần 70.000 tỷ đồng do Bộ GTVT làm chủ đầu tư.
Trong số này có nhiều dự án lớn như: Cầu Cao Lãnh, đường Hòa Lạc - Hòa Bình, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan, cầu Việt Trì - Ba Vì, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, dự án nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí,…
Bên cạnh các dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư còn có nhiều công trình lớn khác do các địa phương làm chủ đầu tư hoặc là cơ quan Nhà nước có thẩm quyền như: cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, CHK Vân Đồn cũng được hoàn thành, đưa vào khai thác tạo ra bước đột phá lớn về hạ tầng, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH đất nước.
Dự án giao thông lớn đầu tiên được khánh thành trong năm 2018 (tháng 5/2018) sau hơn 4 năm xây dựng là cầu Cao Lãnh, cây cầu thứ ba bắc qua sông Tiền nằm trên địa phận tỉnh Đồng Tháp. Với kết cấu cầu chính dài hơn 2km và phần đường nối khoảng 23,45km (tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng), dự án được đưa vào sử dụng không chỉ xóa cảnh đò ngang cách trở mà còn giảm tải cho tuyến QL1, hình thành nên một trục cao tốc phía Tây từ TP.HCM đến Kiên Giang trong tương lai. |
Thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến ngày 2/9/2018, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi dài 139km, được thiết kế với vận tốc 120km/h, tổng mức đầu tư lên tới 34.000 tỷ đồng rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng - Quảng Ngãi xuống còn khoảng 1 giờ, so với khoảng hơn 3 giờ khi lưu thông trên tuyến QL1. Đặc biệt, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn giảm tải rất lớn cho QL1 khi khu vực miền Trung xảy ra tình trạng mưa lũ, ngập lụt. |
Sau hơn 4 năm triển khai thi công, tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình (dài gần 26km) được xây dựng theo tiêu chuẩn tiền cao tốc, tổng mức đầu tư hơn 2.700 tỷ đồng khánh thành vào đầu tháng 10/2018, rút ngắn khoảng cách, thời gian, chi phí đi lại, “mở toang” cánh cửa để Hòa Bình và các tỉnh Tây Bắc thu hút đầu tư, phát triển KT-XH. |
Dự án BOT cầu Việt Trì - Ba Vì có tổng chiều dài 9,46km (TMĐT: 1.463 tỷ đồng), trong đó, phần cầu chính Việt Trì - Ba Vì vượt sông Hồng có chiều dài 1,55km, đường dẫn phía Phú Thọ dài 0,26km và đường dẫn phía Hà Nội khoảng 7,54km đã được khánh thành và đưa vào khai thác ngày 10//10/2018. Công trình đưa vào sử dụng rút ngắn quãng đường từ Thủ đô Hà Nội đến trung tâm TP.Việt Trì khoảng 20-30km, giảm ùn tắc và TNGT trên QL32, QL32C, góp phần đảm bảo nhu cầu đi lại ngày càng cao của người dân nơi dự án đi qua. |
Dự án cải tạo, nâng cấp QL18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí được hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2018 |
Cầu Bạch Đằng đưa vào khai thác góp phần hoàn chỉnh tuyến kết nối vùng kinh tế động lực phía Bắc (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh), nối liền TP.Hải Phòng với Quảng Ninh và rút ngắn quãng đường từ TP.Hạ Long đi Hà Nội từ 180km như xuống còn 130km với thời gian đi bằng ô tô giảm từ 3,5 tiếng đồng hồ xuống còn 1,5 tiếng. |
Tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn với tổng mức đầu tư khoảng 14.000 tỷ đồng thông xe kỹ thuật vào cuối năm 2018. Nhìn từ trên cao, tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đòn như một dải lụa uốn lượn xuyên qua các vùng núi rừng tuyệt đẹp. |
CHK quốc tế Vân Đồn khánh thành và đưa vào khai thác ngày 30/12/2018. Là sân bay cấp 4E (theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế - ICAO), sân bay quân sự cấp II, CHK quốc tế Vân Đồn là dự án 100% huy động từ vốn tư nhân, có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới. Mái vòm nhà ga sân bay Vân Đồn được thiết kế lấy cảm hứng từ những cánh buồm nâu no gió, xếp chồng lên nhau hướng ra biển lớn. |
Nguồn: baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện