Một sự kiện rất được chú ý trong tuần trước, đó là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã chủ trì, mời hai Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải tới tham dự một cuộc họp bàn về việc xây dựng tuyến đường bộ ven biển từ Quảng Ninh, qua Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và tới Thanh Hóa, dài 550 km. Lãnh đạo cả 6 tỉnh nói trên, bao gồm Bí thư và Chủ tịch tỉnh đều tham dự rất đông đủ tại cuộc họp này.
Và một điều rất thú vị, đó là hầu như tất cả đại biểu tham dự cuộc họp ấy đều cảm nhận một không khí rất… mới. Mới không hẳn chỉ vì, như Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Văn Thành nói, đây là cuộc họp đầu tiên có tới 3 vị Bộ trưởng chủ trì để bàn về việc xây dựng một tuyến đường, dù trước đó lãnh đạo các địa phương đã không ít lần ngồi với nhau.
Tuyến đường ven biển sẽ góp phần quan trọng phát huy hiệu quả các dự án hạ tầng lớn, trong đó có Cảng Lạch Huyện |
Mới đến mức Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Trương Quang Nghĩa khẳng định, đây là một cách làm mới, có ý nghĩa thiết thực để các bộ, ngành, địa phương thống nhất hành động, còn Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gọi đây là một “sự kiện lịch sử” với liên kết vùng. Quan trọng hơn là một tư duy phát triển mới, dựa trên lợi ích toàn vùng - thông qua cuộc họp này - đã được thống nhất cao độ.
Trước cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng không khỏi băn khoăn, khi mà tuyến đường bộ ven biển dù đã được quy hoạch xây dựng từ năm 2010 và cũng đã được Chính phủ thông qua chủ trương xây dựng vào giữa tháng 6/2015, nhưng cho tới nay, vẫn chưa thể triển khai được. Vấn đề không hẳn chỉ nằm ở nguồn lực hạn hẹp, xác định cơ chế triển khai như thế nào, mà là mỗi tỉnh lại có một nhu cầu khác nhau.
Ngoài Quảng Ninh, Hải Phòng gần như không có mấy vướng mắc, thì trong khi Nam Định muốn ưu tiên làm đường cao tốc; Thái Bình, Ninh Bình và Thanh Hóa lại muốn tập trung cho đường ven biển. Lý do là, hiện một số đoạn tuyến thuộc tuyến đường ven biển này lại song song hoặc trùng với tuyến đường cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh đã được phê duyệt tại Quy hoạch Phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến 2030. Do nguồn lực hạn chế, mỗi địa phương lại có những ưu tiên khác nhau, nên nơi muốn làm đường cao tốc, nơi muốn phát triển đường ven biển.
Không khó để hiểu vì sao mỗi tỉnh lại có nhu cầu khác nhau. Bởi như với Thanh Hóa, địa phương này đương nhiên muốn làm đường ven biển để phát triển du lịch. Và tỉnh này cũng muốn đầu tư cả đường cao tốc, bởi chỉ cuối năm nay, khi Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động, giao thông sẽ dễ bị tắc nghẽn nếu không kịp thời được đầu tư đồng bộ.
Câu chuyện nằm ở chỗ, nếu địa phương nào cũng cứ tùy nhu cầu của mình, nguồn lực của mình để mạnh ai nấy làm, tuyến đường sẽ bị “chặt khúc”, không kết nối được với nhau và như thế, không thể nói chuyện liên kết vùng, càng không thể khai thác lợi thế của mỗi tỉnh.
Cả 6 tỉnh này, bao gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa, đều là các địa phương năng động, rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển, nhưng chưa kết nối được với nhau. Nếu không có tuyến đường này thì tiềm năng ở các khu vực ven biển của các địa phương vẫn mãi chỉ là tiềm năng. Có tuyến đường này, những công trình hạ tầng lớn, cửa ngõ của đất nước như Cảng Lạch Huyện, Sân bay Cát Bi của Hải Phòng… sẽ phát huy hiệu quả. Có tuyến đường này, khu vực Hà Nội sẽ được giảm tải. Có tuyến đường này, Thanh Hóa không còn phải lo tắc nghẽn khi các dự án quy mô lớn đi vào hoạt động…
Bởi thế, cũng ngay từ đầu cuộc họp, quan điểm của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã rất rõ ràng: tất cả phải vì lợi ích toàn vùng, vì sự phát triển của toàn tuyến đường, phải làm sao đấu nối được với nhau, đồng bộ với nhau thì mới phát huy hiệu quả, chứ không thể vì lợi ích cục bộ của địa phương, mỗi nơi làm một kiểu.
Một điều vô cùng quan trọng khác đã được Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh và nhận được sự đồng thuận rất lớn từ các Bộ trưởng và lãnh đạo các địa phương. Đó là nếu cần thiết, phải thay đổi kể cả về tầm nhìn, tư duy phát triển.
Trước đây, tư duy cũ là dựa vào nguồn lực hiện tại để xây dựng quy hoạch hệ thống giao thông, nên có thể không đồng bộ, thiếu kết nối. Ví như, với quy hoạch tuyến đường ven biển, do nguồn lực hạn chế, đã phải xác định rằng, đó không phải là tuyến đường liên tục tại các cửa sông lớn. Nhưng đó là cách làm cũ, tư duy phát triển cũ, theo kiểu tiền có đến đâu, tư duy phát triển đến đó.
Và quyết định cuối cùng đã được đưa ra, dựa trên một cái nhìn toàn cục, một tư duy phát triển mới, vì lợi ích của toàn vùng. Đó là sẵn sàng để Nam Định làm “chủ đầu tư” do dự án đường bộ chạy qua cả Thái Bình và Ninh Bình. Thái Bình vẫn làm thêm cả đường ven biển. Thanh Hóa cũng tương tự, phát triển cả cao tốc và đường ven biển. Và thêm cả việc tính toán làm đường kết nối các tuyến đường cao tốc với ven biển, sao cho tạo sự thống nhất và đồng bộ trong toàn tuyến.
Quan trọng là thống nhất được tư duy và hành động. Còn nguồn lực, như Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, ngân sách đã sẵn sàng một khoản để hỗ trợ các địa phương. Còn lại, huy động từ xã hội, bằng cơ chế đối tác công - tư (PPP), hoặc BOT, BT… Mục tiêu cuối cùng là hoàn thành tuyến đường trước năm 2020, để thúc đẩy liên kết vùng và phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.
Mọi chuyện mới chỉ bắt đầu, để triển khai được toàn dự án, còn rất nhiều việc phải làm. Nhưng quan trọng nhất là thống nhất được tư duy, rằng tất cả phải vì lợi ích toàn vùng và vì sự phát triển ở tầm nhìn dài hạn. Đấy mới là điều quan trọng nhất để thúc đẩy liên kết vùng. Và lần này, với vai trò là người khởi xướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đặt nền tảng đầu tiên cho việc giải bài toán liên kết vùng, mà từ rất lâu chúng ta đặt ra mà chưa giải được!
Nguồn: http://baodautu.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện