Với mong muốn không ngừng cung cấp cho khách hàng những dịch vụ chất lượng tốt nhất, VEC đã đưa vào khai thác Trung tâm Quản lý điều hành giao thông (ITS) đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát tình hình giao thông trên tuyến; xử lý kịp thời các sự cố giao thông; giám sát hoạt động và bảo trì các loại thiết bị lắp đặt dọc tuyến trong điều kiện làm việc tốt nhất, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông an toàn, thuận tiện, góp phần tối đa hóa hiệu quả đầu tư của Dự án.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông
cùng Lãnh đạo các cơ quan liên quan thực hiện nghi thức khai trương Trung tâm ITS
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa chúc mừng và đánh giá cao việc đưa Trung tâm ITS đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây vào hoạt động. Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Khoa học công nghệ nghiên cứu kiến nghị của VEC tăng camera giám sát, kiểm soát các phương tiện vi phạm trên cao tốc. Đồng thời, nghiên cứu sử dụng thẻ thu phí tự động áp dụng cho nhiều tuyến đường cao tốc trên cả nước, nhằm tạo điều kiện cho người tham gia giao thông sử dụng hệ thống thu phí tự động được thuận tiện hơn.
Ông Đỗ Chí Chung – Chánh Văn phòng VEC cho biết, Trung tâm ITS, hệ thống thu phí, hệ thống giám sát, thông tin liên lạc (ITS) thuộc Gói thầu số 4 - Dự án xây dựng đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây. Gói thầu sử dụng nguồn vốn JICA, là một trong những hạng mục công trình ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại, đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao của đơn vị thi công, đơn vị tư vấn và đội ngũ nhân lực khai thác. Hợp đồng theo hình thức EPC, giá trị 852,516 tỷ VNĐ (không bao gồm VAT và dự phòng phí), do Liên doanh Nippon Koei – KRI – HAFICO – MKE thiết kế, Liên doanh Nhà thầu Toshiba – Hitachi – Itochu xây lắp, Liên doanh Nippon Koei – Tedi South tư vấn giám sát. Thời gian thi công từ tháng 5/2015, kết thúc theo hợp đồng 18/5/2017.
Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa nhấn nút chính thức
vận hành Trung tâm ITS trên cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Hệ thống ITS gồm các thiết bị với chức năng: Hệ thống camera được lắp đặt dọc tuyến với số lượng 16 camera giám sát (CCTV) và 54 camera thăm dò phương tiện (VDS) giúp nhân viên giám sát nhận biết mật độ phương tiện đang lưu thông trên tuyến, nhanh chóng phát hiện các sự việc, sự cố giao thông xảy ra trên tuyến một cách chính xác. Toàn bộ dữ liệu hình ảnh, video trên tuyến được truyền về Trung tâm điều hành ITS (đặt tại Km6+300 thuộc phường Phú Hữu, Quận 9, TP. Hồ Chí Minh) và được nhân viên trực, theo dõi và xử lý 24/24h. Qua đó chủ động và nâng cao công tác phối hợp với các cơ quan chức năng, công an địa phương, lực lượng cảnh sát giao thông, cứu hộ giao thông, cứu hộ y tế... trong công tác xử lý vi phạm giao thông, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc.
Hệ thống thông tin liên lạc không dây, liên lạc nội bộ, giúp cho việc trao đổi thông tin, phối hợp hành động giữa các đơn vị liên quan một cách nhanh chóng và hiệu quả. Hệ thống bảng thông tin điện tử (VMS) cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về điều kiện của tuyến đường, thông tin thời tiết và tình trạng lưu thông trên đường cao tốc, hỗ trợ người tham gia giao thông nắm bắt được đầy đủ thông tin trên tuyến, từ đó làm chủ tốc độ khi lưu thông qua đoạn đường có sự cố xảy ra, thời tiết xấu.
Hệ thống cung cấp cho khách hàng thông tin về tình hình giao thông trên tuyến qua hình thức Intranet. Khách hàng sẽ nhận biết tình hình giao thông qua 2 màn hình khổ lớn được lắp đặt tại Trạm dịch vụ Km41+100, qua đó chọn lựa lộ trình di chuyển thích hợp. Hệ thống trạm cân được lắp đặt trước các Trạm thu phí Long Phước, Trạm thu phí Quốc lộ 51 và Trạm thu phí Dầu Giây sẽ kiểm soát tải trọng tất cả các phương tiện trước khi lưu thông vào đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, nhằm phát hiện, cảnh báo và từ chối phục vụ các phương tiện quá tải vào đường cao tốc, góp phần bảo vệ sự bền vững kết cấu hạ tầng đường cao tốc, tăng cường an toàn giao thông, nâng cao hiệu quả khai thác tuyến đường. Đồng thời, hệ thống ITS cũng cung cấp đầy đủ hình ảnh, thông tin các trường hợp vi phạm cho lực lượng chức năng xử lý, xử phạt...
Hệ thống thu phí kín sử dụng công nghệ RFID (33 cửa) thực hiện theo cơ chế tự động nhận dạng biển số xe bằng camera, tự động phân loại xe bằng hồng ngoại kết hợp vòng từ và camera kiểm soát tại tất cả các làn ra vào đường cao tốc.
Tất cả các phương tiện khi vào đường cao tốc đều được nhận dạng, mã hóa các dữ liệu liên quan như thời gian vào, tên trạm vào, biển kiểm soát, loại xe… lưu trên thẻ kiểm soát RFID (một loại thẻ lưu dữ liệu bằng chip nhớ và dữ liệu này có thể trao đổi với máy tính bằng sóng radio thông qua các thiết bị đọc) và phát cho chủ phương tiện. Trước khi phương tiện đi ra đường cao tốc, lái xe sẽ trả thẻ kiểm soát cho nhân viên thu phí, đồng thời các thiết bị đọc sẽ đọc các dữ liệu trên thẻ và máy tính sẽ tự động tính toán đưa ra mức phí phải trả dựa trên loại xe, số km đường cao tốc mà phương tiện đã sử dụng. Sau khi nhận tiền máy tính sẽ tự động in hóa đơn (vé cước phí) và mở barrie cho phương tiện đi qua.
Ngoài 33 cửa thu phí sử dụng công nghệ RFID, trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây còn bố trí 8 cửa thu phí tự động sử dụng công nghệ DSRC. Thu phí tự động theo công nghệ DSRC có các ưu việt: Cho phép truyền dữ liệu với độ chính xác cao không ảnh hưởng bởi yếu tố ngoại cảnh; Cho phép giao tiếp thanh toán ngay cả khi xe chạy với tốc độ cao (120km/h); Đảm bảo tích hợp với các hình thức thanh toán dịch vụ khác; Linh động trong chuyển đổi từ hình thức thu phí không dừng (ETC) sang hình thức thu phí quẹt thẻ (MTC).
Hệ thống thu phí kín giúp tiết giảm chi phí quản lý, vận hành khai thác cho Chủ đầu tư, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu cho chủ phương tiện do không phải chờ đợi tại các trạm thu phí, công tác thu phí được thực hiện tự động, bảo đảm nhanh chóng, chính xác, minh bạch và công bằng cho các chủ phương tiện; thuận lợi trong quá trình giám sát, hậu kiểm của công tác thu phí.
Việc vận hành chính thức toàn bộ hệ thống thu phí kín trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây sẽ bắt đầu từ tháng 4/2017.
* Cũng trong sáng nay (10/3), VEC tổ chức chào đón phương tiện thứ 30 triệu trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, với sự tham dự của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, Lãnh đạo các Vụ, Cục liên quan của Bộ GTVT, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh và VEC.
Lễ đón phương tiện thứ 30 triệu trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây
Kể từ khi thông xe kỹ thuật 20km đầu tiên (ngày 02/01/2014), tính đến ngày 10/3/2017 tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây phục vụ an toàn 30 triệu lượt phương tiện, với lưu lượng trung bình thời điểm hiện tại 37.000 - 40.000 lượt phương tiện/ngày đêm, đặc biệt cao điểm dịp Tết Đinh Dậu vừa qua có ngày tuyến phục vụ tới 65.000 lượt phương tiện. Các phương tiện lưu thông trên tuyến đảm bảo an toàn, thông suốt và thuận lợi.
Nhân dịp tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây đón phương tiện thứ 30 triệu, VEC tổ chức các hoạt động tri ân khách hàng đã luôn ủng hộ, luôn đồng hành và gắn bó với tuyến cao tốc hiện đại nhất – văn minh nhất – sạch đẹp nhất của cả nước.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện