Mô hình cầu Yên Xuân |
Ngày 2/10, Bộ GTVT tổ chức lễ động thổ xây dựng công trình cầu Yên Xuân bắc qua sông Lam trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Đây là hạng mục vừa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào hợp đồng BOT tuyến tránh Vinh và mở rộng QL1 từ Nam Bến Thủy - tránh TP Hà Tĩnh do Tổng công ty XDCTGT4 (Cienco4) làm nhà đầu tư.
Xóa vị trí ốc đảo bằng cầu đường bộ
Với đặc điểm địa hình khu vực hai vùng Nam - Bắc của tỉnh Nghệ An bị ngăn cách bởi sông Lam, toàn bộ khu kinh tế phía Nam, gồm 9 xã của Nam Đàn và 5 xã của huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) nằm biệt lập so với TP Vinh. Do địa hình tương đối thấp, mạng lưới đường bộ ít nên việc đi lại của nhân dân trong vùng chủ yếu qua cầu đường sắt Yên Xuân và Thọ Tường bằng phương tiện xe thô sơ.
Để hoàn vốn cho công trình, nhà đầu tư sẽ sử dụng trạm thu phí cầu Bến Thủy (cũ) và trạm Bến Thủy II để thu phí, thời gian hoàn vốn kéo dài thêm 2,2 năm so với thời gian hoàn vốn của dự án tuyến tránh TP Vinh, mở rộng QL1 đoạn từ Nam Bến Thủy đến tuyến tránh TP Hà Tĩnh. |
Việc kết nối giao thông đường bộ phải thực hiện từ tuyến tránh TP Vinh qua cầu Bến Thủy đến Hồng Lĩnh và QL8. Vào mùa mưa lũ, nhất là những năm lũ lớn, nước sông Lam và sông La tràn vào khiến cầu đường sắt cũng như hệ thống đường bộ khu vực này bị chìm ngập, việc đi lại của nhân dân vô cùng khó khăn. Thấu hiểu những vất vả của người dân nơi đây, năm 2009, UBND tỉnh Nghệ An ra Quyết định số 2641 vể việc cho phép lập dự án đầu tư xây dựng một cây cầu đường bộ bắc qua sông Lam.
Trên cơ sở đề nghị của UBND tỉnh Nghệ An và ý kiến của Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1666 ngày 17/9/2015 về việc đồng ý chủ trương bổ sung hạng mục xây dựng cầu Yên Xuân vào dự án xây dựng tuyến tránh TP Vinh và mở rộng QL1 đoạn Nam cầu Bến Thủy - tuyến tránh TP Hà Tĩnh theo hình thức hợp đồng BOT do Cienco4 làm nhà đầu tư.
Ông Nguyễn Tuấn Huỳnh, Tổng Giám đốc Cienco 4 cho biết, việc đầu tư cầu đường bộ Yên Xuân rất cấp thiết trong việc xóa bỏ vị trí ốc đảo, đảm bảo ATGT và thuận lợi hơn cho người dân trong khu vực huyện Nam Đàn và Đức Thọ trong mùa mưa lũ. “Cầu Yên Xuân khi xây dựng xong cùng với đường tỉnh 558, tuyến tránh Vinh, QL15A, QL8, cầu Linh Cảm tạo thành mạng lưới đường bộ hoàn chỉnh và ngắn nhất nối từ Vinh đến cửa khẩu Việt - Lào, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong vùng ngập lụt đi lại thuận lợi, an toàn trong mùa mưa lũ”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Năm 2017, hoàn thành đưa vào khai thác
Theo thiết kế được phê duyệt, vị trí xây dựng cầu Yên Xuân nằm trên địa phận hai huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn với chiều dài toàn tuyến khoảng 3,66 km, gồm cầu chính dài 1,77 km và phần đường hai đầu cầu 1,89 km. Cầu được thiết kế vĩnh cửu bằng bê tông cốt thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, bề rộng cầu 9m, khổ thông thuyền 40x7 m.
Đường hai đầu cầu được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp IV đồng bằng với vận tốc thiết kế 60 km/h, kết cấu mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm. Riêng đoạn từ nút giao đê Nam Trung đến cuối tuyến (dài khoảng 1,5km), để phù hợp với nhu cầu thực tế và giảm khối lượng giải phóng mặt bằng sẽ được thiết kế với tiêu chuẩn đường cấp V đồng bằng, tốc độ thiết kế 40 km/h, kết cấu mặt đường bê tông xi măng. Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn công trình và hài hòa lợi ích giữa công trình giao thông và thủy lợi, khu vực đê trong phạm vi thượng, hạ lưu cầu mỗi bên 50 m (tính từ tim cầu) được xây dựng tường chắn bằng bê tông cốt thép đảm bảo quy mô quy hoạch trong tương lai.
“Tổng mức đầu tư dự kiến của công trình trên 900 tỷ đồng gồm chi phí xây dựng khoảng 568 tỷ đồng, chi phí dự phòng khoảng 128,9 tỷ đồng, lãi vay trong quá trình thi công 80,6 tỷ đồng… Dự kiến công trình sẽ hoàn thành và đi vào khai thác vào tháng 5/2017”, Tổng Giám đốc Nguyễn Tuấn Huỳnh cho biết.
Tác giả: admin
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2022 Bản quyền thuộc về VIỆN KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ GIAO THÔNG VẬN TẢI.
Viện Khoa học và Công nghệ GTVT được thành lập theo Nghị định số 96-NĐ ngày 04/10/1956 của Bộ Giao thông và Bưu điện