Dù mới được mở rộng và nâng cấp nhưng nhiều đoạn tuyến trên QL1 đã bị ùn tắc khá thường xuyên (Trong ảnh: Xe nối xe lưu thông trên QL1 đoạn Diễn Châu - Quán Hành, ảnh chụp trưa 28/10) - Ảnh: Văn Thanh |
Tuy nhiên, với sự phát triển bùng nổ của các loại phương tiện vận tải, nhiều đoạn tuyến trên QL1 được dự báo sẽ quá tải trầm trọng vào năm 2020 nếu không có đường cao tốc song hành.
Phương tiện tăng vọt, QL1 sắp quá tải
Tuyến QL1 đoạn Thanh Hóa - Hà Tĩnh dài 315km là một trong những đoạn tuyến đầu tiên thuộc dự án nâng cấp, mở rộng QL1 được hoàn thành và đưa vào khai thác (tháng 1/2015). Tuy nhiên, chỉ hơn hai năm, tuyến QL1 qua 3 tỉnh Bắc Trung bộ đang có dấu hiệu quá tải, khi tình trạng ùn tắc giao thông thường xuyên xảy ra, nhất là các dịp cuối tuần, lễ, Tết. Ghi nhận của PV Báo Giao thông, những ngày cuối tuần qua trên địa bàn tỉnh Nghệ An luôn đông đặc xe, nhất là xe khách và xe tải. Đáng chú ý, số lượng xe tải trọng lớn như xe container, đầu kéo, xe 6 trục tự đổ luôn chiếm tỉ lệ từ 30 - 35% tổng phương tiện lưu thông.
Số liệu thống kê của Trạm thu giá BOT Hoàng Mai (Nghệ An) cho thấy, mật độ phương tiện lưu thông trên đoạn này trung bình từ 260.000 - 300.000 lượt/tháng. Trong đó, ô tô dưới 12 chỗ ngồi và xe tải dưới 2 tấn là 114.796 lượt/tháng, xe tải từ 10 tấn trở lên là 89.500 lượt/tháng... So với thời điểm trạm mới đi vào hoạt động tháng 5/2015, lưu lượng tại đây đã tăng 30%.
Theo Tờ trình của Chính phủ, tổng mức đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 khoảng 118.716 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn Trái phiếu Chính phủ và nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng. |
Ông Nguyễn Hồng Kỳ, Giám đốc Sở GTVT Nghệ An cho biết, QL1 sau khi nâng cấp mở rộng đã giải quyết được nhu cầu bức thiết về vận tải đường bộ, góp phần đẩy nhanh sự phát triển kinh tế của các tỉnh khu vực miền Trung. Nhiều doanh nghiệp đã tìm về góp vốn đầu tư các dự án tại Nghệ An. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, lượng phương tiện tại Nghệ An bất ngờ tăng đột biến, QL1 thường xuyên xảy ra ùn tắc.
“Hiện tại, hệ thống giao thông trục dọc ở Nghệ An mới chỉ có 2 tuyến chính là QL1 và đường Hồ Chí Minh nên lưu lượng phương tiện và hàng hóa rất lớn. Thực tế, khi tuyến QL1 bị tắc nghẽn, lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác phân luồng điều tiết giao thông, nếu không sớm đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam, chắc chắn QL1 sẽ lại rơi vào tình trạng quá tải, ùn tắc như trước đây”, ông Kỳ nói.
Tại khu vực phía Nam, tuyến QL1 qua tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai sau khoảng 2 năm cải tạo, nâng cấp và đưa vào khai thác cũng đang trở nên quá tải, và xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng. Trong 2 ngày cuối tháng 10, PV Báo Giao thông trực tiếp đi khảo sát thực tế trên tuyến QL1 đoạn từ ngã tư Dầu Giây - Phan Thiết và luôn có cảm giác bất an khi đoạn đường chỉ có hai làn xe và các loại ô tô, xe máy, phương tiện khác lưu thông hỗn hợp với nhau. Quan sát, cả hai chiều mật độ phương tiện dày đặc, hàng đoàn ô tô nối dài chạy chậm để né tránh nhau, đặc biệt là các đoạn đi qua Khu công nghiệp Dầu Giây, Long Khánh (Đồng Nai), Hàm Kiệm, Phan Thiết (Bình Thuận).
