Vì sao đề xuất di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm?

Thứ ba - 18/04/2017 13:00. Xem: 81
Chủ tịch UBND quận Long Biên vừa bất ngờ đề xuất thành phố sớm di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm.      

 

1

Bên trong các nhà xưởng, công nhân đang hoàn thiện các toa tàu hàng, tàu khách theo đặt hàng của Tổng công ty Đường sắt VN - Ảnh: Huy Lộc

Tại buổi làm việc của Thường trực Thành ủy Hà Nội với quận Long Biên ngày 11/4, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Long Biên Vũ Thu Hà đã bất ngờ đề xuất thành phố sớm di dời Nhà máy xe lửa Gia Lâm. Vì sao một cơ sở công nghiệp đường sắt với trên 100 tuổi, mắt xích quan trọng vận hành, duy trì và phát triển hệ thống đường sắt quốc gia lại phải di dời? Phải chăng đề xuất trên nhằm thôn tính “khu đất vàng” trung tâm quận Long Biên?

Kỳ 1: Sự thật về “nhà máy bỏ hoang, ô nhiễm môi trường”

Cái tên Xe lửa Gia Lâm có thể quen thuộc nhưng ít ai biết rằng, đây còn là cơ sở công nghiệp đường sắt do Nhà nước quản lý duy nhất phía Bắc hiện nay (phía Nam là Xe lửa Dĩ An, ngoài ra còn có Công ty CP toa xe Hải Phòng sau thoái vốn do tư nhân sở hữu), là mắt xích quan trọng để vận hành, duy trì và phát triển hệ thống đường sắt quốc gia. Lý do Nhà máy Xe lửa Gia Lâm được đặt tại vị trí này cũng nằm trong tầm nhìn, chiến lược phát triển KT-XH của đất nước.

Cơ sở công nghiệp đường sắt duy nhất phía Bắc

Chiều 17/4, để tìm hiểu rõ hơn về thực trạng của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, PV Báo Giao thông trực tiếp có mặt tại trụ sở nhà máy số 551 Nguyễn Văn Cừ (Long Biên, Hà Nội). Ghi nhận của PV, bên ngoài nhà máy là một khuôn viên rộng rãi, với hệ thống đường giao thông nội bộ rộng rãi, có cống ngầm, hồ điều hòa hàng chục nghìn mét vuông, nơi các toa tàu đợi vào xưởng sửa chữa xen lẫn các mảng cây xanh tạo nên cảm giác thoáng đãng. Bên trong các nhà xưởng, công nhân đang làm việc và hoàn thiện các toa tàu hàng, tàu khách theo đơn đặt hàng của Tổng công ty Đường sắt VN.


Trước thông tin cho rằng, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm gây ô nhiễm môi trường, bà Đặng Thị Mai Hương, Phó phòng Hành chính phụ trách công tác môi trường của Công ty CP Xe lửa Gia Lâm khẳng định, đơn vị chấp hành nghiêm các quy định về xử lý chất thải. Trong đó, mỗi năm 4 lần đơn vị thực hiện quan trắc môi trường, kiểm soát chất lượng nước thải và các chỉ số môi trường đều đảm bảo.

Chia sẻ với PV, ông Lê Văn Đạo, Trưởng phòng Hành chính Công ty CP xe lửa Gia Lâm (tiền thân là Nhà máy Xe lửa Gia Lâm) cho biết, từ đầu năm 2017, các xưởng sản xuất của nhà máy làm không hết việc, phải làm thêm cả ngày nghỉ, ngày lễ để kịp bàn giao đầu máy, toa xe theo đơn hàng. Thế nhưng, khoảng chục ngày gần đây, khi có thông tin trên báo chí về việc UBND quận Long Biên đề xuất di dời nhà máy đi nơi khác vì lý do “gây ô nhiễm môi trường”, người lao động ở các phân xưởng bàn tán xôn xao, tư tưởng phân tán. Nhiều người gắn bó cả đời với nhà máy, về hưu đã lâu, nghe thông tin cũng đạp xe đến hỏi.

“Chúng tôi cũng chỉ có thể thông tin lại cho người lao động biết đây chỉ là đề xuất của quận, không phải chủ trương của cấp thẩm quyền, để động viên người lao động yên tâm làm việc”, ông Đạo nói và cho biết, Nhà máy Xe lửa Gia Lâm hình thành từ 112 năm nay, chỉ mới chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 2/2016, do Tổng công ty Đường sắt VN nắm giữ 77,37% vốn điều lệ.

 
 
 

PV cũng ghi nhận, bên trong khuôn viên của nhà máy rộng hơn 20,3ha này là một hệ thống cơ sở hạ tầng đã được Ba Lan hỗ trợ đầu tư đồng bộ, được thiết kế theo đặc thù của đường sắt để đáp ứng công suất tối đa là đóng mới gần 1.200 toa xe, sửa chữa hơn 120 đầu máy và 600 toa xe/năm. Kết cấu chính của cơ sở công nghiệp này gồm: Gần 5km đường ray khổ 1m và 1,435m dẫn vào các nhà xưởng, nối thẳng với ga Gia Lâm và hòa vào hệ thống đường sắt quốc gia, 6 xưởng sản xuất và khu nhà điều hành, kho chứa vật liệu, nhà nghỉ giữa ca, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp, 10 trạm cung cấp điện, đường giao thông nội bộ, hồ điều hòa lớn kết hợp phục vụ chữa cháy, khuôn viên cây xanh, sân thể thao...

Nhà máy được xây dựng ở vị trí mà Pháp đã đặt nền móng từ những ngày xây dựng đường sắt đầu tiên, rất phù hợp với mạng lưới đường sắt VN. Gia Lâm là đầu mối phía Bắc sông Hồng các tuyến đường sắt từ Hà Nội đi Lào Cai, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Hạ Long và từ Gia Lâm vào trung tâm thành phố, đi tuyến phía Nam. Hệ thống nhà xưởng, các công trình phụ trợ mà Ba Lan xây dựng hồi đó đã đạt được những tiến bộ kĩ thuật hoàn chỉnh, làm được cả đầu máy, toa xe. Điều đặc biệt là trong nhà máy có hệ thống đường sắt khổ 1,435m, từ nhà máy, toa xe có thể chạy ra ga Gia Lâm, sang Bắc Kinh, châu Âu. Trong nhà máy có các đường sắt chuyên chứa toa xe của các đơn vị vận tải trong khi chờ sửa chữa hoặc chờ thanh lý.

GS.TSKH. Lã Ngọc Khuê, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: “Nhà máy Xe lửa Gia Lâm có ý nghĩa lịch sử lâu đời, từ thời kỳ Pháp xây dựng đến khi chúng ta tiếp quản, thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và sau này luôn là cơ sở công nghiệp hàng đầu, sản xuất ra nhiều đầu máy, toa xe, cầu phao xe lửa. Những năm 1980, Ba Lan đã viện trợ xây dựng nhà máy một cách đồng bộ, bao gồm cả những phân xưởng tạo phôi, rèn, đúc, gia công cơ khí chính xác, lắp ráp trục bánh, sản xuất toa xe”.

Cũng theo GS. Khuê, nhà máy này đã đóng được cả giá chuyển hướng (bộ phận chạy của toa xe) và thân toa xe, gần như là đồng bộ; chế tạo thành công đoàn tàu kéo đẩy và dự án lắp ráp đầu máy Đổi mới với công suất 1.900 mã lực, có giá thành trên dưới 1 triệu USD, mà nếu đi mua nguyên chiếc không dưới 2 triệu USD.

2

Một khu vực tập kết toa xe để chờ đưa vào xưởng sửa chữa

Phía sau vẻ đìu hiu

Dù là một cơ sở đầu mối công nghiệp đường sắt của phía Bắc, nhưng bước vào thời kỳ đổi mới, hoạt động sản xuất của Nhà máy Xe lửa Gia Lâm phụ thuộc nhiều vào nhu cầu phương tiện của ngành Đường sắt. Ông Đạo cho biết, những năm 1980, có gần 3.000 người làm việc tại Nhà máy Xe lửa Gia Lâm, nhưng bước sang thập kỷ 90 của thế kỷ XX, khi việc làm ít đi thì nhân lực giảm mạnh, đến nay đơn vị còn chỉ gần 300 người.

Trong vài năm gần đây, do nhu cầu phương tiện của ngành Đường sắt thấp nên hoạt động sửa chữa, đóng mới của nhà máy cũng cầm chừng, chỉ bằng khoảng 10% công suất thiết kế. Thực tế, đất rộng nhưng sản xuất ít dẫn đến dư luận đánh giá khu “đất vàng” này đang bị để hoang hóa hoặc sử dụng không đúng mục đích.

“Khoảng vài năm trước có cho thuê, nhưng hiện không có vị trí nào còn cho thuê nữa. Hiện, toàn bộ khu đất được dùng chung cho Công ty CP Xe lửa Gia Lâm và Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội”, ông Đạo nói.

Một nguyên lãnh đạo Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (xin giấu tên) cho biết, để có được cơ sở công nghiệp đường sắt có đường sắt khổ 1,435m kết nối đường sắt quốc tế không phải dễ. Hơn nữa, Ba Lan đã xây dựng nhà máy với hệ thống cần trục đến hàng trăm tấn, hệ thống nhà xưởng đồng bộ. Nếu không có con mắt chuyên môn nhìn vào, thấy nhiều đất có vẻ hoang hóa nhưng thực tế giá trị hệ thống nhà xưởng, thiết bị vẫn rất lớn. Ngoài ra, trên đất là hệ thống đường sắt kết nối với đường sắt quốc gia nên vẫn còn giá trị sử dụng lớn.

Nguồn: baogiaothong.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây