Công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư của Bộ GTVT không chỉ tập trung ở lĩnh vực đường bộ mà còn ở các lĩnh vực khác: Hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không (Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng) - Ảnh: Tạ Tôn |
Trao đổi với Báo Giao thông trước Hội nghị giao ban quý I, triển khai nhiệm vụ quý II/2017 của Bộ GTVT tổ chức sáng nay (5/4), Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT đã và đang xây dựng cơ chế nhằm đẩy mạnh công tác hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, nhiều chính sách sẽ giúp nhà đầu tư trong và ngoài nước giảm thiểu rủi ro.
Xây dựng cụ thể lộ trình kêu gọi đầu tư giai đoạn đến năm 2020
Với khẩu hiệu hành động: “Phát huy truyền thống “đi trước mở đường”, tăng cường kỷ cương, đề cao trách nhiệm, thi đua sáng tạo, quyết liệt hành động vì lợi ích của người dân và cộng đồng doanh nghiệp”, xin Thứ trưởng chia sẻ những kết quả nổi bật của ngành GTVT trong quý đầu năm 2017?
Năm 2017 là năm đầu thực hiện kế hoạch 5 năm (2016 - 2021), Bộ GTVT đã tập trung xây dựng chương trình, kế hoạch cho toàn khóa với tinh thần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách trên tất cả lĩnh vực. Cụ thể, Bộ GTVT đã xây dựng các cơ chế để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tham gia đầu tư vào hạ tầng giao thông và các chính sách nhằm giải quyết tốt nhất các vấn đề vận tải, tăng cường kết nối các loại hình vận tải. Đồng thời, Bộ GTVT cũng tiến hành xây dựng cơ chế thông thoáng để việc kết nối giữa người dân, doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước của Bộ GTVT được thuận lợi hơn thông qua các website và các cuộc đối thoại trực tiếp.
"Bộ GTVT sẽ kiên quyết xử lý những doanh nghiệp không tuân thủ các quy định trong kinh doanh vận tải, đặc biệt là vận tải hành khách, trong đó có thể xử lý ở mức nặng là rút giấy phép của doanh nghiệp”. Thứ trưởng |
Trong quý I/2017, Bộ GTVT tiếp tục hoàn thiện Luật Đường sắt (sửa đổi) để Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV thông qua vào Kỳ họp thứ 3. Bên cạnh đó, Bộ GTVT tiến hành tổng kết Luật GTĐB để chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi luật này và tiếp tục triển khai các cơ chế thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP) cho tuyến cao tốc Bắc - Nam, đường ven biển và các dự án hạ tầng khác.
Ba tháng đầu năm 2017, Bộ GTVT tăng cường đẩy mạnh công tác sắp xếp, đổi mới các doanh nghiệp theo hướng những doanh nghiệp nào đã cổ phần hóa thì tiếp tục thoái vốn và chuyển phần vốn Nhà nước còn lại tại doanh nghiệp sau cổ phần hóa về SCIC quản lý. Đối với những doanh nghiệp khác, Bộ GTVT tiếp tục xây dựng phương án cổ phần hóa trong năm 2017, đồng thời, đưa ra các giải pháp mạnh để sắp xếp các doanh nghiệp này, điển hình như: Tổng công ty Hàng hải VN, Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy… Liên quan đến các doanh nghiệp sự nghiệp, Bộ GTVT cũng đang xây dựng chương trình, đề án để tiến hành cổ phần hóa khi điều kiện cho phép.
Riêng lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, trong quý I/2017, Bộ GTVT tập trung tăng cường giải ngân vốn xây dựng cơ bản, nhất là nguồn vốn dư của dự án nâng cấp, mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. Cùng đó, Bộ GTVT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua danh mục vốn trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, làm tiền đề để bứt phá đầu tư hạ tầng vào những năm tiếp theo. Bộ GTVT cũng đang đẩy mạnh công tác quyết toán các dự án BOT hoàn thành để xác định giá trị thực tế đầu tư và thời gian thu phí của các dự án.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường |
Tại buổi làm việc với Bộ GTVT mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT triển khai 9 vấn đề nóng, trong đó có tháo gỡ thể chế, chính sách để đẩy mạnh công tác thu hút nguồn vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông theo hình thức xã hội hóa. Việc này được Bộ GTVT thực hiện thế nào, thưa Thứ trưởng?
Bộ GTVT đã xây dựng kế hoạch trung hạn giai đoạn (2016 - 2020) rất rõ ràng, cụ thể. Theo đó, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành GTVT từ nay đến năm 2020 cần khoảng 1 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, dự kiến số vốn ngân sách Nhà nước mà bộ được phân bổ giai đoạn 2016 - 2020 là 188.200 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được khoảng 31% tổng nhu cầu. Do vậy, khoảng gần 70% số vốn còn lại, Bộ GTVT sẽ phải tập trung kêu gọi vốn đầu tư bằng nguồn xã hội hóa của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Để thực hiện mục tiêu này, Bộ GTVT đã xây dựng các cơ chế nhằm đẩy mạnh công tác hút vốn đầu tư vào các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, Bộ GTVT đưa ra danh mục các dự án để kêu gọi đầu tư một cách chi tiết, kèm theo cơ chế nhằm giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đồng thời, Bộ GTVT cũng xây dựng các chính sách tăng cường hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án theo Nghị định 15 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức PPP. Đặc biệt, Bộ GTVT đã xây dựng lộ trình để kêu gọi đầu tư trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 và đang trình Chính phủ để thông qua trong quý II/2017.
Tôi nói thêm, thời gian tới, công tác kêu gọi xã hội hóa đầu tư của Bộ GTVT không chỉ tập trung ở lĩnh vực đường bộ, mà còn ở các lĩnh vực: Hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng không. Bên cạnh đó, Bộ GTVT sẽ xây dựng cơ chế để chuyển nhượng các dự án hạ tầng, đặc biệt là các dự án đã đầu tư để có thêm nguồn lực thu hút đầu tư.