Sôi động ngay sau Tết
Sáng mùng 9 tháng Giêng (6/2), trên công trường thi công nút giao thông Mỹ Thủy (Q.2, TP.HCM), không khí thi công rất sôi nổi. Tại buổi thăm công trường trước đó ngày mùng 6 Tết, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng chỉ đạo nhà thầu phải tăng cường thêm quân số để đẩy nhanh tiến độ, nhà thầu đã điều động thêm công nhân, thiết bị đến công trường để quyết tâm hoàn thành nút giao này trước 3 tháng so với kế hoạch ban đầu. Việc đầu tư xây dựng nút giao Mỹ Thủy có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo thông thoáng cho tuyến vành đai 2 và đường Đồng Văn Cống đi vào cảng Cát Lái.
Tại cửa ngõ phía Đông Bắc, nút giao thông trước cổng Đại học Quốc gia cũng được Sở GTVT yêu cầu thi công xuyên Tết. Nằm trên tuyến xa lộ Hà Nội, nút giao Đại học Quốc gia được thiết kế thành nút giao khác mức để giảm ùn tắc trên tuyến xa lộ huyết mạch này. Cụ thể, tuyến QL1 sẽ được mở rộng với 8 làn xe; Đồng thời, xây một hầm với chiều dài 1,2km và 2 cầu vượt qua hầm tạo thành một đảo hình xuyến trong khu vực nút giao. Ngoài ra, tại đây còn xây dựng thêm hai cầu vượt dành cho người đi bộ trong khu vực nút giao Đại học Quốc Gia TP.HCM. Tổng mức đầu tư cho nút giao này là 164 tỷ đồng, được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) bổ sung vào dự án BOT mở rộng xa lộ Hà Nội. Theo kế hoạch, nút giao này sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017.
Ông Hà Huy Đông, Chỉ huy trưởng công trình nút giao thông Đại học Quốc gia cho biết, trên công trường hiện tổ chức đồng loạt 3 mũi thi công. Một mũi bốc dỡ mặt đường nhựa cũ, một mũi thi công cầu vượt số 2 và một mũi thi công cầu vượt số 1. “Tiến độ của dự án đang đảm bảo, chúng tôi thường xuyên theo dõi hàng ngày để có sự điều chỉnh các hạng mục một cách hợp lý nhằm đảm bảo tiến độ chung của dự án đúng như kế hoạch”, ông Đông nói.
Nhiều dự án chống ùn tắc sẽ được đẩy nhanh
Tại công trình xây dựng nhánh nối từ đường Võ Văn Kiệt lên cầu Nguyễn Văn Cừ (Q.5), không khí thi công cũng nhộn nhịp đầu xuân mới. Tổng mức đầu tư của dự án không lớn nhưng có ý nghĩa trong việc giải quyết ùn tắc, tạo thuận lợi cho các luồng giao thông từ quận 1, 5 qua quận 4, 7, 8 khu Nam Sài Gòn và ngược lại. Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ kết nối đồng bộ và nâng cao hiệu quả khai thác trục đường Võ Văn Kiệt - đường hầm sông Sài Gòn - Mai Chí Thọ.
Ông Vũ Huy Cường, Chỉ huy phó công trình cầu Nguyễn Văn Cừ cho biết, đơn vị thi công đang phấn đấu hoàn thành một số hạng mục như gia công cốt thép hoàn thiện một trụ cầu, gia công khoảng 100m dài của cọc bê tông cốt thép 30x30cm để đẩy nhanh tiến độ chung dự án.
"Lượng phương tiện tăng cao khiến áp lực lên hạ tầng giao thông ngày càng lớn. Vì vậy, Sở GTVT đang phối hợp với các đơn vị chức năng, chủ đầu tư, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án để phục vụ vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân thuận tiện hơn”.
Ông Nguyễn Văn Tám
Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM
|
Theo Sở GTVT TP.HCM, trong năm 2017 thành phố sẽ triển khai tổng cộng 80 dự án. Trong đó có 50 dự án đầu tư bằng ngân sách TP.HCM với số tiền 8.417 tỷ đồng. Có 3 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách T.Ư với 9.253 tỷ đồng, 3 dự án sử dụng vốn ODA với số vốn 9.440 tỷ đồng và 24 dự án được triển khai theo hình thức hợp tác công tư (PPP) có số vốn 12.153 tỷ đồng.
Hai cầu vượt thép trước sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) và nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm (Q.Gò Vấp) sẽ được triển khai nhanh trong những ngày tới để kịp thời giải bài toán ùn tắc cho các cửa ngõ vào sân bay. Cùng đó, Sở GTVT còn triển khai 4 dự án mở rộng đường gồm: Mở rộng đường Hoàng Minh Giám đoạn gần đường Phổ Quang (Q.Phú Nhuận), đường Cộng Hòa (Q.Tân Bình) đoạn cạnh nút giao thông Lăng Cha Cả, đường Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình) đoạn từ Cộng Hòa vào sân bay, đường Phan Thúc Duyện (Q.Tân Bình). Tổng vốn đầu tư cả 6 dự án trên là 1.380 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nút giao thông An Phú đoạn giao lộ Lương Định Của đi vào cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây (Q.2) cũng đang được xúc tiến đầu tư để giải tỏa ùn tắc tại nút giao này. Theo kế hoạch đầu năm 2017 sẽ làm đường vành đai 2 đoạn từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - QL1 (Q.Thủ Đức) dài 2,7km. Bến xe Miền Đông mới đang được đẩy nhanh các thủ tục để kịp tiến hành đầu tư và hoàn thành trong năm 2017 nhằm di dời bến xe Miền Đông hiện hữu. Bến xe Miền Tây cũng sẽ được hoàn thành năm 2018. Hầm chui tại nút giao thông An Sương (Q.12 - Hóc Môn) cũng đã được khởi công từ cuối năm 2016.
Ngoài ra, từ đề xuất của UBND TP.HCM, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận bổ sung quy hoạch giao thông vận tải TP HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 gồm xây dựng cầu Cát Lái, cầu Bình Khánh và đường song song QL50.
Nguồn: baogiaothong.vn