Đường HCM qua Tây Nguyên vượt tiến độ 1,5 năm, dư 4.349 tỷ đồng

Thứ tư - 30/09/2015 13:00. Xem: 104
Vừa qua, tại phiên họp toàn thể lần thứ XI của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội (QH) khóa XIII diễn ra tại Thừa Thiên - Huế, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về DA đường HCM.

 

DA đường HCM qua Tây Nguyên vượt tiến độ 1,5 năm so với yêu cầu

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, DA đường HCM khởi công xây dựng giai đoạn 1 từ năm 2000 – 2007 đã hoàn thành khoảng 1.350km đoạn Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) bao gồm cả 684km nhánh Tây. Từ cuối năm 2008, bắt đầu triển khai xây dựng các dự án thành phần (DATP) thuộc giai đoạn 2 để nối thông toàn tuyến với chiều dài khoảng 1.394km (không kể các đoạn đi trùng đã và đang được đầu tư bằng DA khác).

Đến nay, giai đoạn 2 đã thi công hoàn thành khoảng 711/1.394km; trong đó đoạn Pác Bó – Cao Bằng (53km) và cầu Ngọc Tháp (2km); đoạn từ Tân Cảnh đến Chơn Thành đến nay đã hoàn thành 553km; từ Chơn Thành đến Đất Mũi hoàn thành 103km (tuyến N2 Củ Chi - Đức Hòa, Thạnh Hóa - Mỹ An, Mỹ An – Cao Lãnh, cầu Đầm Cùng, cầu Năm Căn và 10km đoạn Chơn Thành - Đức Hòa). Riêng tuyến nhánh (đường ngang, đường hoàn trả), đã hoàn thành 258km, gồm 223km đầu tư trong giai đoạn 1 và 35 km thực hiện ở giai đoạn 2.

8 DATP đang triển khai thi công bằng nhiều nguồn vốn, với chiều dài khoảng 251km, tổng mức đầu tư (TMĐT) 42.683 tỷ đồng. Cụ thể, DA vốn TPCP gồm 2 DATP (69,3km, TMĐT 3.940 tỷ đồng), gồm: đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất – Gò Quao – Vĩnh Thuận đã bố trí 400 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014 – 2016 để đầu tư cấp bách đoạn Bến Nhất – Gò Quao dài khoảng 10,25km (trùng với QL61) dự kiến hoàn thành cuối năm 2015, đoạn còn lại dự kiến sẽ đầu tư vào giai đoạn 2016 – 2018; Đoạn Năm Căn – Đất Mũi (59km) dự kiến hoàn thành 51,5km cuối năm 2015 và đang hoàn thiện các thủ tục để triển khai 7,5km đoạn Khai Long - Đất Mũi (nếu được QH chấp thuận sử dụng vốn dư đường HCM qua Tây Nguyên).

Dự án BOT (17km, TMĐT 1.109 tỷ đồng), đoạn từ QL2 đến Hương Nộn và mở rộng nâng cấp QL32 đoạn từ Cổ Tiết đến cầu Trung Hà (DA cầu Ngọc Tháp). Dự án BT (79km,TMĐT 11.485 tỷ đồng), giai đoạn trước mắt đoạn La Sơn – Túy Loan đầu tư quy mô 2 làn xe, đã triển khai thi công đầu năm 2014, khối lượng đạt 24%, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. Dự án ODA, vốn viện trợ không hoàn lại và vốn đối ứng (85km, TMĐT 26.149 tỷ đồng), gồm 4 DATP phần sẽ hoàn thành trong năm 2017, gồm: cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối Cao Lãnh – Vòm Cống và đoạn Lộ Tẻ - Rạch Sỏi.

“Tiến độ thực hiện giai đoạn 1 cơ bản đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 38/2004/QH11, đến năm 2007 đã cơ bản hoàn thành đoạn từ Hòa Lạc đến Tân Cảnh. Giai đoạn 2, các DATP đã hoàn thành với tiến độ đạt yêu cầu, riêng các DA đường HCM đoạn qua Tây Nguyên đã vượt tiến độ 1,5 năm so với yêu cầu của Nghị quyết số 66/2013QH13 đề ra. Công tác huy động vốn đã cơ bản đáp ứng được nguồn lực để đầu tư cho các DA theo Nghị quyết số 66/2013/QH13”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết.

Chất lượng công trình - hiệu quả khai thác - tiết kiệm chi phí đầu tư…

DA đường HCM sử dụng vốn ngân sách nhà nước, TPCP, vốn vay ODA và vốn BOT, BT, PPP. Trong đó, vốn TPCP đã được bố trí đến hết năm 2015 là 32.123 tỷ đồng; vốn vay ODA 3.679 tỷ đồng và 18.637 tỷ đồng từ nguồn lực xã hội hóa cho các dự án BOT, BT. Đặc biệt, DA đường HCM đoạn qua Tây Nguyên đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng, trong đó nguồn vốn bố trí cho 6 DA là 10.000 tỷ đồng, đến nay còn dư khoảng 4.349 tỷ đồng.

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, DA đường HCM đã được triển khai tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư xây dựng, đặc biệt tuân thủ Nghị quyết số 49/2010/QH12 về các DA công trình trọng điểm quốc gia. Công tác quản lý vốn tuân thủ các điều kiện hiện hành, theo dõi nguồn vốn kịp thời, đầy đủ, định kỳ có đối chiếu với đơn vị cấp vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà thầu trong việc thanh toán bám sát kế hoạch vốn đã được duyệt hàng năm của DA dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ GTVT và nỗ lực không ngừng của Ban QLDA cùng với nhà thầu. Đối với số tiền dư còn lại nói trên Thứ trưởng Trường cho biết trong lập dự toán gồm khối lượng xây lắp, dự phòng trượt giá (trượt giá dự phòng và trượt giá phát sinh) trong 3 năm (2014 – 2017) trong đó mỗi năm là 10% cộng với tiết kiệm 5% và thời giant hi công được rút ngắn lại 18 tháng.

Trong quá trình triển khai DA, Chính phủ, Bộ GTVT đã có báo cáo giám sát tình hình thực hiện DA theo định kỳ và khi QH yêu cầu. Đặc biệt, quá trình triển khai DA thường xuyên được lãnh đạo Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo sâu sát, các Ủy ban của QH và đoàn Đại biểu QH các tỉnh thường xuyên kiểm tra giám sát. Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo Bộ GTVT phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh trong quá trình thực hiện, những vướng mắc đều được giải quyết kịp thời.

Các DA thành phần triển khai cũng tuân thủ đúng trình tự, thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản hiện hành; tổng thể không làm tăng tổng mức vốn đầu tư, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng, đã được thể hiện qua kết luận của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước và thanh tra của các Bộ, ngành. Về chất lượng công trình, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan luôn đặt hiệu quả, chất lượng công trình là mục tiêu hàng đầu và thực tế cho thấy, đến nay những đoạn tuyến thuộc giai đoạn 1 và giai đoạn 2 được đưa vào khai thác đều cơ bản đảm bảo chất lượng và đã được Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá đạt yêu cầu và chấp thuận nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng.

“Việc hoàn thành, đưa vào sử dụng đường HCM giai đoạn 1 đã mang lại hiệu quả nhiều mặt đối với các khu vực và các địa phương nơi dự án đi qua. Đặc biệt đối với cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây; góp phần hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông tạo điều kiện cho các địa phương miền núi, vùng sâu, vùng xa phía Tây đất nước phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội, góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo ANQP… Các DA thành phần giai đoạn 2 sau khi hoàn thành đã làm thay đổi diện mạo về cơ sở hạ tầng và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển KT- XH của các địa phương có tuyến đường đi qua…”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nhấn mạnh.

Theo ông Võ Tuấn Nhân – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, quyết tâm đầu tư hoàn thành sớm các DA mở rộng quốc lộ của Bộ GTVT được người dân, xã hội quan tâm và đánh giá rất cao và bây giờ Bộ GTVT cần tiếp tục quan tâm đôn đốc. “Hiệu quả rất rõ rệt, người dân rất phấn khởi… Vướng mắc nhất là GPMB, đề nghị các đại biểu đôn đốc các địa phương quyết tâm thực hiện”, ông Nhân nói, đồng thời cho biết: “Đường HCM đoạn qua Tây Nguyên đã được hoàn thành đưa vào sử dụng là tốt rồi và đặc biệt với 10.000 tỷ đồng nhưng đã đầu tư tiết kiệm được trên 4.300 tỷ là điều rất hoan nghênh. Cái này có nhiều ý kiến khác nhau, nói là bố trí cho DA nhiều quá nên dư nhưng tôi đánh giá khác, nhiều quá thì cũng chưa hẳn vì theo định mức rồi, nhưng đây là sự cố gắng trong đó đã tiết kiệm được rất đáng kể”.

Ưu tiên vốn dư làm những đoạn bức thiết còn lại của đường HCM

Cũng tại phiên họp toàn thể lần thứ XI, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (QH) đánh giá rất cao công tác chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT trong quá trình triển khai DA đường HCM trong thời gian qua.

Ngay sau khi báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 về DA đường HCM, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã giải trình chất vấn của các đại biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ XI của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH khóa XIII các nội dung liên quan đến tình hình triển khai DA đường HCM...

Nỗ lực nối thông toàn tuyến giai đoạn 2016 - 2020

Báo cáo tại phiên họp toàn thể lần thứ XI của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH khóa XIII, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, bên cạnh các DA đã hoàn thành và đang triển khai thi công, đường HCM hiện có 7 dự án thành phần (DATP) dài 432km, tổng mức đầu tư (TMĐT) 36.815 tỷ đồng chưa triển khai thi công. Cụ thể, DA TPCP, gồm 4 DATP (125km, TMĐT 8.689 tỷ đồng), sẽ triển khai từ năm 2016 – 2018, bao gồm các DA: tuyến tránh thị trấn Ngân Sơn - thị trấn Nà Pặc; Chợ Mới – ngã 3 Trung Sơn; cầu Bình Ca; Rạch Sỏi - Bến Nhất; Gò Quao – Vĩnh Thuận (tiếp tục đầu tư đoạn còn lại). Tuy nhiên, để sớm nối thông tuyến đường HCM phát huy hiệu quả DA góp phần phát triển KT – XH, giảm ùn tắc và mất ATGT cũng như tăng cường giữ vững QPAN các tỉnh phía Bắc và tránh tăng tổng mức đầu tư do trượt giá, Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng phương án sử dụng vốn dư từ các DA đường HCM đoạn qua Tây Nguyên để đầu tư sớm giai đoạn 2014 – 2016.


Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

Dự án BT đoạn Cam Lộ - La Sơn (103km, TM ĐT 9.438 tỷ đồng), trước mắt giai đoạn 2014 – 2017 đầu tư quy mô 2 làn xe, hiện đang kêu gọi nhà đầu tư và dự kiến khởi công xây dựng đầu năm 2016. Dự án BOT, gồm 2 DATP: Đoạn Đoan Hùng - Chợ Bến (130km, TMĐT 16.216 tỷ đồng), Bộ GTVT dự kiến thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư để làm cơ sở kêu gọi nhà đầu tư. Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư lớn khó có khả năng hoàn vốn theo hình thức BOT, vì vậy Bộ GTVT đề nghị chuyển đổi hình thức BOT kết hợp nguồn vốn nhà nước như vốn ngân sách, TPCP hoặc ODA để có thể triển khai công tác chuẩn bị đầu tư trong năm 2016 đảm bảo tiến độ; Dự án Chơn Thành - Đức Hòa (74km, TMĐT 2.472 tỷ đồng) đang triển khai công tác lập DA đầu tư. Đối với các đoạn tuyến tránh trên đường HCM đoạn qua Tây Nguyên, tuyến tránh Buôn Hồ (khoảng 25km, TMĐT 578 tỷ đồng) được Thủ tướng cho phép chuẩn bị đầu tư theo Thông báo ngày 25/12/2014. Tuyến tránh Pleiku, tuyến tránh Kon Tum dài khoảng 55km, TMĐT 2.012 tỷ đồng đang thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Để đảm bảo thực hiện kế hoạch đề ra tại Nghị quyết 66/2013/QH13 của QH khóa XIII, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trương cho biết cần phải triển khai công tác quy hoạch: Hoàn thành việc cắm mốc giới theo quy hoạch để bàn giao cho các địa phương quản lý và tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương liên quan để kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống đường ngang, điểm dừng, điểm nghỉ, xây dựng các cửa hàng xăng dầu và triển khai các DA phát triển KT- XH dọc tuyến để phát huy hiệu quả tổng hợp của dự án. Bên cạnh đó, nghiên cứu đầu tư nâng cấp đoạn Túy Loan – Tân Cảnh dài 260km cho phù hợp với quy mô đoạn từ Tân Cảnh đến Chơn Thành. Nghiên cứu tìm kiếm nguồn vốn và phương án đầu tư cho các DATP giai đoạn 2016 – 2020 để nối thông toàn tuyến theo Nghị quyết 66/          2013/QH13.

Ưu tiên vốn dư làm những đoạn cấp thiết còn lại của đường HCM

Hiện nay, đường HCM đoạn qua Tây Nguyên đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trong đó nguồn vốn bố trí cho 6 DA qua Tây Nguyên là 10.000 tỷ đồng, đến nay còn dư khoảng 4.349 tỷ đồng (trên tổng số vốn dư cả QL1 và đường HCM là 14.259 tỷ đồng). Ngày 17/7/2015, Chính phủ đã có báo cáo gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chấp thuận phương án sử dụng vốn dư để đầu tư các DA thuộc DA hoặc mang tính kết nối với các DA quốc lộ và đường HCM qua Tây Nguyên. Trong đó, Chính phủ đề xuất sử dụng 2.891 tỷ đồng để trả nợ khối lượng hoàn thành, thi công các hạng mục dỡ dang của DA Chơn Thành - Đức Hòa và sớm đầu tư các DA khu vực phía Bắc triển khai trong giai đoạn 2016 – 2018 theo Nghị quyết 66/2013/QH13 như tuyến tránh Ngân Sơn - thị trấn Nà Pặc, Chợ Mới – ngã 3 Trung Sơn, cầu Bình Ca; 578 tỷ đồng đầu tư tuyến tránh Tây TX Buôn Hồ; 130 tỷ đồng thảm bê tông nhựa đoạn qua TX Đồng Xoài; 275 tỷ đồng đầu tư các hạng mục nối thông toàn tuyến đoạn Năm Căn - Đất Mũi; 475 tỷ đồng còn lại dự kiến làm kinh phí dự phòng chủ động xử lý các vấn đề liên quan.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng DA đường HCM đảm bảo tiến độ công trình theo đúng yêu cầu, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường  kiến nghị Ủy ban Thường vụ QH, các Ủy ban của QH và các Đoàn đại biểu QH tiếp tục quan tâm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai DA. Các đoàn đại biểu QH các tỉnh có đường HCM đi qua tiếp tục quan tâm chỉ đạo các địa phương có giải pháp đẩy nhanh tiến độ GPMB để sớm bàn giao mặt bằng triển khai thực hiện DA. Không nên điều chuyển vốn dư DA đường HCM để làm những đoạn cấp thiết còn lại của đường HCM. Đồng thời, tiếp tục quan tâm bố trí vốn cho các DA thuộc danh mục đầu tư để nối thông toàn tuyến giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị Quyết 66/2013/QH13 của QH.

Ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường  của QH đánh giá rất cao công tác chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT trong quá trình triển khai DA đường HCM trong những năm vừa qua, đặc biệt là tập trung vào những đoạn tuyến quan trọng, hoàn thành tốt các đoạn đường HCM sớm hơn so với Nghị quyết … Ông Phan Xuân Dũng cho biết, về nguyên tắc Ủy ban nhất trí sử dụng nguồn vốn dư của DA đường HCM đoạn qua Tây Nguyên cho các đoạn tuyến và các DATP khác đường HCM để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành đường HCM, nhưng phải ưu tiên những đoạn cấp thiết…

Sau phiên họp, Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH sẽ tổng hợp lại ý kiến của các đại biểu và Bộ GTVT và xây dựng báo cáo, đề xuất cụ thể trước kỳ họp thứ 10 QH khóa XIII sắp tới.

DA đường HCM là công trình quan trọng quốc gia đã được Quốc hội khóa XI thông qua đầu tư xây dựng tại Nghị quyết số 38/2004/QH11. Tuy nhiên, để phù hợp với nguồn lực và thực tế triển khai DA, ngày 29/11/2013, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Nghị quyết số 66/2013/QH13 điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường HCM theo Nghị quyết số 38/2004/QH11. DA đường HCM có điểm đầu tại Pác Bó (Cao Bằng), điểm cuối tại Đất Mũi (Cà Mau) với chiều dài 3.183km, tuyến chính dài 2.499km, nhánh phía Tây dài 684km. Theo phân kỳ đầu tư, đến năm 2020, hoàn thành các DA thành phần để nối thông toàn tuyến với quy mô 2 làn xe. Sau năm 2020, nâng cấp các đoạn tuyến theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020.

Nguồn: mt.gov.vn

Tác giả: admin

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây