Nhưng đến nay, việc thực hiện quy định này vẫn đang gặp nhiều ý kiến trái chiều, kể cả từ chính lực lượng chức năng.
Sợ thừa…
Cả nước hiện có 13 tuyến cao tốc, tổng chiều dài 745km; 8 đoạn tuyến đang xây dựng dài 472km; theo kế hoạch còn phải xây dựng thêm 21 tuyến khác với tổng chiều dài 6.411km. Nhưng dường như những năm qua, các nhà đầu tư mới chỉ chú trọng vào việc làm đường mà bỏ quên một số hạng mục có vai trò quan trọng đối với việc vận hành cao tốc, đó là các trạm cấp cứu, tiếp vận và dừng nghỉ.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hùng
|
Giới chuyên gia cho rằng, thực tế này bắt nguồn từ chính tầm nhìn chiến lược còn hạn chế của cơ quan chức năng. Tại Thông tư số 49/2016/TT-BYT ban hành tháng 12/2016 của Bộ Y tế quy định, hoạt động cấp cứu TNGT phải bảo đảm nguyên tắc nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả để cấp cứu và vận chuyển kịp thời nạn nhân đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất…, tối thiểu 50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu. Nhưng theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Nguyễn Trọng Khoa, một số ý kiến hiện đang “hiểu lầm” về quy định lập trạm cấp cứu trên đường cao tốc: “Không phải cứ 50km là phải lập mới trạm cấp cứu trên đường cao tốc, mà các trạm cấp cứu này được lồng ghép với các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện, xã, nơi đường cao tốc chạy qua”. Phân tích rõ hơn, ông Khoa cho rằng, cả tháng, cả năm mới xảy ra vài vụ cấp cứu tai nạn, nếu lập mới trạm cấp cứu trên đường cao tốc sẽ đầu tư nhiều kinh phí xây dựng, chưa kể nếu thời điểm không xảy ra tai nạn, nhân lực y tế tại trạm cấp cứu sẽ “ngồi chơi xơi nước”, như vậy sẽ lãng phí nhân lực, vật lực mà hiệu quả thu được không cao.
… Nhưng thực tế lại thiếu
Trên thực tế, các tuyến cao tốc hiện không chỉ thiếu trạm cấp cứu, mà còn thiếu cả năng lực cứu nạn, cứu hộ TNGT. Đại diện Công ty TNHH MTV Vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) cho biết, quy định thì hợp lý; nhưng bất cập ở chỗ, theo Thông tư 49 của Bộ Y tế, các trạm cứu hộ y tế phải lồng ghép với trạm y tế cấp xã, phường trở lên. Nhưng hiện nay, các trạm y tế xã, phường không có xe cứu thương; chỉ trung tâm cứu thương 115 các tỉnh, TP và bệnh viện mới có, mà phương tiện cơ giới này lại có ý nghĩa sống còn với nạn nhân TNGT. Chính Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê cũng thừa nhận, khi xảy ra tai nạn trên cao tốc, hầu hết nạn nhân không được sơ cứu, cấp cứu, điều trị kịp thời, chưa kể quãng đường di chuyển từ nơi xảy ra tai nạn tới các cơ sở y tế thường xa, ảnh hưởng tới việc điều trị thành công của bệnh nhân.
Một đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ qua địa bàn huyện Thường Tín, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
|
Mặt khác, chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga đặt câu hỏi: “Thường các vụ tai nạn trên cao tốc đều rất nghiêm trọng, mức độ thương vong cao và phức tạp, đòi hỏi đội ngũ cứu hộ y tế phải có kinh nghiệm, được trang bị tốt, thậm chí là phải được đào tạo chuyên biệt. Liệu các trạm y tế xã, phường hiện nay có đáp ứng được các tiêu chí ấy?”. Bên cạnh đó, vấn đề chi phí hoạt động cho các trạm cấp cứu cũng cần được làm rõ. Đại diện VEC O&M thông tin: “Trước đây, VEC O&M phải thuê trung tâm 115 tại các tỉnh, TP có đường cao tốc đi qua trực 24/24 giờ với giá 25 triệu đồng/tháng. Nhưng nay theo Thông tư của Bộ Y tế thì phần này sẽ do người bệnh chi trả”. Nếu theo cách tính này thì khó lòng duy trì được các trạm cấp cứu độc lập, bởi nguồn thu từ các nạn nhân sẽ không liên tục, thiếu ổn định, không đảm bảo kinh phí duy trì hoạt động. Ông Nga nhìn nhận: “Quy định cứ 50km đường bộ cao tốc phải có một trạm cấp cứu là cực kỳ cần thiết và quan trọng, nhưng nếu không có những giải pháp thiết thực mở hướng ra thì mô hình này sẽ chỉ mang tính hình thức, không đáp ứng được mục tiêu đề ra”.
Đầu tháng 3 vừa qua, các địa phương có đường cao tốc đi qua đã cung cấp danh sách các trạm phục vụ cấp cứu TNGT trên cao tốc theo quy định, nhưng hầu hết vẫn chỉ là trạm y tế cấp xã, phường.
Giám đốc VEC O&M Uông Đình Hòa
|
Nguồn: http://kinhtedothi.vn