Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội và Quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Thủ tướng phê duyệt, Hà Nội sẽ xây dựng chín tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) với tổng chiều dài 372,5km, tổng mức đầu tư dự kiến hơn 700 nghìn tỷ đồng.
Hiện nay, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đang quản lý triển khai hai dự án, gồm dự án tuyến ĐSĐT số 3 (Nhổn - Ga Hà Nội) và dự án tuyến ĐSĐT số 2 (Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo). Đồng thời, thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư bốn dự án gồm: tuyến số 3 giai đoạn 2 (Ga Hà Nội - Hoàng Mai), tuyến số 2 giai đoạn 2 (Trần Hưng Đạo - Thượng Đình), tuyến Nội Bài - Nam Thăng Long và tuyến số 8 (Sơn Đồng - Mai Dịch).
Đối với dự án tuyến ĐSĐT số 3, cho đến nay, Ban Quản lý ĐSĐT Hà Nội đã hoàn thành đấu thầu và ký kết hợp đồng tám gói thầu, hiện còn gói thầu số 9 về hệ thống vé chưa được ký kết. Dự án đã thi công hơn 30% khối lượng công việc, từng bước rút ngắn tiến độ các gói thầu xây lắp bị chậm, bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh môi trường các gói thầu thi công. Hiện, Ban đang tập trung GPMB bốn ga ngầm, dự kiến sẽ bàn giao mặt bằng cho nhà thầu vào cuối tháng 3-2017. Phấn đấu hoàn thành dự án vào năm 2021.
Về dự án tuyến ĐSĐT số 2, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép điều chỉnh dự án, Ban tiếp tục làm việc với các cơ quan để cho ý kiến thống nhất làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh dự án trong quý I-2017. Hiện, Ban đã hoàn thành sơ tuyển năm gói thầu xây lắp và thiết bị, hoàn thành phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng của tám ga và trình UBND Thành phố phê duyệt quy hoạch hai ga. Phối hợp các quận GPMB 80% diện tích khu đề-pô, 70% đoạn trên cao và chuyển tiếp ngầm. Hiện đang triển khai lập hồ sơ kỹ thuật thửa đất các ga ngầm để lập phương án thu hồi đất.
Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, đồng chí Hoàng Trung Hải ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của tập thể cán bộ Ban Quản lý dự án ĐSĐT trong thời gian gần đây đã tạo chuyển biến mới trong việc triển khai các dự án trên địa bàn. Tuy nhiên, đồng chí chỉ rõ năm hạn chế, trở ngại chính trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới ĐSĐT của Hà Nội. Đó là những khó khăn về: vốn; giải phóng mặt bằng; nhân sự quản lý, điều hành dự án; thiếu kinh nghiệm thực tế và sự phối hợp chưa chặt chẽ, thiếu hiệu quả của các đơn vị liên quan. Chính những điều này đã khiến cho việc triển khai dự án ĐSĐT tuyến số 3 bị chậm so với kế hoạch ban đầu 36 tháng. Nếu tiếp tục với tiến độ hiện tại, đến năm 2021, Hà Nội chỉ hoàn thành được 20% tổng khối lượng quy hoạch ĐSĐT, đến năm 2030 chỉ đạt được 30%. Việc triển khai các dự án ĐSĐT lại quá chậm như hiện nay không thể đáp ứng được yêu cầu đề ra là hạn chế phương tiện giao thông cá nhân, giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố những năm tới.
Đồng chí yêu cầu yêu cầu các sở, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn tất giải phóng mặt bằng các dự án ĐSĐT, đặc biệt là mặt bằng cho dự án tuyến Nhổn – Ga Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ và hạn chế tốn kém phát sinh. Quá trình thi công các ga ngầm, không chỉ bảo đảm an toàn cho người lao động, mà chú trọng bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông, hạn chế việc cản trở giao thông. Các sở, ngành của thành phố phối hợp với Ban cố gắng bằng mọi cách bố trí đủ vốn cho các dự án ĐSĐT, bởi đây là các dự án trọng điểm của Thủ đô, của quốc gia. Trong công tác cán bộ, Ban cần tuyển chọn các cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, phong cách làm việc chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, Ban cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình triển khai các dự án trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, bởi khi các tuyến ĐSĐT hoàn thành sẽ kết nối đô thị trung tâm với các đô thị vệ tinh, kéo giãn số dân trong khu vực trung tâm, nâng cao chất lượng sống cho người dân và giảm ùn tắc giao thông.
Nguồn: nhandan.com.vn