Anh Lê Văn Tới, tài xế xe khách tuyến TP.HCM - Bình Thuận nói: “Hiện, tuyến QL1 từ Đồng Nai đến Phan Thiết đang có dấu hiệu quá tải do mật độ phương tiện quá lớn, gần như ngày nào xe của chúng tôi cũng phải “bò” trên đường, nguy hiểm lúc nào cũng rình tập vì đường chỉ có hai làn xe. Chúng tôi mong Nhà nước sớm đầu tư cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết để các phương tiện đi lại thuận tiện, an toàn hơn”.
Theo ông Huỳnh Ngọc Thanh, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh Bình Thuận, 9 tháng đầu năm 2017, trên địa bàn xảy ra 355 vụ TNGT, làm 164 người chết và 276 người bị thương. Riêng tuyến QL1 vẫn là “điểm nóng” khi xảy ra 21 vụ, làm 92 người chết (chiếm trên 50%) và 69 người bị thương. Trong đó, có 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm chết 8 người và 23 người bị thương.
Kẹt xe trên QL1 đoạn qua Tiền Giang (Ảnh chụp tháng 2/2017) |
Cấp thiết đầu tư cao tốc, không thể chần chừ
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, theo nhu cầu phát triển của nền kinh tế, một số đoạn tuyến trên cao tốc Bắc - Nam cần phải hoàn thành đầu tư trước năm 2020, nhưng do nguồn vốn Nhà nước khó khăn nên chưa thể đầu tư các đoạn này. “Khi triển khai mở rộng QL1, đặc biệt các đoạn Ninh Bình - Bãi Vọt, Nha Trang - Phan Thiết đã xác định chỉ đáp ứng được nhu cầu vận tải giai đoạn trước mắt và phải xây dựng tuyến đường cao tốc song hành, đặc biệt đoạn Phan Thiết - Dầu Giây khi chỉ mới được cải tạo, nâng cấp với quy mô hai làn xe”, ông Sơn nói.
Cũng theo ông Sơn, hiện nay, các đoạn tuyến trên QL1 đã được đầu tư mở rộng 4 làn xe, năng lực có thể đáp ứng được nhu cầu vận tải đến khoảng 35.000 xe con quy đổi/ngày đêm. Tuy nhiên, qua nghiên cứu, đến khoảng năm 2020 nhu cầu vận tải trên các đoạn Nam Định - Hà Tĩnh, Quảng Trị - Thừa Thiên - Huế, Đồng Nai - Khánh Hòa đạt khoảng 42.100 xe con quy đổi/ngày đêm. Năm 2025, nhu cầu vận tải trên các đoạn Hà Tĩnh - Quảng Trị, đoạn Thừa Thiên - Huế - Đà Nẵng, Quảng Ngãi - Khánh Hòa đạt khoảng 37.000 xe con quy đổi/ngày đêm.
“Nếu không xây dựng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam song hành để phân lưu, chỉ trong thời gian ngắn nữa, nhiều đoạn tuyến trên QL1 sẽ quá tải khi năng lực không thể đáp ứng nhu cầu vận tải và tình trạng ùn tắc sẽ thường xuyên xảy ra”, ông Sơn phân tích.
Căn cứ vào nhu cầu vận tải, trong Tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp đang diễn ra, Chính phủ đã đưa ra lộ trình từ 2017-2020 ưu tiên đầu tư và đưa vào khai thác 654km (tổng mức đầu tư 118.716 tỷ đồng), gồm các đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.
“Việc lựa chọn các đoạn tuyến ưu tiên đầu tư trước trong giai đoạn 2017-2020 căn cứ trên nhu cầu vận tải và quy hoạch được phê duyệt để đảm bảo hiệu quả đầu tư và khả năng cân đối nguồn lực, không phân biệt yếu tố vùng miền”, ông Sơn nói thêm.
Trước đề xuất của Chính phủ, trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN nói: “Tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương đưa ra lộ trình ưu tiên đầu tư trước 654km trong giai đoạn 2017-2020 như đề xuất của Chính phủ. Bởi, các đoạn tuyến Cao Bồ - Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang - Dầu Giây và cầu Mỹ Thuận 2 cần phải đầu tư ngay vì lưu lượng vận tải trên tuyến QL1 qua các khu vực này đang rất lớn và năng lực của tuyến đường sắp quá tải”.
Theo ông Thanh, việc đầu tư xây dựng các đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phải được tiến hành khẩn trương, không thể chần chừ, nếu không đến năm 2020 chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông lại diễn ra liên miên trên QL1. “Với tốc độ phát triển bùng nổ của các phương tiện vận tải hiện nay, chúng ta phải làm cao tốc Bắc - Nam thật khẩn trương”, ông Thanh chia sẻ.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện