Trạm thu vé tại Km 67+300 QL32 sẽ hoạt động từ 0h00 ngày 5/3/2017 |
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (Phú Thọ) được hoàn thành sau 14 tháng triển khai đã mang lại sự thuận lợi, an toàn cho người tham gia giao thông và là tiền đề phát triển KT-XH khu vực.
Nhanh hơn, an toàn hơn
Những ngày cuối tháng 2, PV Báo Giao thông trở lại đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL2 đến Hương Nộn hay QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (Phú Thọ) và ghi nhận, lưu lượng tham gia giao thông khá đông. Tuy nhiên, việc lưu thông đã thuận tiện, an toàn hơn nhờ đường được mở rộng, mở mới nhiều đoạn tuyến.
Anh Nguyễn Anh Tuấn, lái xe tuyến Hà Nội - Tuyên Quang cho biết, nếu từ Tuyên Quang về Hà Nội theo QL2 đến ngã ba Phú Hộ, TX Phú Thọ sẽ có ba lựa chọn: Đi tiếp QL2 về Hà Nội khoảng 110km và qua trạm thu phí cầu Hạc Trì, trạm BOT QL2, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài. Hoặc đến ngã ba Phù Ninh lên cao tốc Hà Nội - Lào Cai nút giao IC 8 khoảng 99km để đi Hà Nội, thì qua trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Lào Cai và trạm thu phí Bắc Thăng Long, hai phương án này đi xa hơn, chi phí lớn hơn.
“Từ khi biết tuyến đường Hồ Chí Minh qua Phú Thọ mới hoàn thành, nhiều tài xế chọn cung đường này vì đi về Hà Nội gần hơn, mật độ phương tiện không lớn, mặt đường tốt và ít khu dân cư. Đến ngã ba Phú Hộ, theo ĐT315 khoảng 1,5km rẽ đường Hồ Chí Minh, đi tiếp 96km để về Hà Nội và chỉ qua trạm thu phí Tam Nông, chúng tôi sẽ tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể”, anh Tuấn nói.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, hệ thống an toàn giao thông dọc tuyến QL32 từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà và tuyến đường Hồ Chí Minh mới đã được hoàn thiện. Các biển báo, chỉ dẫn, phản quang được lắp đặt đầy đủ, giúp người điều khiển phương tiện an tâm khi di chuyển, nhất là trong đêm.
Ông Lê Văn Ngọc, khu 2, xã Hương Nộn phấn khởi: “Việc nâng cấp QL32 từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà và tuyến đường Hồ Chí Minh mới qua địa bàn sẽ giúp người dân, doanh nghiệp đi lại thuận lợi, an toàn trên địa bàn huyện Tam Nông và các huyện lân cận. Đặc biệt, đây lại là tuyến giao thông cửa ngõ phía Tây Hà Nội nên sẽ mang lại nhiều lợi ích giúp kết nối vùng kinh tế, nhất là kết nối với Thủ đô”.
Em Nguyễn Phương Thảo, học sinh trường THCS Tam Nông vui vẻ nói: “Trước đây, tuyến đường chạy qua trường rất bụi bẩn, xe tải chạy nhiều nên mặt đường xuống cấp, chúng em đi học vất vả vì đường nhiều ổ voi, ổ gà, đường chật mà xe cộ đông nên nguy cơ mất ATGT rất cao. Giờ đường mới rộng hơn, bằng phẳng, bọn em đi đến trường nhanh và an toàn hơn”.
Đoạn đường Hồ Chí Minh từ QL2 đến Hương Nộn rộng thoáng và rút ngắn thời gian cho các tỉnh miền núi phía Bắc về Hà Nội |
Đảm bảo tiến độ, chất lượng
Nhìn con đường đẹp, đầy đủ thiết bị, sẵn sàng đưa vào sử dụng, ông Đỗ Văn Duy, Phó giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng (doanh nghiệp đầu tư dự án) nhớ lại, những ngày đầu tiếp nhận dự án bị đình trệ nhiều năm từ một đơn vị khác, thấy dự án bộn bề khó khăn vì nhiều đoạn chưa giải phóng xong mặt bằng, vừa thi công vừa khai thác trong khi lưu lượng tham gia giao thông trên tuyến rất cao, thời tiết nơi đây khắc nghiệt, mưa nhiều…
“Với bài toán GPMB, chúng tôi giải bằng cách chủ đầu tư chủ động “lăn vào cuộc” cùng chính quyền cơ sở. Các cán bộ của Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ được giao xuống cơ sở “ăn cùng, ngủ cùng, GPMB cùng địa phương”, trực tiếp tham gia đo đạc, kiểm đếm. Việc kiểm đếm được thực hiện theo phương thức cuốn chiếu, đo đạc đến đâu thống kê và lên phương án đến đó. Sau khi niêm yết công khai phương án đền bù với từng hộ dân, chủ đầu tư cùng cán bộ Hội đồng GPMB sẽ đến từng nhà để lấy ý kiến và giải đáp thắc mắc cho người dân chứ không chờ người dân kiến nghị, ký thỏa thuận, nhờ đó sẽ rút ngắn được khoảng 50% thời gian so với việc để người dân tự đến nộp”, ông Duy cho biết.
Dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL32 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (Phú Thọ) có tổng chiều dài 35,07km. Trong đó, phần còn lại của dự án xây dựng công trình cầu Ngọc Tháp và tuyến nối QL2 - QL32 thuộc dự án đường Hồ Chí Minh (điểm đầu giao với đường tỉnh 315, điểm cuối giao với QL32 tại Km 79+400) có chiều dài 17,79km. Tổng mức đầu tư dự án là 1.109.217 triệu đồng, hình thức đầu tư Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), sử dụng trạm thu vé đặt tại Km 67+300 trên QL32 để thu giá dịch vụ hoàn vốn cho dự án khoảng 20 năm. Dự án khởi công năm 2015, hoàn thành năm 2016 và được Bộ GTVT ra Văn bản số 2007/BGTVT-TC ngày 28/2/2017 chấp thuận cho Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ được tổ chức thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ từ 0h ngày 5/3/2017 để hoàn vốn cho dự án. |
Khi có mặt bằng, các nhà thầu lập tức huy động tối đa máy móc, nhân lực, chia ba ca để tăng tốc, bù tiến độ. Những ngày mưa nhiều cũng vậy, khi trời dừng mưa, công trường khô ráo là các đơn vị thi công lại tăng tốc với nhiều mũi thi công đồng loạt. Anh em chia ca, làm việc xuyên đêm trên công trường. Lãnh đạo doanh nghiệp đầu tư dự án, nhà thầu luôn sát cánh cùng anh em trong công tác chỉ đạo, đôn đốc, gỡ vướng mắc. “24h đêm, lãnh đạo doanh nghiệp vẫn trên công trường thăm hỏi, động viên tinh thần cán bộ, công nhân viên không phải là chuyện hiếm trên các công trường của Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ”, ông Duy nói.
Theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH BOT Hùng Thắng Phú Thọ, để dự án được triển khai hiệu quả, kịp tiến độ, chủ đầu tư, doanh nghiệp dự án đã yêu cầu tư vấn giám sát chỉ tập trung kiểm soát chất lượng, ban quản lý dự án (chủ đầu tư) sẽ giám sát tiến độ dự án, còn tư vấn kiểm định kiểm soát theo ngày. Tư vấn giám sát nghiệm thu xong là tư vấn kiểm định vào làm ngay, chứ không chờ đến đợt. Công tác thi công hàng ngày của từng phân đoạn đều được cập nhật thường xuyên trên bảng điện tử đặt ngay tại công ty.
“Chúng tôi quản lý tiến độ theo từng ngày đối với từng nhà thầu. Từ kế hoạch tháng, phân bổ kế hoạch tuần và phân rã khối lượng theo ngày, sau mỗi ngày đơn vị thi công báo cáo khối lượng thực hiện ngày cho ban quản lý dự án, nếu chậm yêu cầu ngày hôm sau phải thực hiện bù. Công ty áp dụng quy chế thưởng phạt trong quản lý tiến độ: Nhà thầu đạt >102% kế hoạch được thưởng 5% giá trị vượt; Nhà thầu chậm <97% so với kế hoạch thì phạt 5% giá trị bị chậm. Nhà thầu nào chậm liên tục ba tháng thì bị cắt chuyển khối lượng cho đơn vị khác thực hiện”, ông Hải cho hay.
Thi công đoạn tuyến QL32 là đoạn đường vừa thi công vừa khai thác, nên công tác đảm bảo ATGT trong suốt giai đoạn triển khai dự án được đặc biệt chú trọng. Hàng ngày, các cán bộ ban quản lý dự án và tư vấn giám sát đều thực tế kiểm tra công tác đảm bảo ATGT và an toàn lao động trên tuyến, phát hiện vi phạm là chụp ảnh gửi về công ty để có hình thức xử phạt nhà thầu. Trong suốt quá trình thực hiện dự án, không có vụ mất an toàn nào xảy ra, được Sở GTVT Phú Thọ, chính quyền địa phương đánh giá cao về công tác ATGT, ATLĐ và vệ sinh môi trường.
Với phương châm “Chất lượng là hàng đầu”, nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án đầu tư xây dựng công trình đường Hồ Chí Minh đoạn từ QL32 đến Hương Nộn và nâng cấp, mở rộng QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (Phú Thọ) đã lựa chọn các đơn vị mạnh, có kinh nghiệm thực hiện các dự án đường bộ lớn để làm các nhà thầu cho các phân đoạn như: Hùng Thắng, Tiến Hưng, Trường Phát, Hồng Hải, Cầu 1 Thăng Long... Tất cả chỉ huy, tư vấn giám sát trên dự án đều là những người có kinh nghiệm cứng về tiến độ, đảm bảo về chất lượng. Những lỗi liên quan đến chất lượng, an toàn, tiến độ... đều được chủ đầu tư giám sát chặt và xử lý nghiêm. Quá trình thi công, điểm nào không đảm bảo yêu cầu đều phải đập bỏ, tháo ra làm lại.
“Chúng tôi tâm niệm rằng, mình đang xây nhà để mình ở và ở ít nhất là 20 năm, nên nếu có hỏng tự mình phải bỏ chi phí sửa chữa. Qua quá trình nghiệm thu, công trình được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Bộ GTVT, Ban QLDA đường Hồ Chí Minh đánh giá rất cao về công tác quản lý chất lượng”, ông Hải tâm sự.
Nguồn:baogiaothong.vn
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện